Dự án “Bảo tồn, ứng dụng và phát triển đa dạng sinh học châu Á” (Gọi tắt là chương trình Bucap) đến với vùng nông thôn Điện Bàn, Quảng Nam từ năm 2003. Đây là chương trình nhằm giúp cho nông dân lai tạo, phục tráng và sản xuất hạt giống chất lượng. Cơ sở ban đầu chỉ vỏn vẹn 3 cặp lai của giống lúa Việt Đài 20 (VĐ20) làm giống bố và Khang Dâng 18 (KD18) làm giống mẹ. Quá trình mò mẫn lai tạo đã làm cho nhiều nông dân nản chí, từ 30 hộ tham gia tập huấn chỉ còn hai người, anh Lê Quốc Cường và chị Phan Thị Tuyến, nhưng với tinh thần cần cù và sáng tạo, anh chị đã cho ra đời giống lúa CT2.
Anh Lê Quốc Cường tâm sự: Xuất phát từ thực tế do nguồn giống tại địa phương khan hiếm, một số giống cũ bị thoái hoá lại nhiễm sâu bệnh, sau khi được tiếp cận được phương thức lai tạo giống của Chi Cục Bảo vệ thực vật tỉnh và huyện qua thời gian bản thân đã tự mài mò ứng dụng và đã lai tạo thành công giống lúa này.
Qua nhiều năm đưa vào trồng khảo nghiệm tại một số cánh đồng ở xã Điện Thọ, Điện Bàn, giống lúa CT2 đã thể hiện nhiều ưu điểm vượt trội so với các giống lúa khác. Không chỉ cho năng suất cao, chất lượng gạo thơm ngon. CT2 còn có tính thích nghi đối với đặc thù khí hậu Miền Trung, phù hợp cho việc cơ cấu 2 vụ Đông - Xuân và Hè- Thu của vùng đất Quảng Nam.
Ông Võ Văn Cường, Nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học công nghệ tỉnh Quảng Nam nhận xét: Đây là một giống lúa có nhiều tiềm năng và cho năng suất bình quân từ 65-70 tạ/ha, chống chịu được sâu bệnh, thích nghi với nhiều chân đất trên đồng ruộng Quảng Nam và được Hội đồng Khoa học của ngành thẩm định đánh giá cao. Với những đặc tính ưu việt đó, giống lúa CT2 được Công ty Cổ phần Giống Nông Lâm Nghiệp Quảng Nam mua lại bản quyền với số tiền trị giá trên 200 triệu đồng và đổi tên thành giống lúa QNamI. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam đã cho phép đưa vào sản xuất trên các cánh đồng ở các huyện Đại Lộc, Thăng Bình, Duy Xuyên, Phú Ninh và Hội An đều đạt kết quả cao.
Ông Phan Xuân Phương nông dân xã Cẩm Kim thành phố Hội An, người trực tiếp sản xuất giống lúa này cho biết: Trước đây ông trồng nhiều loại giống nhưng năng suất không cao, nhưng đối với giống lúa này đã tỏ ra phù hợp với chân ruộng nơi đây, ít sâu bệnh, lúa phát triển tốt và năng suất đạt xấp xỉ 70 tạ/ha.
Trên các cánh đồng ở Điện Bàn, Quảng Nam hôm nay, nhiều giống lúa đang bị thoái hóa, nhiều giống lúa không còn thích nghi với những biến đổi của khí hậu, sinh thái. Việc lai tạo và phục tráng thành công giống lúa mới của anh Lê Quốc Cường và chị Phan Thị Tuyến thật vô cùng ý nghĩa. Càng khâm phục hơn bởi anh Cường và chị Phan Thị Tuyến đã thể hiện được bản lĩnh, trí tuệ của những người nông dân Điện Bàn, Quảng Nam. Họ chính là những nhà khoa học “chân đất” đáng được tôn vinh!