So với phương pháp mô gối truyến thống, trồng nấm rơm theo phương pháp mô trụ cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhờ giảm được 50% công lao động; kỹ thuật trồng lại khá đơn giản và dễ áp dụng. Cụ thể như sau:
1. Xử lý nguyên liệu:
- Ủ đống: Làm ướt trụ rơm bằng nước vôi có độ pH = 12 – 13 (cách pha nước vôi có pH: 12 – 13, hoà tan 1m3 nước với 3,5 – 4.0 kg vôi) và được ủ thành khối. Sau đó dùng bạt đậy kín và tiến hành ủ trong 03 ngày.
- Sau 03 ngày ủ, tiến hành đảo đống ủ lần thứ 1 và tiếp tục ủ đống thêm 03 ngày.
- Sau ủ 06 ngày, tiến hành đảo đống ủ lần thứ 2, ủ thêm 03 ngày nữa và kiểm tra độ ẩm đạt từ 60 – 65%.
2. Cấy giống:
* Chuẩn bị vật tư và giống nấm:
- Bao ni lông có màu trắng ngà.
- Dây buộc trụ nấm (nhựa, ....).
- Giống nấm.
Sau khi ủ được 09 ngày, tiến hành vận chuyển trụ rơm vào nhà nuôi trồng để cấy giống.
* Cách cấy giống: dùng que nhọn để chọc lỗ và cấy giống vào chỗ đó, sau đó trùm kín lại bằng bao ni lông.
3. Nuôi ủ sợi:
- Yêu cầu nhà nuôi sợi:
+ Thông thoáng
+ Không cần ánh sáng hoặc chỉ cần ánh sáng yếu.
+ Nhiệt độ không khí: 32 – 370C
+ Ẩm độ không khí: 70 - 75%
Thời gian nuôi sợi từ 07 – 08 ngày tuỳ theo điều kiện thời tiết, sau khi sợi nấm lan đều ra bề mặt mô nấm thì tiến hành mở bao ni lông.
4. Chăm sóc và thu hái:
Yêu cầu nhà chăm sóc phải thông thoáng nhưng phải tránh gió lùa trực tiếp, ánh sáng yếu toả đều khắp bề mặt tất cả mô nấm để quả thể nấm phát triển đều, nhiệt độ từ 28 - 320C, ẩm độ không khí từ 80 – 90%.
* Chăm sóc:
- Hàng ngày mở cửa thông thoáng cho nhà chăm sóc từ 02 – 03 lần, mỗi lần từ 25 – 30 phút.
- Tưới nước: Khi quan sát thấy bề mặt mô nấm khô thì tiến hành tưới nước, thông thường mỗi ngày tưới 02 - 03 lần tuỳ theo tình hình thời tiết, tưới dạng phun sương, tưới sao cho đảm bảo bề mặt mô nấm vừa đủ ướt. Tưới nước đúng nhất là tưới đón quả thể trước 01 – 02 ngày hoặc tưới sau khi hình thành đinh ghim 01 – 02 ngày.
* Thu hái:
- Nấm rơm chỉ có giá trị khi ở dạng hình trứng, cần phải thu hái ngay không kể lớn hay nhỏ, không nên để nấm nứt vỏ bao hay xoè ô. Trong trường hợp nấm ra thành chùm nên hái 01 lượt với tỷ lệ dạng trứng nhiều nhất.
- Nếu trong chùm nấm chỉ có một vài quả thể nấm cần hái nên tách lẻ cẩn thận để tránh long gốc cả chùm. Sau khi hái xong, tiến hành làm sạch phần gốc còn sót lại.
- Trong thời gian thu hái kéo dài 02 – 03 ngày, lượng nấm thu được nhiều nhất vào ngày thứ 2. Nấm hái xong cần làm sạch rơm rạ bám vào chân nấm và bảo quản nơi thoáng mát để tiêu thụ.
- Sau khi thu hái hết đợt 1, ngưng tưới nước cho đến khi thấy xuất hiện nụ nấm mới tiếp tục tưới và thu đợt 2.
5. Phòng trừ nấm gây hại:
- Trước khi vận chuyển trụ rơm vào nhà nuôi trồng để cấy giống, sử dụng Formoldehyt 1,5% phun láng nhà nuôi trồng để tiêu độc khử trùng nấm dại trước 3 ngày.
Lưu ý: Trong thời gian nuôi sợi, nếu thời tiết nắng nóng trên 380C, ẩm độ không khí thấp dưới 60%, cần tác động các biện pháp kỹ thuật như: tưới nước nền và mái nhà trồng nấm để làm giảm nhiệt độ, tăng độ ẩm nhà nuôi trồng nấm tạo điều kiện thuận lợi cho nấm sinh trưởng và phát triển tốt.