Liệt sĩ Nguyễn Đức Đáng (Tám) được may mắn sinh ra trong một gia đình như thế. Cha ông – Nguyễn Bổ là người trực tiếp tham gia hoạt động cách mạng cả trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Mẹ ông, bà Nguyễn Thị Khê – cán bộ binh vận tỉnh, liệt sĩ và là Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Theo con đường lý tưởng của mẹ, Nguyễn Đức Đáng và cả 6 anh chị em của ông đều trực tiếp cầm súng tham gia đánh giặc. Họ đã đổ máu và hy sinh tính mạng cho độc lập tự do của Tổ quốc. Sau ngày quê hương sạch bóng quân thù, 7 con ngời ấy, đã có 4 thương binh, còn 3 người thì vĩnh viễn nằm xuống nơi đất Mẹ. Đáng chú ý là trong số họ, 2 người đã từng bị đọa đày ở nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian” – nhà tù Côn Đảo. Dù bị hành hạ, tra tấn ngoài sức tưởng tượng của con người, nhưng anh em họ vẫn một lòng thủy chung với dân, với nước. Người may mắn còn sống trở về với quê hương sau ngày hòa bình là ông Nguyễn Đức Bích, thương binh ¼ đang sống ở xã Điện Nam – một trong những cựu chiến binh, thương binh nặng, biết làm kinh tế và làm kinh tế giỏi mà tôi dã từng tiếp xúc. Còn Nguuyễn Đức Đáng (em ông Bích) thì nằm lại nơi Nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương (Côn Đảo), cho đến tháng 3/2004, gia đình mới đưa được hài cốt về lại quê nhà.
Kể về người em ruột của mình, ông Bích nhiều lần nhắc đi, nhắc lại: “tiếc quá, chú nó vóc người cao to, khỏe mạnh và phông độ lắm. Mỗi lần chú ấy đi cùng với anh em mình về làng, bà con cứ ngỡ như ông Tây ! “. Qua hồi ức của ông Bích trong sự xúc động, nuối tiếc, chúng tôi cũng hình dung được phần nào về chân dung của một chiến sĩ cách mạng kiên trung, bất khuất, đã anh dũng hy sinh cho quê hương đất nước. Ông (Nguyễn Đức Đáng) sinh năm 1949, tham gia cách mạng từ năm 1965, khi mới 16 tuổi. Một ngày vào tháng 6/1968, ở cương vị Đại đội phó Đại đội trinh sát của Tiểu đoàn thông tin Quảng Đà, ông cùng với một chiến sĩ bảo vệ trực tiếp khảo sát tình hình tại Mặt trận Hòa Hải (Hòa Vang - Đà Nẵng) thì bị Mỹ phát hiện. Chúng bắn ông trọng thương rồi bắt sống, dẫn bộ về Cồn Khe (Điện Ngọc-Điện Bàn), nơi đóng quân của một trung đoàn Mỹ lúc bấy giờ. Sau những trận đòn tra tấn dã man, nhưng vẫn không khai thác được gì ở người chiến sĩ cách mạng kiên trung ấy, chúng đưa ông về giam cầm ở trại tù binh Non Nước (Đà Nẵng). Lại những trận đòn, những kiểu hành hạ thân xác con người tàn bạo; nhưng Nguyễn Đức Đáng vẫn không chịu hé răng tiết lộ bất cứ điều gì bất lợi cho đồng đội, cho cách mạng. Giam cầm, tra tấn chán chê, song không moi thêm được thông tin nào, thế là vào khoảng cuối năm 1968, đầu năm 1969 (ông Bích không có thông tin chính xác do tình hình lúc bấy giờ), địch đưa Nguyễn Đức Đáng ra đày ở nhà tù Côn Đảo.
