Tháng 12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Tháng 4/1947, thực dân Pháp đánh chiếm Hòa Vang, Điện Bàn… và lập nên nhiều đồn, bốt.
Xung quanh xã Điện Hồng có lao cốt Trùm Giao, đồn Phong Thử, đồn Bồ Bồ, đồn Lạc Thành… Các đồn chỉ cách nhau khoảng ba – bốn cây số theo đường chim bay. Thực hiện đường lối kháng chiến trường kỳ, từ năm 1946 trở đi, xã Điện Hồng có thêm ba thôn ở Gò Nổi và Vân Ly, Tư Phú và Bảo An. Càng căm thù giặc Pháp dày xéo quê hương xóm làng bao nhiêu, người dân Điện Hồng càng hăng hái tham gia kháng chiến giữ nước, giữ làng bấy nhiêu. Từ năm 1947 trở đi, bà Bửu là phân hội trưởng phụ nữ thôn Thanh An xã Điện Hồng. Với cương vị ấy, bà rất tận tụy nuôi nấng du kích, thương binh qua các trận chống càn quyết liệt. Ông Trần Hựu và người con trai Trần Văn Khóai đã vào Nam bộ làm ăn từ năm 1941. Ở nhà còn lại hai mẹ con với căn nhà phên tre nền đất đã trở thành một cơ sở vững chắc trong cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ của ta. Tiếng súng chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 trong toàn quốc nổ dồn dã ! Trên chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng, quân dân ta đánh lớn tại Bồ Bồ, Điện Tiến, tiêu diệt gần 400 tên giặc và làm khoảng 300 tên bị thương. Đến ngày 20 tháng 7 năm 1954, hòa bình lập lại trên toàn bán đảo Đông Dương. Từ vĩ tuyến thứ 17 trở vào Nam, đế quốc Mỹ hất cẳng thực dân Pháp, dựng nên chính quyền tay sai cực kỳ phản động Ngô Đình Diệm, thực hiện chính sách “tố cộng, diệt cộng” vô cùng tàn bạo. Chúng gây ra nhiều vụ thảm sát ở Duy Xuyên, Điện Bàn, Thăng Bình, Tiên Phước… Trước tình hình đó, nhiều đảng viên, cán bộ của ta rút vào hoạt động bí mật. Lúc bấy giờ thôn Thanh An có hai bác Trần Văn Nghiêm và Trần Văn Tư thuộc Ban cán sự hoạt động bí mật tại xã Điện Hồng. Hai bác được giao nhiệm vụ vận động cơ sở của ta đào hầm bí mật nuôi đồng chí Lê Bá Hạp, Huyện ủy viên người làng Giáo Ái xã Điện Hồng nằm vùng hoạt động.
Đầu năm 1955 bác Nghiêm đến nhà bà Bửu gợi ý bà nuôi giấu cán bộ để hoạt động bí mật. Bà nhận nhiệm vụ, nhưng lòng không khỏi lo âu. Việc đào hầm bí mật ra sao đây ? Nuôi giấu cán bộ thế nào trước những con mắt cú vọ của bọn ngụy quân, ngụy quyền dày đặc ở địa phương! Nhà Bác Nghiêm cách nhà bà Bửu có 150m, thế mà phải bàn cách ngụy trang kín đáo mất 15 ngày liền. Sau đó, chỉ cần một đêm, hầm bí mật đã được đào xong, đất đào hầm được đổ xuống hồ rau muống sâu bên nhà bà Bửu. Xung quanh nhà bà là lũy tre dày bao bọc, cạnh nhà có những đám mía nối liền với bãi mía dày bên sông Thu Bồn. Miệng hầm bí mật bằng hai bờ phên dưới giường nằm sát cái buồng nhỏ có đường thóat ra bờ tre sau vườn.
Tháng 3/1955, bác Trần Văn Nghiêm đưa ông Lê Bá Hạp vào ở trong chiếc hầm bí mật tại nhà bà Bửu. Từ đấy trở đi việc ăn uống vệ sinh hằng ngày của ông Hạp đều qua tay bà Bửu sớm, chiều, khuya, tối… người ta cũng không ngờ được rằng căn nhà tuềnh toàng này lại là nơi đi về hội họp của cán bộ Huyện ủy: Trần Văn Tiếp, ông Ký, ông Cần, ông Sửu, ông Hạp và một số đồng chí nữa.
Cứ đêm đêm, ông Hạp mở nắp hầm bí mật đi hoạt động khắp vùng rồi đến 3 giờ sáng lại về nằm trong hầm bí mật. Một năm rồi hai năm trôi qua… Lúc này nhiều cơ sở của ta bị vỡ, có những cán bộ là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính xã, cũng ra chiêu hồi và làm việc cho chúng. Tên quận trưởng Điện Bàn Trần Quốc Thái thi hành nhiều quỷ kế thâm độc, 16 xã là 16 lò gạch để xây dựng các khu trù mật rồi bắt những người tham gia kháng chiến của ta lao động khổ sai dưới trời nắng cháy da cháy thịt. Cuối cùng chúng đã đánh hơi được chiếc hầm bí mật ở nhà bà Bửu !
