Là một trong 20 mô hình hiệu quả cần được nhân rộng
Trong hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2009 - 2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chọn Mô hình “Hộ khá giúp hộ khó” của Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Điện Phước là một trong 20 mô hình hiệu quả để xây dựng thành đề án triển khai nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh giai đoạn 2025 - 2030.
Mô hình gồm 17 thành viên, trong đó Chủ tịch UBMTTQVN xã làm trưởng ban, đồng thời phát động mô hình trong các khu dân cư trên địa bàn xã. Theo đó, hằng năm, mỗi khu dân cư vận động từ 50 đến 100 suất quà tặng cho hộ khó khăn trong dịp Tết; 100% khu dân cư vận động Quỹ vì người nghèo để hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà; mỗi tổ chức Hội đoàn thể đăng ký đảm nhận thực hiện có hiệu quả nội dung công trình, phần việc trong giảm nghèo bền vững, phấn đấu mỗi năm hỗ trợ từ 1 đến 2 phương tiện sinh kế; Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội xã hàng năm hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 1 – 2 nhà, riêng năm 2024 sửa chữa 3 – 5 nhà. Phấn đấu đến năm 2030 toàn xã không còn hộ nghèo.
Hiệu quả của mô hình đã được minh chứng, các cấp UBMTTQVN xã Điện Phước không chỉ hỗ trợ trao sinh kế, sửa chữa, xây mới 4 nhà đại đoàn kết, một số “hộ khá” giúp “hộ khó” tiền, ngày công lao động để di chuyển tường rào, cổng ngõ mở rộng đường giao thông; giúp nhau chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Tại buổi ra mắt, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội xã trao tặng sinh kế 8 con bò giống trị giá 116 triệu đồng, 1 xe nước mía trị giá 7 triệu đồng, 2 con heo giống và 3 bộ bàn ghế trị giá 7 triệu đồng, trao hỗ trợ sửa chữa 3 ngôi nhà đại đoàn kết trị giá 30 triệu đồng, xây dựng mới 2 ngôi nhà trị giá 130 triệu đồng (trong đó, Công ty Sông Bung hỗ trợ 50 triệu đồng, Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” xã hỗ trợ 5 triệu đồng, anh Trần Quốc Diện, huyện Đại Lộc hỗ trợ xây dựng nhà 75 triệu đồng). Đồng thời, vận động thầy Đinh Minh Quốc trao tặng 20 suất quà trị giá 8 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến - Chủ tịch UBMTTQVN xã cho biết: “UBMTTQVN xã và các tổ chức thành viên cho ra mắt mô hình Hộ khá giúp hộ khó nhằm phát huy tinh thần của Nhân dân, các hộ gia đình có điều kiện cùng chung tay hỗ trợ giúp đỡ các hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn được hỗ trợ phương tiện sinh kế để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, hỗ trợ an sinh xã hội góp phần hoàn thành chỉ tiêu, mục tiêu không còn hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã đến năm 2030”.
Gắn kết tình làng nghĩa xóm giữa “hộ với hộ”.
Xã Điện Phước có 8 thôn nông thôn mới kiểu mẫu với 3.468 hộ, 13.782 nhân khẩu. Điện Phước đang hoàn thiện các tiêu chí để nâng chuẩn từ xã NTM nâng cao lên NTM kiểu mẫu. Trong thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã và các tổ chức chính trị - xã hội xã đã vận động giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo và tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm. Việc thành lập mô hình này nhằm thực hiện tốt chủ trương “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bỏ lại phía sau” và triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xoá nhà tạm, nhà dột nát giai đoạn 2023 - 2025 theo Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND ngày 22/9/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức hỗ trợ xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023-2025. Để mô hình “Hộ Khá giúp hộ Khó” mang lại hiệu quả cần có sự chung tay của các tổ chức, cá nhân và sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo của các hộ gia đình. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân, quê hương Điện Phước ngày càng phát triển bền vững.
Từ khi ra mắt mô hình đến nay, việc giúp nhau cũng khá đa dạng, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh và nhu cầu của hộ cần giúp đỡ. Như, một số “hộ khá” giúp “hộ khó” bằng tiền, ngày công lao động để di dời tường rào, cổng ngõ mở rộng đường giao thông nông thôn. Nhiều hộ có kinh nghiệm và kiến thức trong trồng trọt, chăn nuôi chuyển giao kỹ thuật, giúp những hộ khó khăn có kiến thức để chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, cho thu nhập kinh tế ổn định. Như hộ bà Hà Thị Thúy ở thôn Hạ Nông Đông, bán cà phê và tạp hóa nhỏ, bà được tặng 3 bộ bàn ghế, quán tươm tất nên khách cũng nhiều hơn trước.
“Hộ khá giúp hộ khó” không chỉ thể hiện sự đoàn kết, tương thân tương ái của người dân trong cộng đồng, mà qua đó cho thấy tinh thần trách nhiệm, luôn tìm tòi đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội và ban công tác mặt trận tại các khu dân cư.
Mô hình “ Hộ Khá giúp hộ Khó” thật sự hiệu quả khi có sự chung tay của các tổ chức, cá nhân và sự nổ lực vươn lên thoát nghèo của các hộ gia đình. Từ đó góp phần nâng cao đời sống Nhân dân, quê hương Điện Phước ngày càng phát triển bền vững.
|