“Em tôi tuổi độ trăng tròn
Sa vào tay giặc sắc son lời thề
Hiếu trung hai chữ nặng nề
Nghiêng vai chung gánh không hề thở than!
Mặc cho bọn sói lang tàn bạo
Dở đủ trò tra khảo em tôi
Dùi cui, roi điện, nước vôi
Khảo tra chẳng được, chiêu hồi cũng không
Từ Tình Báo, Gia Long, Kho Đạn…
Nếm đủ mùi mặn đắng chua cay
Xà liêm xiềng xích đêm ngày
Cắn răng thà chết chẳng thay đổi lòng”.
Tuy ngôn từ bài thơ mộc mạc, chơn chất, nhưng hình ảnh người thiếu niên dũng cảm, bất khuất sống dậy trong tôi. Theo lời chỉ đường của các anh chị em tù yêu nước, chúng tôi đến làng Quang Hiện, nơi sản sinh người thiếu niên Trần Quang Tuấn (nhân vật chính của bài thơ trên).
Năm 1954, đất nước chia cắt, cha mẹ Tuấn là cán bộ cách mạng đều tập kết ra Bắc. Họ đứt ruột gởi lại quê nhà đứa con trai đầu lòng thơ dại. Do vậy, tuổi thơ của Tuấn không được may mắn như các bạn cùng lứa, thiếu sự chăm sóc bàn tay thơm thảo của mẹ hiền. Tuấn lớn lên trong sự cưu mang, đùm bọc của bà nội già yếu và gia đình người bác ruột. Làng Quang Hiện bấy giờ là căn cứ của cách mạng, trong nhà người bác ruột của Tuấn có hầm bí mật nuôi giấu các đồng chí Huyện ủy Điện Bàn. Nhờ sự chăm sóc, giáo dục về truyền thống của gia đình mà trực tiếp là người bác ruột, nên Tuấn sớm giác ngộ cách mạng. Càng nhớ thương cha mẹ bao nhiêu, Tuấn càng căm thù giặc bấy nhiêu. Năm 1963, Tuấn lên làm toán trưởng thiếu nhi thôn Quang Hiện. Năm 1965, được các chú, các anh dìu dắt, Tuấn tham gia giao liên nội thành ở đơn vị P153 với nhiệm vụ chuyển tải tài liệu và đưa cán bộ nội thành từ căn cứ vào thành phố Đà Nẵng và ngược lại. Đến giữa năm 1967 do bị lộ, Tuấn được điều sang công tác khác – Đơn vị 91 Biệt động thành Đà Nẵng. Ở thành phố Tuấn thay hình đổi dạng, lân la nơi hang ổ của địch như Ty cảnh sát Gia Long, Quân vụ thị trấn, Đài phát thanh và vẽ sơ đồ chuyển về Ban chỉ huy. Mọi công tác trên giao Tuấn đều hoàn thành xuất sắc. Tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, Tuấn được tổ chức tin tưởng giao nhiệm vụ mang mật lệnh của chiến dịch đánh vào thành phố Đà Nẵng. Theo phương án và kế hoạch, sáng mồng 5 Tết, Tuấn làm nhiệm vụ tiêu diệt Đồn cảnh sát Hoàng Diệu. Không may đến với Tuấn, giữa lúc làm nhiệm vụ thì cơ sở của ta bị lộ, Tuấn bị địch truy phục, đuổi bắt. Trước tình thế này, Tuấn xông vào một nhà dân ẩn trốn. Bọn giặc tăng cường lùng sục mọi ngõ ngách, mãi đến 15 giờ chiều ngày hôm đó, bọn chúng mới phát hiện, Tuấn đang bâu dưới gầm giường. Như loài hổ dữ đói mồi, bọn giặc ùa vào vây quanh cậu bé Tuấn. Nhẫn tâm hơn, chúng trói chặt Tuấn kéo lê trên đường. Mặc dù sa vào tay sói lang, tử sinh trong gang tấc, nhưng Tuấn vẫn hiên ngang dõng dạc: “Tôi là giải phóng quân, nếu các ông giết tôi thì Cách mạng sẽ trừng trị các ông”.
Kể từ ngày đó, với độ tuổi ăn chưa no, lo chưa tới. Tuấn chịu cảnh tù đày, tra tấn dã man qua từng nhà ngục trần gian. Tại Trung tâm thẩm vấn Thanh Bình, bọn cai ngục dùng mọi thủ đoạn để khai thác Tuấn. Với tấm lòng căm thù giặc sâu sắc và quyết tâm bảo vệ cơ sở, bảo vệ đồng đội, tại đây Tuấn ứng xử khá thông minh, lanh trí.
- Mày là Việt Cộng phải không ? Bọn giặc hỏi.
- Không. Tôi đang đi chơi mấy ổng đến bắt tôi. Tuấn trả lời.
- Nhà mày ở đâu ?
- Tôi sống với người cô ở Đà Nẵng.
Lúc này, tên sĩ quan cảnh sát ngụy, người trực tiếp chỉ huy bắt Tuấn, gầm gừ: “Đ.M. thằng nhóc ranh kia, lúc mới bị bắt, mày tự xưng là chiến sĩ giải phóng quân. Sao giờ mày lại chối ?.
