Nhận thức tầm quan trọng của công tác giáo dục pháp luật trong CNVCLĐ là nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ. Trong chương trình hoạt động Công đoàn, LĐLĐ huyện Điện Bàn đã chú trọng công tác xây dựng kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ Công đoàn. Đặc biệt, Luật Công đoàn; đồng thời xây dựng kế hoạch tuyên truyền giáo dục trong CNVCLĐ, nhất là các doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài quốc doanh; phổ biến, tuyên truyền kịp thời các chế độ, chính sách, pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, nhất là các văn bản pháp luật mới ban hành. Hằng năm LĐLĐ huyện phối hợp với Hội đồng phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, Ban chỉ đạo xây dựng và phát triển công đoàn ngoài quốc doanh phối hợp cùng với Phòng LĐ-TB&XH huyện Điện Bàn tổ chức đợt tuyên truyền pháp luật Lao động, Luật BHXH, BHYT, luật Công đoàn cho 18 doanh nghiệp trong đó có 4 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thu hút hơn 2.270 lượt công nhân lao động và chủ sử dụng lao động tham gia.
Trong 5 năm qua, công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động được LĐLĐ huyện phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện tiến hành kiểm tra chấp hành pháp luật trong các doanh nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp ngoài nhà nước được 12 đợt và tổ chức được 37 đợt kiểm tra cơ sở về chấp hành pháp luật Lao động. Công tác tư vấn pháp luật cũng được tiến hành thường xuyên khi có nhu cầu tư vấn của đoàn viên, CNVCLĐ. LĐLĐ huyện đã tổ chức tư vấn pháp luật chủ yếu là pháp luật Lao động cho 215 lượt người về tiền lương, tiền thưởng, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, xử lý kỷ luật...Hằng năm trong chương trình tập huấn cán bộ Công đoàn, LĐLĐ huyện Điện Bàn lồng ghép nội dung về Luật Lao động và Luật Công đoàn vào chương trình tập huấn, giúp cán bộ Công đoàn, nhất là Công đoàn trong các doanh nghiệp làm tốt công tác tuyên truyền nắm bắt và nâng cao kiến thức pháp luật để thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công. Nhiều Công đoàn cơ sở đã đầu tư xây dựng tủ sách pháp luật, các văn bản pháp luật như Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Cán bộ công chức... để cán bộ, CNVCLĐ có điều kiện nghiên cứu nâng cao kiến thức pháp luật.
Ngoài ra, để thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng đối với người lao động, các cấp Công đoàn luôn sâu sát cơ sở, nắm bắt diễn biến tư tưởng của người lao động. Kịp thời kiến nghị, đề xuất, phối hợp với Chủ sử dụng lao động giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp mới phát sinh. Chủ yếu là các quyền, lợi ích mà Người lao động cho là bị xâm hại góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, hạn chế tranh chấp lao động gây ảnh hưởng đến sản xuất và đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn huyện.
Như vậy, có thể nói vai trò của tổ chức Công đoàn là không thể thiếu trong mọi hoạt động liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Nhất là trong tình hình hiện nay, khi mà nền kinh tế thị trường là chủ đạo thì việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong CNVCLĐ càng trở nên cấp bách và cần thiết. Vì thế, công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện cần phải sâu rộng hơn nữa với nhiều hình thức đa dạng. Trong đó, tập trung chủ yếu là đối tượng CNLĐ trực tiếp sản xuất, CNLĐ trong khu vực kinh tế ngoài nhà nước.