Cùng với cấp uỷ Đảng, Hội nông dân xã đã xây dựng chương trình hành động phù hợp để tổ chức thực hiện Nghị quyết. Đa dạng các hình thức tuyên truyền đến với nông dân như Hội thi, Hội thảo, tập huấn, tham quan .... đồng thời Hội nông dân cũng đề ra các giải pháp thiết thực và xác định nông dân là chủ thể của quá trình phát triển để nhân dân hiểu rõ, phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn không chỉ của nông dân mà của toàn thể cộng đồng xã hội tham gia trong đó nông dân là lực lượng nòng cốt. Từ đó lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được tập trung đầu tư đúng mức tạo ra bước phát triển khá toàn diện. Cụ thể đó là:
- Trong sản xuất nông nghiệp đã phá thế độc canh cây lúa, chuyển sang đa canh, đa nghề và dịch vụ tổng hợp. Đặc biệt là đẩy mạnh kinh tế VAC – kinh tế gia trại và trang trại, một mô hình rất có hiệu quả và phù hợp với điều kiện cụ thể của xã. Từ năm 2005-2010 hàng chục ha đất vườn tạp, ruộng lúa đã chuyển sang trồng cây rau màu, cây công nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản. Kinh tế vườn, kinh tế trang trại đã góp phần hình thành vùng chuyên canh và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với thị trường.
- Mặt khác trong chăn nuôi đã từng bước phá vỡ tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ gia đình. Hiện nay có trên 100 hộ chăn nuôi với quy mô gia trại ( từ 10-50 đầu lợn, 1.000 – 5.000 con gia cầm) mô hình chăn nuôi theo thời vụ, mô hình sản xuất theo quy trình khép kín từ khâu chế biến thức ăn, công tác chú ý cho đến tiêu thụ sản phẩm hoặc mô hình chăn nuôi đa con kết hợp đã làm cho ngành chăn nuôi gia đình có hiệu quả. - Về lĩnh vực CN-TTCN: giá trị sản lượng hằng năm tăng từ 18-20% trên mức bình quân của huyện. Trong đó ngành nghề TTCN địa phương tăng đáng kể. Cuối năm 2009 đạt 30 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 30% của ngành.
Ngoài ra, ngành thương mại và dịch vụ cũng là một đóng góp không nhỏ trong cơ cấu kinh tế của xã. Từ chỗ phân tán nay đã hình thành từng cụm thương mại, thu hút được nhiều nhà doanh nghiệp, nhiều khách hàng, giao lưu hàng hoá ngày càng phát triển.
Nổi bật là trong cơ cấu lao động đã chuyển biến tích cực, cuối năm 2005 tỷ lệ lao động nông nghiệp – phi nông nghiệp là 6/4 đến nay tỷ lệ này là 3/7. Mỗi năm giải quyết gần 150 lao động có công ăn việc làm và thu nhập ổn định.
Những kết quả đạt được trong thời gian qua, trước tiên phải nói đến vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của UBND xã. Nhưng nòng cốt vẫn là hội viên nông dân đã đóng góp sức mình vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của xã trong đó tổ chức Hội Nông dân là trung tâm, cầu nối là mối quan hệ hữu cơ giữa các ngành, các cấp, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để nông dân phát huy thể mạnh của mình, vươn lên làm giàu chính đáng. Để thể hiện rõ vai trò, chức năng của Hội các năm qua Hội nông dân xã tập trung củng cố, xây dựng và phát triển tổ chức trong đó xây dựng chi tổ Hội thực sự trở thành đơn vị hành động là nhiệm vụ hàng đầu. Mục tiêu của Hội là tập hợp vận động hội viên vào tổ chức Hội, thông qua 5 chương trình công tác Hội và 3 phong trào hành động. Điều kiên quyết để thực hiện mục tiêu đó là: Đột phá vào điểm xung yếu của hộ nông dân với phương châm “ Vì nông dân, dựa vào nông dân xây dựng tổ chức Hội vựng mạnh” đồng thời Hội tập trung giải quyết nhu cầu 3 cần cho nông dân “ Kiến thức KHKT, kinh nghiệm làm ăn và tạo nguồn vốn đầu tư”. Hằng năm Hội chủ động phối hợp với các ngành như khuyến nông, Hội làm vườn, Trạm thú y... tập huấn chuyển giao công nghệ giúp nông dân nâng cao kiến thức, thực hành có hiệu quả. Đặc biệt là công tác tín dụng tạo nguồn vốn cho nông dân, 5 năm qua Hội Nông dân đứng ra tín chấp bảo lãnh cho nông dân vay vốn thông qua NQ liên tịch 2308 mỗi năm hàng tỷ đồng đến với nông dân để mở rộng sản xuất. Thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, Hội đã thành lập 6 tổ tiết kiệm vay vốn với số dư cuối năm 2009 trên 1,3 tỷ đồng gần 160 hộ vay. Riêng với tổ chức Hội cũng tập trung xây dựng quỹ “ Hỗ trợ nông dân” 5 năm qua đã tập vận động được trên 25 triệu đồng cùng với vốn uỷ thác của tỉnh Hội Quảng Nam gần 100 triệu đồng cho hơn 30 hộ vay, bình quân mỗi hộ vay 5 triệu đồng.
