Tôi sinh ra và lớn lên trên quê hương Gò Nổi, khi trưởng thành cũng như bao trai làng, lập gia đình, tôi chọn Điện Hồng (quê vợ) làm quê hương thứ hai. Những năm đầu kháng chiến chống Pháp bùng nổ, giặc Pháp cùng bọn sói lang dày xéo khắp nơi, làng mạc tiêu điều xơ xác. Xót lòng hơn, mỗi lần tận mắt thấy cảnh giặc Pháp bắt bớ hành hạ những người yêu nước, đốt nhà, cướp của, sát hại người dân lương thiện. Căm thù bọn giặc dã man, tôi cùng trai tráng lên đường tham gia cách mạng. Ngày đầu tham gia Việt Minh, tôi làm du kích địa phương. Thời gian này, tôi cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh, nhưng đáng nhớ nhất là vào năm 1954, trận tấn công cứ điểm Bồ Bồ, Điện Tiến. Hồi ấy, vũ khí của ta quá thô sơ, nhưng đơn vị tôi không ngần ngại hy sinh, luồn sâu, lót sát ngay trong sào huyệt của chúng mới nổ súng, gây cho kẻ thù tổn thất nặng nề. Chiến công đó đã làm nức lòng quân dân cả tỉnh.
Tôi được kết nạp vào Đảng năm 1945. Năm 1947, do nhu cầu chiến sự, tôi được tổ chức phân công làm nhiệm vụ mới: Phụ trách công tác giao liên. Mặc dù làm liên lạc nhưng gặp địch tôi vẫn chiến đấu. Một hôm đang thi hành nhiệm vụ, phát hiện một trung đội lính Pháp cùng tay sai đang hùng hùng hổ hổ tiến vào làng. Tôi cùng hai đồng chí nổ súng để ngăn chặn cuộc hành quân của chúng. Do lực lượng đôi bên không cân sức, chúng bắn tôi bị thương ở phần bụng. Do vết thương quá nặng, không di chuyển được, tôi bị sa vào tay giặc. Chúng giam tôi tại khu hành chính Kỳ Lam, dù bị thương nhưng chúng vẫn thẳng tay khai thác, tra tấn một cách dã man. Để bảo vệ cơ sở, tôi cắn răng chịu đựng nhục hình của bọn chúng. Cuối cùng, chúng không moi được tin tức gì, phải trả tự do cho tôi. Ra tù, trở lại quê nhà Điện Hồng cũng là lúc Mỹ - Diệm ra sức đàn áp những người yêu nước, thực hiện âm mưu “tố cộng, diệt cộng”. Do vậy, khi trở về, mặc dù chưa gặp người thân, nhưng tôi đã nhanh chóng tìm cách liên lạc với cơ sở cách mạng, nhận nhiệm vụ họat động để đối phó với kẻ thù. Năm 1967, trong chuyến đi công tác, một lần nữa, tôi bị sa vào tay giặc. Biết tôi là cộng sản, chúng giải tôi về nhà lao Vĩnh Điện. Tại đây, bọn tay sai Mỹ - Diệm không cho tôi một phút giây yên tỉnh. Hỏi hết cung đến tra tấn với nhiều thủ đoạn rất dã man. Đánh đập hoài cũng mỏi tay, chúng chuyển sang dùng biện pháp tâm lý để lung lạc ý chí chiến đấu của tôi như ép cung, dụ dỗ, mua chuộc… Quá căng thẳng đầu óc, tôi chửi thẳng vào mặt chúng: “…Tụi bây làm gì thì cứ việc làm, có sao thì tao nói vậy. Thà tao chết chứ không còn lời nào khác!”. Thế là bọn cai ngục mắt trừng, mày xếch như loài quỷ dữ, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay làm tôi ngất xủi. Tỉnh lại, nằm trong nhà giam, toàn thân tôi ê ẩm, nhức nhối. Căm thù bọn ác nhơn, ác đức, tôi vận động tù nhân cách mạng đấu tranh, thà chịu hy sinh quyết bảo vệ cơ sở cách mạng, bảo vệ Đảng. Sau đó chúng giải tôi về nhà lao Hội An. Đến năm 1970, chúng đày tôi ra nhà tù Côn Đảo. Dù ở nhà lao nào của giặc, lòng tôi luôn tự nhủ: Là đảng viên phải kiên trung, một lòng son sắc với Đảng, với nhân dân. Tại nhà tù Câo Đảo, tôi cùng anh em tù nhân cách mạng đấu tranh chống chế độ hà khắc của bọn cai ngục, chống chào cờ ba sọc… Đến năm 1973, chúng trả tự do cho tôi. Về quê, tôi tiếp tục hoạt động ở địa phương, sau đó được cấp trên chuyển sang làm công tác phong trào ở các địa phương trong tỉnh và nước bạn Campuchia cho đến năm 1975 quê hương hoàn toàn giải phóng.
Đó là quãng đời hoạt động cách mạng của cụ Tính, còn người bạn đời của cụ thì sao? Nhân dịp này, chúng tôi được hiểu thêm về cụ bà Hồ Thị Thục, người vợ thủy chung son sắc của cụ. Cụ bà Hồ Thị Thục nhớ lại: Tôi với ổng bén duyên là đã tham gia cách mạng. Năm 1945 tôi được vào Đảng, nhiệm vụ cách mạng giao cho tôi lúc bấy giờ là vừa làm giao liên, vừa làm cán bộ thu mua lương thực cho cách mạng. Năm 1960, giữa lúc làm nhiệm vụ bị địch phát hiện và bắt giam tôi vào nhà giam Phù Kỳ, sau đó bọn chúng chuyển tôi về nhà lao Vĩnh Điện. Tại đây tôi chịu bao trận đòn tra tấn thập tử nhất sinh. Chúng cột chân tôi rút lên sườn nhà treo lơ lửng, để moi tin tức cơ sở cách mạng. Bấy giờ tôi còn lòng thủy chung với Đảng, son sắc với chồng con đã thôi thúc tôi vượt qua bao thử thách dã man của kẻ thù. Căm thù lòng lang dạ sói của chúng, tôi chửi bọn chúng: “Tụi bây cứ thả cho tau rớt xuống đất, cho chân này gãy đi, chứ tau có tội tình gì mà chúng bây hành hạ tau?...” Quá mất mặt với thái độ kiên cường, dũng cảm của nữ chiến sĩ cách mạng, chúng dành phải trả tự do cho tôi ra về và tiếp tục hoạt động cách mạng cho đến ngày đất nước toàn thắng.
Giờ đây hai vợ chồng trong tuổi chạng vạng đời người, sớm tối bên nhau trong căn nhà nhỏ giữa làng quê, đêm đêm hương khói cho người con trai đầu lòng là liệt sĩ. Nhớ lại một thời gian khổ năm xưa, hai mái đầu bạc không có nổi khổ đau nào bằng kể cho nhau nghe những năm tháng tù đày. Tuổi già, đến khi trái gió, trở trời, vết thương tra tấn năm nào trong tù cứ nhói đau, nhưng chính trong tù đã hun đúc, rèn luyện cho ông Tính, bà Thục bản lĩnh và khí phách kiên cường của người dân Điện Bàn bất khuất, kiên trung.