Tiếp chúng tôi trong một ngôi nhà ấm cúng mới được xây dựng khang trang từ vài năm trước, bà Mùi tâm sự; Hồi trước gia đình nghèo, tài sản quý giá nhất lúc đó là con trâu, con bò và làm nông nghiệp nhưng vẫn không đủ ăn, cái nghèo, cái đói cứ đeo bám. Hai vợ chồng bà nhận thấy khu vực mình sinh sống có có địa hình rộng nhiều đồi cát, cỏ mọc xanh tươi, phù hợp với chăn nuôi dê, từ đó, bà Mùi đã quyết tâm làm giàu và đầu tư vào chăn nuôi dê.
Khởi nghiệp lúc nào mới bắt đầu cũng khó khăn khi kinh tế gia đình hoàn toàn phụ thuộc vào nghề nông của hai vợ chồng nhưng ruộng đất ít, con cái đông, hai vợ chồng thường hay đau ốm, hoàn cảnh kinh tế đã khó lại càng khó hơn. Thông cảm và sẻ chia với hoàn cảnh gia đình bà Mùi, cách đây khoảng chừng 10 năm, một người bà con trong họ cho mượn tiền không tính lãi để mua dê giống và nhờ người về hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi dê.
Vốn liếng ít lúc đầu chỉ đủ mua 6 con dê giống, sau 5 năm chăn thả, đàn dê sinh sản nhiều, không dịch bệnh, có thời điểm đàn dê lên hơn 100 con. Mỗi năm bán ra thị trường 20 con, thu nhập bình quân 70 triệu đồng/năm. Giá theo thời điểm hiện nay 130 nghìn đồng/kg đối với dê đực và 120 nghìn đồng/kg đối với dê cái,còn dê giống với giá 150 nghìn đồng/kg...
Thời gian qua, không ít người dân trên địa bàn đã đến thăm quan, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi dê và mua con giống tại trang trại của gia đình bà Mùi. Theo đó, gia đình bà sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi dê miễn phí cho những người dân có nhu cầu.
Để nuôi dê thành công, theo bà Mùi người chăn nuôi cần phải có tâm huyết. Đồng thời, cần quan sát tốt để điều trị bệnh kịp thời cho dê nhằm hạn chế rủi ro trong chăn nuôi. Mặt khác, người chăn nuôi cần tận dụng các khoảng đất trống để trồng cỏ, tận dụng các loại lá cây trên các rẫy nương của người dân trên địa bàn để đảm bảo nguồn thức ăn cho dê.
“Khi mới bắt tay vào nuôi dê, do chưa có kinh nghiệm và con dê chưa quen với môi trường nên dê thường bị ốm và chậm lớn. Nhưng mình đã tích cực học hỏi, tích lũy kinh nghiệm từ bạn bè và những người chăn nuôi trước. Nhờ có kiến thức và kinh nghiệm nên chỉ với 3 cặp dê giống ban đầu, sau 2 năm đã sinh sản được nhiều thế hệ tiếp theo. Việc nuôi dê rất phù hợp với những hộ gia đình thiếu vốn. Chỉ cần hỗ trợ nguồn vốn ban đầu, chịu khó, cộng thêm ít kinh nghiệm là có thể chăm sóc tốt đàn dê của mình. Tuy nhiên, để nuôi dê đạt hiệu quả kinh tế cao, ngoài kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi là rất quan trọng. Người nuôi dê phải biết áp dụng kỹ thuật từ khâu làm chuồng trại cho đến việc theo dõi quản lý đàn dê. Bà Mùi chia sẻ.
Dê mẹ mỗi năm đẻ hai lứa (2 - 3 con mỗi lứa). Dê có khả năng sinh trưởng nhanh, chỉ trong một thời gian ngắn có thể xuất chuồng bán thịt hoặc làm giống. Dê con nuôi trong thời gian 4 - 5 tháng có trọng lượng từ 20 - 25 kg/con là xuất bán. Dê dễ nuôi, ít bị dịch bệnh, không tốn thức ăn, chỉ tốn công chăn thả. Tuy nhiên, nếu thời tiết thay đổi đột ngột, phải có thuốc để phòng ngừa tiêu chảy và một số bệnh về đường ruột. Nếu thời tiết nắng nóng kéo dài thì cần phải bổ sung các chất vitamin B1, B6, B12, khoáng, vi lượng, kẽm, sắt, muối… để tăng sức đề kháng, phòng bệnh hiệu quả cho đàn dê. Đồng thời thường xuyên dọn vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, mỗi tuần dội nước ít nhất một lần vì dê không thích nghi với độ ẩm cao.
Không chỉ dễ nuôi mà dê còn là loài động vật có vốn đầu tư ít, đầu ra ổn định. Bên cạnh còn có sự chịu thương chịu khó, không ngừng tìm tòi học hỏi kỹ thuật chăn nuôi dê và mở rộng quan hệ tìm đối tác giải quyết đầu ra hợp lý góp phần làm nên mô hình nuôi dê trên cát ở phường Điện Ngọc mang lại hiệu quả cao. Thu nhập năm sau luôn cao hơn năm trước giúp hộ nuôi dê phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình.
Từ chỗ nghèo khó, 4 con nhỏ ăn học thiếu thốn nay đã lập gia đình, yên bề gia thất. Nhà cửa xây dựng khang trang, đầu tư mua sắm đầy đủ các phương tiện phục vụ nhu cầu nghe nhìn và đi lại tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao lưu hàng hóa và học tập. Bà Mùi là một nông dân năng động, chịu thương, chịu khó vươn lên làm giàu.