Nội dung chi tiết

GIỮ MÃI PHẨM CHẤT ANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ
Tác giả: UBND Điện Bàn .Ngày đăng: 12/03/2009 .Lượt xem: 4348 lượt. [In bài]

Trịnh Minh Thế

Đã ngoài 80, nhưng trông ông vẫn lanh lợi, chất lính trong ông vẫn còn. Đó là ông Tống Thú – một sĩ quan Quân đội đã nghỉ hưu, nguyên Chủ tịch Hội cựu chiến binh huyện Điện Bàn và nay là thành viên năng nổ trong mọi hoạt động ở khu dân cư.

Sinh năm 1921 trong một gia đình nông dân nghèo khổ. Cha ông mồ côi khi mới 4 tuổi, lớn lên phải đi ở để giữ trâu cho người hàng xóm tốt bụng. Chính gia đình người hàng xóm ấy sau này là bà ngoại của ông. Lên 8 – 9 tuổi, ông được đi học trường làng, 12 tuổi đậu yếu lược. Do gia cảnh khó khăn, nên một thời gian sau, ông nghỉ học ở nhà làm ruộng. Năm 16 tuổi, ông xin cha cho đi học nghề thợ dệt ở Phú Bông (Điện Phong bây giờ). Cũng từ đây, ông bắt đầu thấu hiểu cảnh khổ nhục của những người nông dân và công nhân trong phận làm thuê và hé mở cho ông con đường đến với cách mạng.

Năm 1941, ông tham gia phong trào cách mạng. Lúc bấy giờ, những người đồng chí hướng như ông đã tổ chức đình công đòi quyền lợi cho những người thợ dệt. Dù là nghề tiểu thủ công nghiệp và là cơ sở nhỏ nhưng công nhân đã dám đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm và sau đó đã trở thành một sự kiện chưa từng thấy ở vùng Gò Nổi. Bọn địch một mặt lo đối phó với phong trào, mặc khác huy động mật thám theo dõi. Tháng 7 năm 1942, ông bị bắt do tham gia vận động đình công. Cùng bị bắt với ông là Nguyễn Thời và Lê Phiên cùng hàng trăm người cùng tham gia. Khi làm thợ dệt, ông lấy tên là Mãi, càng làm cho bọn địch tức tối tra tấn ông để khai thác tìm xem Mãi có phải là bí danh hoạt động cách mạng của ông. Dù tra tán dã man, chết đi sống lại nhiều lần, bọn địch vẫn không khai thác được gì. Sau đó chúng huy động 4 tên mật thám Tây và Việt gian từ Đà Nẵng vào tham gia tra khảo, chúng treo các ông lên trần nhà, bốn tên đứng bốn phía thay nhau đánh qua đánh lại,, khi ngất đi chúng đem vứt xuống xà lim, tỉnh ra chúng đánh tiếp đến khi biến dạng cả thân hình. Dù vậy, ông đã động viên anh em giữ vững bí mật, bọn chúng đành chịu. Chế độ hà khắc của nhà tù và những đòn tra tấn dã man đã làm ông ốm nặng, tưởng chừng không qua khỏi. Cảm phục dũng khí của ông, đề lao Quảng Nam và Lê Tân đã cho người nhắn với mẹ ông đưa thuốc và chính người đề lao tốt bụng này đã trực tiếp nhận những chai thuốc này để tiếp tế, cứu sống ông. Đây là lý giải của câu chuyện khi nước nhà đã thống nhất, lúc đề lao Tân tuổi già và qua đời, nhiều người dân và gia quyến Lê Tân rất ngạc nhiên khi  thấy một vị sĩ quan cách mạng hết sức xa lạ mang quân hàm Trung tá đến dự đám tang và đưa tiễn cụ về nơi an nghỉ cuối cùng. Ông cho đây là kỷ niệm đẹp trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình trong nhà tù.

Hết thời gian hạn tù 6 tháng, quay về quê tiếp tục hoạt động cùng các ông Trịnh Quang Xuân, Nguyễn Chân, ông tham gia Thanh niên Phan Anh để lôi kéo họ, hổ trợ cho tổ chức Thanh niên cứu quốc lúc này vừa mới ra đời. Tiếp đó các ông tập hợp lực lựơng thành lập Mặt trận Việt Minh vào tháng 3/1945 và chuẩn bị tổng khởi nghĩa.

