Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo Sở Y tế, Chi cục Chăn nuôi & thú y tỉnh Quảng Nam; lãnh đạo Phòng Kinh tế, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp, Trung tâm Y tế thị xã và lãnh đạo UBND, Trạm y tế cùng nhân viên thú y của 20 xã, phường trên địa bàn thị xã.
Đến thời điểm hiện nay, thị xã Điện Bàn còn 4 ổ dịch Dại/04 phường (Điện Nam Đông: 01 ổ dịch, Điện Thắng Nam: 01 ổ dịch, Điện Ngọc: 01 ổ dịch, Vĩnh Điện: 01 ổ dịch), 01 ổ dịch tại phường Điện Nam Bắc đã được công bố hết dịch vào ngày 19/9/2024. Theo báo cáo của ngành y tế, số người tiêm vắc xin và huyết thanh kháng Dại trong năm 2024 tăng cao: từ đầu năm đến nay toàn thị xã Điện Bàn có gần 1.000 trường hợp tiêm vắc xin Dại (trong đó có đến 590 người tiêm huyết thanh). Dịch bệnh Dại trên địa bàn thị xã Điện Bàn đang diễn biến rất phức tạp và trong tình trạng đáng báo động. Nguyên nhân chủ yếu là do:
- Tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho chó, mèo trên địa bàn thị xã còn thấp, chỉ đạt 51,64%.
- Vi rút Dại lưu hành rất cao trên đàn chó nuôi, hầu hết chó lên cơn cắn người sau đó bị chết được lấy mẫu chẩn đoán xét nghiệm đều dương tính với vi rút Dại và ở rải rác khắp các địa phương;
- Công tác rà soát, thống kê tổng đàn chó, mèo tại các địa phương chưa đầy đủ.
- Không thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch bệnh động vật của Luật thú y và các chế tài xử lý vi phạm về quản lý chó nuôi theo pháp luật.
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT và Chi cục Chăn nuôi & thú y tỉnh Quảng Nam trao đổi nhiều giải pháp và đề nghị chuyển trạng thái phòng, chống bệnh Dại hiện nay thành một chiến dịch đồng loạt tại tất cả các địa phương để hướng đến khống chế dịch bệnh Dại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nói chung và thị xã Điện Bàn nói riêng. Bà Nguyễn Thị Minh Châu yêu cầu lãnh đạo UBND 20 xã, phường khẩn trương chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc xin Dại trên đàn chó, mèo nuôi, hoàn thành công tác tiêm phòng đạt tỷ lệ 100% trong vòng 3 – 10 ngày tới (3 ngày đối với các phường có dịch, 5 ngày đối với vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm, 10 ngày đối với các địa phương khác). Tiêm phòng vắc xin Dại cho chó, mèo nuôi là giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay để khống chế dịch bệnh Dại trên địa bàn thị xã.