Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (năm 1988) như một luồng sinh khí mới đã làm thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam, đặc biệt là Luật HTX (1997) là hành lang pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi, xây dựng và phát triển HTX theo Luật, đồng thời đã tạo ra sự đổi mới rất cơ bản trong phong trào HTX nông nghiệp của cả nước thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, kinh tế HTX được tăng cường, cơ sở hạ tầng nông thôn phát triển đáp ứng tốt cho cầu sản xuất và đời sống của nhân dân.
Thực tiễn của huyện ta sau những năm đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác không những chỉ có ý nghĩa kinh tế, khơi dậy tiềm năng to lớn trong nhân dân, phát triển lực lượng sản xuất, giải quyết nhiều lao động có việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân, nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo sự bình đẳng với các thành phần kinh tế khác mà còn có ý nghĩa chính trị - xã hội quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển nông thôn.
Huyện Điện bàn, đến cuối năm 2005 có 35 HTX nông nghiệp đang hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp, trong đó: HTX kinh doanh tổng hợp: 16 HTX, HTX dịch vụ nông nghiệp: 19 HTX, được phân loại như sau: số HTX khá giỏi: 17 HTX, số HTX trung bình: 13 HTX và 05 HTX yếu kém.
Trong điều kiện cạnh tranh gay gắt cơ chế thị trường, nhiều HTX đã nỗ lực vươn ra, ngoài việc tập trung làm tốt các dịch vụ nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu của hộ xã viên như: thủy lợi, làm đất, cung ứng vật tư nông nghiệp, tín dụng nội bộ, điện, các chương trình khuyến nông, phòng trừ dịch bệnh, tiêm phòng gia súc. Các HTX đã biết vận dụng cơ chế chính sách khuyến khích phát triển kinh tế của Trung ương, của Tỉnh, thực hiện liên doanh - liên kết giữa các HTX với các doanh nghiệp, viện nghiên cứu và giữa các HTX với nhau để huy động vốn đầu tư xây dựng mua sắm công nghệ mới, mở rộng quy mô sản xuất các ngành hàng có thị trường ổn định và thu hút nhiều lao động. Phát triển thêm ngành nghề sản xuất, dịch vụ mới. Tổ chức sơ chế nông sản, thu mua tiêu thụ sản phẩm, sản xuất giống ngô lai, lúa lai để cung ứng thị trường trong và ngoài tỉnh…làm tiền đề để đẩy mạnh các hoạt động của HTX ở các HTX Điện Minh 1, Điện Minh 2, Điện Thọ 1, Điện Hồng 2, Điện An 1, Điện An 2, Điện Ngọc 1, Điện Phước 1, Điện Phước 2 ...
Các HTX đã không ngừng cải tiến công tác quản lý, áp dụng chế độ giao khoán trách nhiệm của từng bộ phận, tổ dịch vụ, khoán chi phí, gắn thù lao lao động với kết quả hoạt động của từng dịch vụ, ngành hàng.... điển hình là các HTX Điện Ngọc 1, Điện Thọ 1.
Tuy nhiên, một số HTX qua nhiều năm vẫn chưa có sự chuyển biến đáng kể về nội dung và phương thức hoạt động, chất lượng chuyển đổi ở một số HTX còn thấp, mới thay đổi tên gọi, ít thay đổi về nội dung, phương thức hoạt động và các biện pháp, giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ, thể hiện rõ các HTX trung bình và yếu kém. Quy mô hoạt động một số khâu dịch vụ thiếu ổn định, hiệu quả thấp, chủ yếu là dịch vụ điện, thủy lợi, còn các dịch vụ thiết yếu khác như làm đất, BVTV, thú y, vật tư nông nghiệp… chưa được các HTX chú ý mở rộng. Chưa quan tâm đến chế biến nông sản, tiêu thụ sản phẩm, ngành nghề nông thôn, để hỗ trợ cho kinh tế hộ phát triển. Năng lực tài chính của HTX còn hạn chế, cơ sở vật chất kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất, chủ yếu là văn phòng làm việc, nhà kho, hệ thống điện hạ thế, trạm bơm, kênh mương thuỷ lợi được xây dựng từ những năm 80 nay đã xuống cấp trầm trọng.