Từ thực tiễn đó đã góp phần đẩy mạnh phong trào nông dân sản xuất kinh doanh. Qua 2 lần tổng kết tuyên dương ( 2006-2009) đã cho thấy số lượng nông dân SXKD giỏi ngày càng tăng đạt danh hiệu cấp huyện, tỉnh ngày càng nhiều.
- Năm 2006, có 235 hộ. Trong đó cấp huyện, tỉnh: 45 hộ.
- Năm 2009, có 272 hộ. Trong đó cấp huyện, tỉnh: 69 hộ.
Những nông dân SXKD giỏi là hình ảnh đẹp của phong trào thi đua yêu nước của giai cấp nông dân trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, thực sự là lực lượng đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, góp phần to lớn vào thành tựu nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Mặc khác phong trào nông dân SXKD giỏi đã làm thay da đổi thịt bộ mặt nông thôn, kết cấu hạ tầng ngày càng được đầu tư như: mạng lưới điện đến nay đã ổn định phục vụ đầy đủ cho tiêu dùng và sản xuất, Trường học, Trạm xã được xây dựng mới và chuẩn hoá đảm bảo việc học hành và khám chữa bệnh cho nhân dân. Giao thông nông thôn được bê tông và xâm nhập nhựa trên 96% các tuyến đường trong khu dân cư, đời sống nhân dân sớm ổn định và ngày càng được nâng lên, chương trình XĐGN được thực hiện khá đồng bộ, số hộ nghèo 5 năm qua được giảm đáng kể. Năm 2005 là 235 hộ, cuối năm 2009 còn 96 hộ, bình quân mỗi năm giảm 25 hộ.
Ngoài những đóng góp nêu trên, Hội nông dân thường xuyên giáo dục vận động nông dân làm tròn nghĩa vụ công dân, xây dựng nông thôn mới. Thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” thể hiện tình làng nghĩa xóm, lá lành đùm lá rách, góp phần xây dựng xã trở thành xã văn hoá, giàu mạnh văn minh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình phát triển nông nghiệp nông thôn vẫn còn những hạn chế khó khăn đó là:
1. Sản xuất nông nghiệp vẫn còn phân tán, quy mô nhỏ lẻ và thiếu tính bền vững, việc ứng dụng các tiến bộ KHKT và cơ giới vào sản xuất chưa được nhiều, đầu ra của sản phẩm nông nghiệp thiếu tính ổn định gây trở ngại cho sản xuất và ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân.
2. Quản lý Nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, cụ thể như giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp còn thả nổi chưa quản lý chặt chẽ. Công tác chỉ đạo sản xuất và thực hiện các chính sách nông nghiệp, nông thôn chưa được cụ thể.
3. Quá trình CNH, đô thị hoá nông thôn đã nảy sinh nhiều vấn đề bức xúc như: ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội, an ninh trật tự nhiều phức tạp .... tác động xấu đến quá trình phát triển của địa phương.
4. Tổ chức Hội nông dân chưa thật sự vững mạnh, độ đồng đều của phong trào chưa cao, chưa gắn kết quyền lợi thiết thực của hội viên với công tác Hội.
Hơn ai hết, Hội nông dân Việt Nam hiểu rõ những hội viên của mình đang ngày đêm lao động sản xuất trên mặt trận nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy, Hội nông dân kính mong các ngành các cấp tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nông dân phát huy tinh thần cần cù lao động sáng tạo và truyền thống vẻ vang của giai cấp. Hội nông dân xã sẽ vận động nông dân làm tốt vai trò nòng cốt trong việc đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn đưa kinh tế xã nhà ngày càng phát triển toàn diện.