Tuấn đanh thép: Ông là sĩ quan, sao ông ăn nói quá hồ đồ nghô nghê vậy. Thuở nào sa vào tay các ông lại tự xưng mình là Việt Cộng. Rồi Tuấn quát to: ông muốn lập công làm hài lòng cấp trên để thăng tiến chức chứ gì. Đuối lý trước những lời hùng biện sắc sảo của Tuấn. Tên sĩ quan quá xấu hổ trước quan thầy của y rồi lặng lẽ lui ra khỏi phòng. Thế là bọn đao phủ nhà ngục tha hồ hành hạ trên thân thể Tuấn một cách dã man, nào tàu thủy (đổ nước xà bông), tàu bay (dí điện vào người), dùi cui, roi điện…làm cho Tuấn ngất xủi nhiều lần và bị mẻ xương sườn.
Những tháng ngày ở Trung tâm thẩm vấn, Ty cảnh sát Gia Long, bọn cai ngục không để cho Tuấn một ngày bình yên. Chúng ra sức hành hạ, tra tấn và khai thác. Cuối cùng bọn giặc không được tin tức gì của cơ sở cách mạng. sau đó chúng chuyển Tuấn vào nhà lao Kho Đạn. Đến ngày 17 tháng 7 năm đó, Tuấn bị đày ra Côn Đảo, đến tháng 2 năm 1969, chúng đưa Tuấn vào nhà lao Chí Hòa và cứ mỗi lần thay đổi nhà ngục là bấy lần trên thân thể của Tuấn chịu đòn roi tra khảo. Để có cơ sở luận tội và tiếp tục đày đọa Tuấn, bọn lang sói chuyển Tuấn về Đà Nẵng để mở phiên tòa xét xử. Trước khi xử án, bọn quan tòa tay sai – hỏi : Mày có cần luật sư bào chữa cho mày không?
Tuấn dõng dạc đáp: “Tôi đâu phải là kẻ bán nước ! Tôi là người yêu nước đánh đuổi Mỹ là có tội hay sao mà cần Luật sư ! Còn các ông kêu án tù thì các ông thay nhau mà ở! Nghe Tuấn trả lời hiên ngang khí khái, bọn quân cảnh và cảnh sát ngụy gầm lên: Thằng nhỏ ranh này cứng đầu, đem đi bắn … ! Thất bại trước sự gan dạ và lòng dũng cảm của Tuấn, một lần nữa bọn giặc đày Tuấn ra Côn Đảo.
Năm 1973, thực hiện âm mưu của giặc là phân tán tù chính trị nhằm lung lạc ý chí chiến đấu của tù nhân cách mạng, bọn chúng đưa Tuấn cùng 29 tù nhân khác về giam tại nhà lao KonTum. Tại đây Tuấn cùng anh em tù nỗi dậy đấu tranh quyết liệt về sự hà khắc của chế độ nhà tù Mỹ ngụy. Bọn đao phủ ra sức đàn áp cuộc đấu tranh đẫm máu của tù nhân, cuối cùng chỉ còn vỏn vẹn 4 tù nhân đấu tranh đến cùng, trong đó có Trần Quang Tuấn, người con của làng Quang Hiện. Phát hiện Tuấn là một trong những tù nhân khá nguy hiểm, chúng nhốt Tuấn vào phòng biệt giam. Dù ở nhà ngục đất liền, Côn Đảo hay phòng biệt giam chật chội, đầy ám khí, song vẫn không làm nhụt ý chí chiến đấu đối với Tuấn. Các bạn tù, kể lại: Hai năm ròng rã giam cầm ở phòng biệt giam, chờ sơ hở của bọn cai ngục, Tuấn tranh thủ thời gian dùng muỗng cần mẫn, kiên trì đào hầm bí mật làm “kho” dự trữ vật dụng phòng thân như: thuốc men, nghệ, bông gòn, đường … đây là chổ dựa, niềm tin qua mỗi lần kẻ thù hành hạ, khảo tra tù biệt giam.
Tinh thần chiến đấu kiên cường của Tuấn trong nhà ngục đã truyền đến các đồng chí Tỉnh ủy KonTum. Năm 1975, ngày giải phóng, các đồng chí Tỉnh ủy vào nhà tù gặp Tuấn. Vừa tới sân nhà lao thì gặp Tuấn, một đồng chí trong đoàn nói:
- Cháu vào gọi cho Tỉnh ủy gặp đồng chí Tuấn. Tuấn đáp: Tôi là Tuấn đây. Các đồng chí Tỉnh ủy ngạc nhiên, bán tin bán nghi, vì Tuấn còn quá nhỏ với thành tích chiến đấu trong tù. Các tù nhân xen lời: Tuấn là nó đấy. Các đồng chí Tỉnh ủy ân cần thăm hỏi và động viên Tuấn, phát huy tinh thần cách mạng phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân.
Hơn 7 năm ròng rã bị kẻ thù giam cầm, hành hạ dã man, rời nhà tù được hít thở không khí độc lập, tự do. Tuấn như con chim non được sổ lồng bay lượn giữa bầu trời xanh mênh mông. Trở về quê mẹ Quảng Nam thân yêu, được Đảng quan tâm, anh ra sức thi đua học tập để bù lại những tháng năm sống cảnh cá chậu chim lồng. Năm 1981, anh tốt nghiệp Đại học Bách khoa ngành Điện, năm 1990 anh nhận thêm bằng tốt nghiệp Đại học Kinh tế rồi tốt nghiệp bằng Đại học Ngoại thương. Con đường học vấn của anh không dừng ở đó, hiện nay với cương vị Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam nhưng anh vẫn dàn xếp công việc theo học Chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh.
Phải chăng, việc học tập là ước mơ khao khát của anh trong những năm bị tù đày, đồng thời nó chắp cánh cho người thiếu niên gan dạ Trần Quang Tuấn năm xưa bước vào cuộc chiến mới: Xây dựng quê hương đất nước !