Qua mấy ngày lội suối, tắt rừng, vượt đèo, đoàn đại biểu Hà Nội do đồng chí Hoàng Đạo Thúy dẫn đầu đã tới cây đa Tân Trào, điểm liên lạc cuối cùng.
Toàn đoàn khá mệt, ngồi nghỉ dưới gốc cây đa, có liên lạc đón và mời nước chè tươi. Toàn đoàn đang ngắm nhìn chiến khu với sự cảm kích, hào hùng bởi rừng già hùng vĩ, núi non trầm mặc. Vừa lúc ấy, từ bản gần đó, một đoàn người đi ra, người quần áo Tày, người quần áo Dao. Dẫn đầu đoàn người là một cụ già mặc quần áo Tày, đội mũ sợi màu chàm, tay chống gậy. Được biết, đó là nhân dân địa phương ra đón đoàn đại biểu Hà Nội.
Đoàn đại biểu Hà Nội vội đứng lên chào mừng nhân dân địa phương. Sau phút chào hỏi vui vẻ, đồng chí Hoàng Đạo Thúy cử đồng chí Nguyễn Tài, ủy viên dân vận của đoàn ra nói chuyện với nhân dân địa phương. Còn cả đoàn được phép ngồi nghỉ dưới gốc đa liền đó để chờ thượng cấp.
Được gặp đồng bào ở chiến khu, với niềm tự hào là đại biểu của Hà Nội đi dự Quốc dân Đại hội (8-1945), đồng chí Nguyễn Tài dùng hết khả năng tuyên truyền của mình để nói chuyện với đồng bào: nào là tội ác của Pháp cùng Nhật xâm lược nước ta, cướp bóc thóc lúa, để hàng triệu đồng bào ta bị chết đói; nào là phát xít Đức đã đầu hàng; Hồng quân Liên Xô đã đánh tan đạo quân Quan Đông của Nhật; nào là lực lượng Việt Minh ta ở Hà Nội rất mạnh, khắp nước cũng rất mạnh. Thời cơ nổi dậy giành độc lập đã tới, v v.. Chúng ta lại có lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lãnh đạo...
Bữa cơm của Bác Hồ và các chiến sĩ ở Tân Trào trong những ngày kháng chiến chống thực dân Pháp
Đồng chí Nguyễn Tài vừa nói tới đây thì cụ già - người dẫn đầu đoàn nhân dân địa phương vỗ tay ngắt lời, nhân dân cùng vỗ tay hoan hô theo. Ông Cụ ra hiệu, một nữ đại biểu từ trong đoàn nhân dân địa phương ra đáp lời: "Nhân dân Tân Trào rất ấn tượng đoàn đại biểu Hà Nội đã về dự Đại hội. Đại biểu vừa rồi đã nói chuyện với nhân dân nhiều ý hay, lời đẹp. Dân ở đây cũng được cán bộ Việt Minh, nhất là ông Ké dạy bảo nhiều. Hợp với ý của đại biểu vừa nói. Như vậy là xuôi ngược một lòng cứu nước. Chúc các đại biểu Hà Nội thu nhiều kết quả".
Nữ đại biểu phát biểu xong, thì nhân dân trở về bản. Đoàn đại biểu Hà Nội cũng đứng dậy, đôi bên vẫy chào nhau.
Ông Cụ vẫy đồng chí Nguyễn Tài lại gần, cầm tay như dắt đi. Vừa đi, vừa hỏi:
- Đồng chí thấy nữ đại biểu nói thế nào?
- Dạ, nữ đồng chí ấy nói ngắn, nhưng thể hiện trình độ khá cao. Cháu đang băn khoăn là mình nói hơi thừa...
Ông Ké tủm tỉm cười, nhẹ nhàng bảo đồng chí Tài:
- Chú cần nhớ là Hà Nội bị địch chiếm trước, trên này bị địch chiếm sau. Bây giờ trên này lại được giải phóng trước, Hà Nội vẫn bị quân giặc cướp nước thống trị. Cho nên người đi sau không nên chỉ đường cho người đi trước.
Đồng chí Nguyễn Tài giật mình nhìn ông Ké: Trời ơi! Ông già miền núi gầy gò, mảnh khánh kia nói đơn giản nhưng đầy ý nghĩa "Người đi sau sao lại chỉ đường cho người đi trước". Đồng chí Nguyễn Tài vội nắm chặt tay ông già: "Cháu hiểu ra rồi ạ". Nhìn theo bóng ông cụ bước đi, Nguyễn Tài thầm nghĩ: "Việt Minh mình có những sức mạnh, chính là ở những con người này đây".
Thấy đồng chí Nguyễn Tài đi theo ông Ké một lát rồi bần thần đứng lại, đồng chí Hoàng Đạo Thúy liền tới gần và hỏi: "Ông Ké bảo gì, mà cậu ngẩn ngơ ra vậy?".
Đồng chí Nguyễn Tài kể lại lời ông Ké. Đồng chí Hoàng Đạo Thúy gật đầu bảo: "Phải nhắc nhở anh chị em mình, trò chuyện với nhân dân vùng giải phóng, phải cẩn trọng". Nhìn theo bóng ông cụ, rồi đồng chí Thúy thầm thì với đồng chí Tài: "Không khéo ông Ké ấy chính là cụ Nguyễn Ái Quốc đấy".
Đến ngày khai mạc Quốc dân Đại hội, những băn khoăn đó của hai đồng chí mới được rõ ràng: ông Ké ấy chính là cụ Nguyễn Ái Quốc.