Rạng sáng ngày 18/8/1945, ông Trịnh Quang Xuân lãnh đạo lực lượng vũ trang cùng nhân dân phối hợp với cánh bắc do Phan Tốn và cánh nam do Võ Chí Công chỉ huy tiến hành cướp chính quyền. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, ông tham gia thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng Lâm thời và là cán bộ nông dân. Lúc này nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cách mạng Lâm thời là lãnh đạo các đoàn thể, tổ chức xây dựng lực lượng dân quân, tiến hành học tập huấn luyện, tuần tra, canh gác bảo vệ chính quyền cách mạng, đề phòng, ngăn chặn các hoạt động chống đối.

Ngày 23/9/1945, quân Pháp nổ súng tấn công lực lượng cách mạng của ta ở Sài Gòn-Gia Định, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Ta vừa củng cố chính quyền cách mạng vừa ra sức xây dựng lực lượng dân quân tự vệ. Đầu năm 1947, ông tham gia đưa nhân dân tản cư vào phía nam sông Thu Bồn. Mặc dù quân Pháp dùng phi pháo bắn phá các bến sông nhưng họ vẫn dũng cảm sang sông và sắp xếp nơi ăn, chốn ở sẵn sàng chống địch. Lúc này bao đau thương dồn dập đổ vào gia đình ông: chị ruột bị bệnh qua đời, đến mẹ rồi người con trai đầu lòng của ông cũng ra đi vĩnh viễn. Nén chịu đau thương, vừa lo việc nhà nhưng ông vẫn trọn việc nước.

Tiếp tục hoạt động đến tháng 11/1948, xã Điện An được sát nhập từ các xã Minh Sơn, Châu Phong, Phong Ngọc, ông là chi ủy viên chi bộ xã, phụ trách vùng La Thọ, ông cùng đồng đội, đồng bào xây dựng nơi đây thành căn cứ chống Pháp. Đến tháng 7/1949, ông giữ chức phó bí thư Chi bộ,  tiếp tục lãnh đạo, phát triển lực lượng. Cuối năm 1949, xã Điện An đã có trên 100 Đảng viên nên Huyện ủy Điện Bàn quyết định thành lập Đảng bộ và tổ chức Đại hội, ông được bầu làm bí thư chi bộ xã. Đây là thời kỳ đấu tranh cực kỳ gian khổ, thiếu thốn mọi bề. Chính quyền cách mạng còn non trẻ vẫn đứng trụ vững lãnh đạo nhân dân chống kẻ thù xâm lược.

Tháng 3/1953, ông được điều lên làm cán bộ tổ chức Huyện ủy, sau đó đi chiến trường Campuchia làm công tác dân vận. Ông cùng đồng đội băng rừng vượt suối lên Kon Tum để qua nước bạn. Hoàn thành nghĩa vụ quốc tế trở về trong lúc Hiệp định Giơ-ne-vơ đã được ký kết, ông tiếp tục theo đoàn quân tập kết ra Bắc.

Những tháng ngày sống trên đất Bắc, lòng ông vẫn hướng về trời Nam xa xôi, nơi cha già, vợ yếu và bốn đứa con thơ. Lúc lên đường, do nhiệm vụ cấp bách, ông không kịp gặp cha, chia tay vợ con. Những tưởng hai năm sau hiệp thương thống nhất đất nước, vậy mà đến 21 năm sau, gia đình ông mới được đoàn tụ. Không ai nghĩ rằng cuộc chia tay tạm thời của nhiều gia đình đã kéo dài đến thế.

Tại miền Bắc, ông công tác ở Bộ tư lệnh Công binh và đi qua nhiều tỉnh miền Bắc, qua Thượng Lào, rồi mở đường dân sự trong nước, qua các chức vụ cán bộ tổ chức Đảng hay phụ trách công tác chính trị của cơ quan Bộ tư lệnh. Ở đâu, giữ cương vị nào, ông cũng phấn đấu thực hiện tốt trọng trách được giao, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ chờ ngày thống nhất đất nước.