Trước thực tiễn đó, trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX, Huyện uỷ đã xây dựng chương trình hành động và Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 20, Ban chấp hành đảng bộ huyện đã xác định quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và có những giải pháp về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; UBND huyện xây dựng Đề án “Tiếp tục củng cố tổ chức và đổi mới nội dung hoạt động của các HTX NN giai đoạn 2006 - 2010”.
Sau gần 5 năm thực hiện đề án (2006-2010) về cơ bản đã đạt được một số kết quả sau:
*Về mặt quản lý: Cơ chế tổ chức, quản lý và nội dung hoạt động của HTX được củng cố, thực hiện theo luật HTX, thích ứng với cơ chế thị trường, hầu hết các HTX đã kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, bố trí người có trách nhiệm cao vào các vị trí trí chủ chốt ở các khâu công việc, trình độ chuyên môn cán bộ HTX đã được nâng lên: so với đầu năm 2006, số chủ nhiệm có trình độ đại học và Cao đẳng tăng từ 11,7% lên 17,6% , kế toán có trình độ đại học tăng từ 2,9% lên 12,5%, về tiền lương từng bước được cải thiện, mức lương bình quân của chủ nhiệm tăng từ 642.000đ/tháng (năm 2006) lên 1.286.000đ/tháng(năm 2009).Quản lý và sử dụng tốt TSCĐ tham gia trực tiếp vào quá trình SXKD, nguồn vốn HTX qua các năm đều tăng trưởng: từ 49.912.899.000 đồng (năm 2006) lên 61.549.000.000 đồng(năm 2009) trong đó nguồn vốn chủ sở hữu tăng 26,25% tương ứng 11.315.000.000 đồng.
Các HTX đã có sự chuyển biến cơ bản về quan hệ sở hữu, phương thức quản lý và phương thức phân phối, hạch toán tài chính chặt chẽ theo các quy định hiện hành của Nhà nước, các HTX đã chú trọng sử dụng phương thức khoán và hợp đồng dịch vụ trong các khâu để phát huy vai trò làm chủ của xã viên, tiếp tục xử lý những tồn đọng về nguồn vốn, tài sản, và cổ phần xã viên, nhiều HTX đã tăng cường về nguồn lực con người, cơ sở vật chất kỷ thuật và trình độ công nghệ, theo đánh giá phân loại hiện nay trên địa bàn huyện có 20 HTX khá, giỏi, tăng 03 HTX so với năm 2006 và 9 HTX trung bình.
*Về mặt kinh tế: Các HTX đã phát huy được vai trò trợ giúp kinh tế hộ phát triển, hướng dẫn bố trí cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỷ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, nhiều HTX chủ công tổ chức các hoạt động liên kết sản xuất kinh doanh với nhiều loại hình doanh nghiệp khác thúc đẩy sản xuất Nông nghiệp hàng hóa, tăng thu nhập cho xã viên và người lao động, góp phần tăng hiệu quả kinh tế hộ gia đình nông dân.
Một số HTX mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ, phát triển kinh tế hộ, các HTX đã tổ chức tốt hơn các dịch vụ nông nghiệp có tính cộng đồng như thuỷ lợi, dịch vụ giống, tiêu thụ sản phẩm...tăng thu nhập kinh tế tập thể, bảo tồn được nguồn vốn như HTX Điện Hồng 3, Điện Trung 2....
*Về mặt xã hội: Một số HTX đã và đang thực hiện tốt chế độ BHXH, BHYT, BH tai nạn cho người lao động làm việc thường xuyên trong HTX, lãi cổ phần hằng năm được phân phối cho tất cả xã viên, quan tâm đến người già yếu nêu đơn và có chế độ hỗ trợ cho hộ XV có người chết đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương tham gia đầu tư công trình hạ tầng nông thôn và các công trình phúc lợi khác, hỗ trợ nông dân giúp nhau trong sản xuất, đời sống cộng đồng trong HTX được giữ vững và phát huy.
Có thể nói rằng các HTX hoạt động thời gian qua đã góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, HTX thực sự là chỗ dựa cho kinh tế hộ trong các khâu dịch vụ đầu vào và đầu ra của sản xuất, dịch vụ tốt các khâu mà từng hộ xã viên không thể làm được, mở rộng ngành nghề mới, khôi phục nghề truyền thống, tạo việc làm tăng thu nhập cho xã viên. Các HTX đã cùng chính quyền địa phương thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, triển khai các chương trình sự nghiệp của ngành nông nghiệp, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn, tạo bộ mặt nông thôn mới ở các làng quê.
Trong những năm tới, huyện ta nông nghiệp vẫn giữ một vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp đa dạng, áp dụng nhanh các thành tựu khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế huyện theo hướng CNH-HĐH.
Để giải quyết tốt vấn đề này cần tập trung một số nội dung sau:
- Tăng cường chỉ đạo, xử lý những tồn đọng, những phát sinh sau chuyển đổi, định hướng phát triển mới đối với các loại hình HTX.
- Tiếp tục hỗ trợ các HTX mở rộng, nâng cao hiệu quả các hoạt động dịch vụ, kinh doanh, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của xã viên, khuyến khích các HTX phát triển thành các HTX nông nghiệp dịch vụ sản xuất kinh doanh tổng hợp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và ngành nghề nông thôn
- Quan tâm hỗ trợ những HTX trong chuyển đổi bước đầu đã có hiệu quả nhất là công tác cán bộ, vốn thông qua các chương trình để HTX tiếp tục phát triển. Số HTX còn lại yếu kém có nguy cơ phá sản cần phải nhanh chóng chuyển đổi hình thức quản lý.
- Những nơi HTX đã giải thể cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích thành lập lại HTX, tổ hợp tác phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất, trước mắt là hướng vào dịch vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống theo nhu cầu của nông dân, không phân biệt quy mô, lĩnh vực hoạt động...
*
* *
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển thành phần kinh tế tập thể, huyện Điện Bàn đã xây dựng và triển khai Đề án “Tiếp tục củng cố tổ chức và đổi mới nội dung hoạt động HTX NN giai đoạn 2006 - 2010” đã như thổi một luồng gió mới cho sự khởi sắc của thành phần kinh tế này, HTX NN đã và đang khẳng định vị trí, vai trò của mình trong quá trình xây dựng và phát triển nông nghiệp – nông thôn huyện nhà. Đặc biệt, từ khi có Nghị quyết 113/2008/NQ-HĐND ngày 30/7/2008 của HĐND tỉnh về đổi mới phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã đến năm 2015, Quyết định số 14/2009/QĐ-UBND ngày 03/6/2009 của UBND tỉnh về ban hành một số chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển kinh tế HTX trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã tạo thêm động lực và điều kiện thuận lợi cho HTX nông nghiệp tiếp tục củng cố, đổi mới để có những bước phát triển vững chắc, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, giải quyết việc làm cho người lao động, hỗ trợ đắc lực cho kinh tế hộ phát triển, tham gia tích cực cùng với chính quyền cơ sở trong việc đầu tư phát triển hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội.
Phát triển kinh tế hợp tác, HTX Nông nghiệp là sự nghiệp lâu dài của cả hệ thống chính trị, “góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư ở nông thôn” theo tinh thần Nghị quyết hội nghị lần thứ 7-BCH TƯ khoá X về nông nghiệp - nông thôn - nông dân.