Gần 3 năm bị đày đọa cả thể xác lẫn tinh thần ở một nơi không thuộc thế giới của con người – nhà tù Côn Đảo, so với nhiều chiến sĩ cách mạng, đồng đội khác của ông Đáng là không nhiều, nhưng chắc chắn rằng, chừng đó cũng quá đủ để khẳng định nhân cách và dũng khí của một người Cộng sản chân chính. Nhất là ở thời điểm dó, sau khi ta tổ chức cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, địch tiến hành những đợt vây ráp, khủng bố, truy bắt và đưa ra Côn Đảo hàng nghìn người. Và tại đây, chúng đã tiến hành những đợt tra tấn cực kỳ tàn bạo để thanh lọc, phân loại tù nhân. Ông Hứa Văn Lương, một chiến sĩ cách mạng cũng bị bắt và đày ra Côn Đảo vào đúng ngày 29 tết Mậu Thân (hiện là bí thư chi bộ Đảng thôn 3, Điện Nam), nhớ lại: “Sau Mậu Thân, bọn địch ở nhà tù Côn Đảo tổ chức những đợt thanh lọc tù nhân tàn bạo lắm. Chúng nhốt mỗi phòng khoảng 100 người. Rồi mỗi đêm, chúng đưa cả trăm tên lính vào, mỗi tên lôi một người ra đánh đập bằng đủ mọi phương tiện. Liên tục cả tháng trời như thế. Trước những trận đòn roi tàn bạo, chúng tỏ ra kính phục thật sự đối với những người Cộng sản kiên trung và bắt đầu đối xử mềm mỏng…”. Nói về người đồng chí, đồng hương của mình Nguyễn Đức Đáng, ông Lương cho biết, cùng bị giam cầm ở Côn Đảo, nhưng đến đầu năm 1970, sau khi địch tiến hành xong các đợt thanh lọc tù binh, ông mới được gặp Nguyễn Đức Đáng ở khu nhà lao D4 một thời gian ngắn. Tuy nhiên, qua anh em tù, ông Bích biết rất rõ rằng, từ khi bị đưa ra Côn Đảo, Nguyễn Đức Đáng vẫn chỉ nhận mình là chiến sĩ cách mạng, địch không hề biết ông là sĩ quan, là đại đội phó đại đội thông tin. Trong nhà tù, Đáng được tổ chức của ta chỉ định làm trại trưởng, phụ trách anh em tù Quảng Nam. Sau một thời gian, do có người khai báo, địch phát hiện Nguyễn Đức Đáng chính là sĩ quan cách mạng. Chúng đưa ông ra nhốt chuồng cọp, sau đó, chuyển về khu 7 – khu giành riêng để giam cầm các sĩ quan tại nhà tù. Tháng 11/1971, Nguyễn Đức Đáng và 3 đồng đội khác tổ chức vượt ngục. Lúc này, Nam Bộ đang ở vào thời điểm cuối mùa mưa, đầu mùa khô. Khi những người vượt ngục bắt đầu trèo qua hàng rào thứ 7 (rất nhiều lớp rào), thì bị địch phát hiện bắn xối xả. Nguyễn Đức Đáng hy sinh. Về cái chết của em mình, ông Nguyễn Đức Bích có tìm hiểu và được biết thêm. Số là, khi bị bắn trọng thương, địch có ý định cứu chữa để khai thác, nhưng Nguyễn Đức Đáng chống cự quyết liệt. Vậy nên, chúng điên cuồng xả vào người ông cả một băng đạn AR 15. Nguyễn Đức Đáng hy sinh. Sau đó, chúng còn múc hai con mắt của ông rồi mới gọi trại trưởng tù binh ra nhận xác.
Vậy là chiến sĩ cách mạng Nguyễn Đức Đáng đã vĩnh viễn nằm xuống khi chưa đầy 23 tuổi, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đang bước vào giai đoạn cuối, rất cần những thanh niên nhiệt huyết và trung kiên với dân, với nước như ông. Một cuộc đời tuy ngắn ngủi, nhưng tấm gương tràn đầy lòng yêu quê hương đất nước và dũng khí cách mạng của Nguyễn Đức Đáng chắc chắn sẽ sống mãi với các thế hệ trong gia đình, dòng tộc, trong những người đã và sẽ biết đến ông, cả trong quá khứ, hiện tại lẫn mai sau…