Năm tháng trôi qua, với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Với trọng trách của một cán bộ Tư lệnh, ông không thể có mặt ở quê hương trong ngày toàn thắng, nhưng ngày đêm ông vẫn hướng về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Đồng đội vào miền Nam biết được gia cảnh của ông nên đã đề xuất với Bộ tư lệnh tạo điều kiện cho ông về thăm quê và ổn định gia đình. Hai mươi mốt năm xa cách, quê hương đắm chìm trong cảnh hoang tàn, đổ nát, chưa kịp xây dựng lại ông vẫn nhận ra con đường về nhà, nơi túp lều tranh có người cha già, còn vợ con bị ly tán. Bao nhớ thương chồng chát được đền bù trong nửa tháng phép, ông đã giải quyết ổn thỏa việc nhà, chia tay gia đình và người cha già kính yêu. Ông không biết rằng, đây cũng là lần chia tay cuối cùng vì sau đó vài tháng, cha ông đã vĩnh viễn ra đi sau một cơn bạo bệnh.

Đến năm 1979, ông về hưu với quân hàm Trung tá. Không còn công tác trong quân đội nhưng ông vẫn chưa được nghỉ ngơi. Sau nhiều năm đi xa, đây là lúc ông đứng ra cùng gánh vác trách nhiệm với quê hương. Ông đảm nhận chức Phó chủ tịch Mặt trận xã, đến năm 1989, ông giữ chức Chủ tịch Hội cựu chiến binh huyện cho tới năm 1997. Gọi là nghỉ hưu nhưng ngày đêm ông lặn lội với phong trào ở khu dân cư. Không cuộc họp nào ông vắng mặt. Các phong trào văn nghệ, thể thao không thiếu bóng ông. Ông nắm tình hình địa phương, góp ý xây dựng quê hương, làng xóm. Ông trở thành cố vấn, thành chổ dựa cho cán bộ trẻ ở địa phương.

Cả cuộc đời ông Tống Thú gắn liền với những thăng trầm của quê hương. Vừa lớn lên, chàng trai trẻ họ Tống đã tham gia cách mạng và trở thành một trong những người lãnh đạo phong trào cách mạng. Trong đời thường, ông là một người cha, người ông mẫu mực. Với đức tính thẳng thắn, trung thực và tinh thần trách nhiệm cao, ông đã có nhiều đóng góp xứng đáng cho phong trào xã nhà. Mọi lúc, mọi nơi ông đều thể hiện mình, xứng danh với phẩm chất anh Bộ đội Cụ Hồ.

 

[Trở về]
Các tin mới hơn:
NHÀ LAO VĨNH ĐIỆN
NHÀ YÊU NƯỚC LÊ ĐÌNH DƯƠNG
NHÀ YÊU NƯỚC PHAN THÀNH TÀI
BÀI THƠ CA NGỢI ĐỒNG CHÍ ĐINH TÙNG
BÀI THƠ THƯ NHÀ
MỘT HỘI PHÓ NHIỀU NGƯỜI CHƯA BIẾT
CÁI CHẾT NGHIỆT NGÃ CỦA PHẠM XANG
BA MẸ CON CÙNG MỘT CHI BỘ
GƯƠNG BẤT KHUẤT CHỐNG TỐ CỘNG
RA ĐI … QUYẾT TỬ !
    
1   2   3  
    
Các tin cũ hơn:
CHUYỆN NGƯỜI THIẾU NIÊN Ở LÀNG QUAN HIỆN
CHỊ MƯỜI NHẠN
LÊ TẬP VÀ CUỘC CHIẾN ĐẤU BẤT KHUẤT
NGƯỜI CÁN BỘ CÁCH MẠNG GAN DẠ
PHAN LAM – NGƯỜI CON GIÁNG LA BẤT KHUẤT
LÊ GIAI – NGƯỜI CON ƯU TÚ CỦA ĐIỆN MINH
VỀ MỘT GIA ĐÌNH BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG
TRẦN VĂN PHÙNG – NGƯỜI CHIẾN SĨ BẤT KHUẤT
NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ QUẢ CẢM !
NHỚ MÃI TẤM GƯƠNG PHAN ĐỜN
    
1   2   3  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm