Bệnh Dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút Dại gây ra, bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo). Hiện nay, bệnh Dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị bệnh Dại gần như tử vong 100%.
Ngoài bệnh Dại, chó và mèo còn truyền nhiễm nhiều căn bệnh khác rất nguy hiểm, khó chữa. Những gia đình có trẻ em nên hạn chế nuôi chó, mèo vì trẻ em thường không cảnh giác và thiếu nhận thức về sự nguy hiểm của bệnh động vật. Tuyệt đối không cho trẻ ôm, hôn chó mèo; chọc phá, trêu ghẹo chó, mèo lạ, nhất là chó, mèo chạy rông ngoài đường.
Cán bộ Trung tâm KTNN thị xã Điện Bàn tiến hành lấy mẫu chó nghi mắc bệnh Dại
Xử lý vi phạm về phòng chống bệnh Dại:
Để đảm bảo tính mạng của nhân dân, yêu cầu người nuôi chó, mèo chấp hành nghiêm chỉnh việc tiêm phòng vắc xin Dại và quản lý chó, mèo nuôi. Các hành vi vi phạm phải chịu trách nhiệm theo quy định tại điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 và Nghị định 04/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2020 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y, cụ thể phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng;
- Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.
Theo quy định của Luật Thú y số 79/2015/QH13: chủ vật nuôi, chủ cơ sở chăn nuôi phải trả chi phí khắc phục hậu quả vi phạm; bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống dịch bệnh động vật của mình gây ra.
Theo Khoản 1, Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015, trường hợp chủ vật nuôi không tuân thủ quy định dẫn đến chó cắn chết người thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, chịu trách nhiệm bồi thường dân sự thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "vô ý làm chết người" với mức hình phạt có thể đến 05 năm tù.
Vì sự an toàn và sức khỏe của cá nhân, của người thân trong gia đình và của cả cộng đồng, tất cả người dân cần nâng cao ý thức phòng chống bệnh Dại. Hãy tích cực hưởng ứng việc tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho chó, mèo nuôi năm 2024 và các năm tiếp theo để đảm bảo cho gia đình và cộng đồng được sống trong một môi trường an toàn dịch bệnh. Khi bị chó, mèo cắn mọi người không chủ quan, cần chủ động thực hiện sơ cứu và nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và tiêm vắc xin phòng, chống bệnh Dại. Vắc xin phòng chống bệnh Dại không độc hại nên phải tiêm vắc xin sớm nhất có thể để tự cứu mình và cứu người.