Một ngày tháng 6 năm 1957, vào lúc 4giờ 30 lính ngụy cùng đoàn tố cộng do Lê Văn Truật cầm đầu, bao vây nhà bác Nghiêm. Chúng ập vào bắt ngay bác. Thằng Truật hét to: Mày giấu Lê Bá Hạp ở đâu?- Tôi không biết ai là Lê Bá Hạp cả! Bác Nghiệm trả lời. Thằng Truật gầm lên: Ngoan cố này! Ngoan cố này! Nó lấy tay tống vào người bác liên tiếp. Bọn lính dùng gậy thay nhau đánh tới tấp vào bác. Sau đó tên Truật sai lính gánh hai đôi thùng nước cho vào ảng trộn xà phòng, ớt cay rồi đổ đầy bụng bác, xong chúng dẫm lên cho nước ớt phụt ra! Bác Nghiêm chết đi sống lại nhều lần!
Thấy động bà Bửu liền báo cho ông Lê Bá Hạp, mở nắp hầm thoát ra đám mía rồi men theo bãi mía ven sông Thu Bồn chạy về xóm Ba Long, Phong Thử. 7 giờ sáng bọn thằng Truật ập vào nhà bà Bửu, thằng Truật hất hàm hỏi: Con mụ kia? Giấu Lê Bá Hạp ở đâu? bà Bửu bình thản đáp: Tôi có biết ông nào là Hạp đâu mà các ông bảo giấu ổng! Thằng Phạm Đắc Ruộng người cao to, mũi cà chua, hắn ta là cơ sở cách mạng, nay phản bội hét lên:
- Con mụ này khôn hồn thì khai ra! Không tao bẻ không còn cái răng cho mà coi!
- Các ông bảo tôi khai cái chi? Tôi biết cái gì mà khai mới được chứ! Lập tức chúng lấy gậy đánh bà gãy một cánh tay, rồi dùng kèm bẻ gãy 2 răng cửa của bà! Máu miệng bà chảy ra dàn dụa. Bà ngất lịm nằm im, máu me đầy mình! Ông Hạp chạy đến Ba Long, Phong Thử thì bị một tên cơ sở cũ của ta đã phản bội phát hiện. Tên này hô hoán: Bắt Lê Bá Hạp! Bắt Lê Bá Hạp! Bọn lính vây lại bắt được ông Hạp và đưa ông vào nhà tù Vĩnh Điện.
Sau khi bắt được ông Hạp bọn Lê Văn Truật mới ngưng tra tấn, đánh đập bác Nghiêm và bà Bửu. Đến 9 gìơ sáng cả hai người chết lịm, chúng cho lính khiêng lên xe đem về Vĩnh Điện giam cầm và tiếp tục tra tấn dã man, chúng tra điện rồi bắt sám hối liên tiếp. Thằng quận trưởng bắt bác Nghiêm đứng im giữa hai cây nến bạch lạp to tướng, nếu rục rịch là bị bọn lính lấy gậy đập tới tấp.
Người nào bất tỉnh nó cho dội nước lạnh cho tỉnh lại rồi tiếp tục sám hối, từ 7 giờ tối đến 1 giờ sáng, có đêm đến 3, 4 giờ sáng !
Bà Bửu không đứng dậy được nữa! Chúng liền bắt bà ngồi để sám hối! Sau gần hai năm trời giam cầm tra tấn bà Bửu đến tàn phế, đầu năm 1959 chúng cho bà về lại quê nhà. Lúc này chị Trần Thị Bửu đã rời khỏi Thanh AN đi Sài Gòn sinh sống. Bà Bửu về căn nhà cũ xơ xác với một thân hình tiều tụy đầy thương tích và bệnh tật hoành hành. Quần chúng không ai dám đến thăm hỏi, nuôi nấng vì sợ kết tội lien quan đến Cộng sản, liên quan đến cán bộ kháng chiến cũ của ta!
Ngày 5/5/1959, bà bị xuất huyết dạ dày, xuất huyết phổi trầm trọng nên bà đã trút hơi thở cuối cùng trong căn nhà phên tre nền đất năm xưa.
Khi tôi viết câu chuyện này cũng là lúc bác Trần Văn Nghiêm đang giúp anh Trần Văn Khóai làm thủ tục để xét liệt sĩ cho bà!
Thế đấy! Trong công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc lâu dài đầy hy sinh gian khổ của dân tộc ta, có biết bao người mẹ, người chị như bà Nguyễn Thị Bửu đã hy sinh cả tính mạng, cuộc đời mình để chúng ta có được như ngày hôm nay.
Ghi theo lời kể của bác Nguyễn Văn Nghiêm