Khi người lính trở về
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Có ở Xóm Bùng, xã Điện Hoà là hình ảnh dáng người cao ráo, mái tóc hoa râm nhuốm màu thời gian, giọng nói hào sảng; ông Có đúng mực của một người nông dân hiền hòa, chất phác. được xem là một trong những tấm gương điển hình cho phong trào cựu chiến binh vượt khó làm ăn kinh tế giỏi ở thị xã Điện Bàn.
Cũng như bao nhiêu người thanh niên khác; Mùa đông năm 1976, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai Nguyễn Xuân Có vừa tròn 19 tuổi tình nguyện lên đường đi Tây Nguyên, biên chế thuộc Trung đoàn 723, Sư 333, thuộc Quân khu 5, Đoàn kinh tế quốc phòng lúc bấy giờ. Đơn vị đóng quân tại tỉnh Đắk Lắk, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh ở địa bàn chiến lược.
Ông Có chia sẻ; Địa bàn ông đóng quân khá phức tạp, ở đây toàn đồng bào dân tộc thiểu số, người dân hầu hết là mù chữ, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nghe bà con kể lúc còn chiến tranh, bọn ngụy gom hết dân ở xung quanh, xây đồn bót ở giữa, quân giải phóng muốn đánh chiếm đồn rất khó. Sau giải phóng bộ đội lên đây có nhiệm vụ di dời đồng bào của buôn nào về buôn đó để người dân an cư lập nghiệp.
Nắm được tình hình ở địa bàn trọng yếu còn nhiều phức tạp nên từ thủ trưởng Trung đoàn đến các chiến sĩ hết sức cảnh giác, nêu cao tinh thần trách nhiệm, vừa làm kinh tế, vừa chiến đấu và giúp Nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh làm nương rẫy cải thiện đời sống.
Vươn lên làm giàu từ hai bàn tay trắng
Năm 1982 hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương với 2 bàn tay trắng, điều kiện gia đình còn vô cùng khó khăn, vất vả, bản thân lại không có nghề nghiệp nên chỉ biết cần mẫn lao động sản xuất để có cái ăn, cái mặc, lo cho gia đình. Trãi qua những năm tháng lao động vất vã nhưng điều kiện kinh tế của gia đình vẫn mãi không khá lên được là bao. Nhưng bằng nghị lực, ý chí được tôi luyện trong môi trường Quân đội và bản lĩnh của người lính “Cụ Hồ” ông Có quyết tâm tìm kiếm cơ hội vươn lên nhằm thay đổi cuộc sống.
Xác định phải có kiến thức mới phát triển được kinh tế, ban ngày ông Có xin đi làm bảo vệ ở Cục Dự trữ quốc gia chi nhánh Đà Nẵng có kho đặt tại Trảng Nhật, vừa làm vừa học bổ túc văn hóa, sau này học thêm trung cấp hành chính, sau đó được điều lên làm ở bộ phận văn phòng Cục Dự trữ quốc gia chi nhánh Đà Nẵng. Ông tiếp tục đi học chuyên ngành giao thông vận tải và chuyển qua công tác tại Công ty 545, thuộc Cienco 5.
Để có được vườn mai cảnh hơn 30 năm tuổi, ông lấy ngắn nuôi dài bằng cách trồng mai ngoài đất, uốn tỉa thành hình rồi đưa vô chậu, rất kỳ công và bền bỉ. Mỗi năm cứ đến dịp Tết Nguyên đán, ông cho thuê và bán mai cảnh thu về gần 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông mạnh dạn đầu tư xây dựng Trường Mầm non Chim Yến tọa lạc trên tuyến đường ĐH5. Trường được đưa vào hoạt động năm 2016 với tổng diện tích 750m2, chia làm 5 lớp học với hơn 100 học sinh, có 12 giáo viên và 3 tạp vụ. Nhà trường đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho tất cả giáo viên, tạp vụ, hỗ trợ tiền ăn trưa, trang bị đồng phục khi làm việc...
Dám nghĩ, dám làm, ông Có học hỏi từ bạn bè và những người nuôi chim yến chuyên nghiệp ở Đồng Nai, Bình Phước. Năm 2018, ông đầu tư xây nhà nuôi chim yến, bình quân mỗi năm thu về khoảng 200 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, ông tiếp tục thành lập công ty bảo dưỡng cây xanh, thường xuyên có từ 10 - 15 lao động thời vụ, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nữ, thu nhập hằng tháng từ 7 - 8 triệu đồng.
Sẻ chia với cộng đồng
Bên cạnh hoạt động phát triển kinh tế của bản thân và gia đình, ông Có luôn hưởng ứng tham gia tích cực các hoạt động phong trào của địa phương nhất là các hoạt động thiện nguyện ở vùng xâu vùng xa, là một hội viên cựu chiến binh luôn gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Điều lệ Hội Cựu chiến binh Việt Nam, tham gia sinh hoạt, hội họp, nghiêm túc, đóng hội phí đầy đủ theo quy định. Là một công dân tốt luôn hoàn thành nghĩa vụ công dân, tham gia đầy đủ các khoản vận động của Nhà nước cũng như của địa phương.
Mỗi dịp Tết đến Xuân về, ông Có tặng nhiều suất quà cho những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn. Hưởng ứng tích cực các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao do xã và thôn tổ chức, hằng năm các giải bóng đá, bóng chuyền cá nhân ông đều tham gia ủng hộ cả tinh thần lẫn vật chất; góp phần cùng với địa phương phát triển phong trào ngày càng đi lên. Ngoài ra ông còn tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, tặng hàng chục suất quà cho các em học sinh nghèo hiếu học, học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Với những nỗ lực trong phát triển kinh tế, tham gia các phong trào, ông Nguyễn Xuân Có được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vì đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vào năm 2015; được tuyên dương cựu chiến binh làm kinh tế giỏi 5 năm liền của tỉnh Quảng Nam.