Chuyển hướng nông nghiệp theo các mô hình sản xuất hàng hóa, lấy hiệu quả trên đơn vị diện tích và các loại con vật nuôi làm mục tiêu phấn đấu, những năm qua nông dân Điện Bàn đã thực hiện đạt kết quả về các đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi. Kết hợp với thâm canh cây lúa, chương trình thủy lợi hóa đất màu được triển khai thành công, làm nên những vùng chuyên canh cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày đạt hiệu quả kinh tế cao và những biền bãi đạt giá trị 80-100 triệu đồng/ha canh tác. Các tiến bộ khoa học công nghệ được đưa mạnh vào sản xuất, đặc biệt là các chương trình về giống cây trồng, con vật nuôi, phòng trừ dịch bệnh, liên kết sản xuất- kinh doanh các loại cây trồng, làm cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn phát triển khá toàn diện. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trước đây từ ba vụ lúa, những năm qua nông dân Điện Bàn đã chuyển sang đầu tư làm chắc hai vụ Đông Xuân - Hè Thu với trình độ thâm canh khá, năng suất, sản lượng đạt cao nên bình quân tổng sản lượng lương thực của huyện đạt mức trên 74 nghìn tấn/năm. Nhiều cánh đồng giống mới, đặc biệt là những cánh đồng sản xuất giống đã thu về cho nông dân giá trị hàng hóa cao, góp phần nâng cao được hiệu quả cây trồng trên từng vùng đất.
Kinh tế vườn, kinh tế trang trại ngày càng phát triển. Nông dân đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp, phá bỏ lối sản xuất cũ với các loại cây trồng kém hiệu quả thay vào đó là các loại cây ăn quả, cây thực phẩm cao cấp, các loại hoa, cây cảnh làm cho kinh tế vườn trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình. Cả huyện có trên 230 trang trại, gia trại được bố trí đa dạng hóa các loại con vật nuôi, kết hợp tốt công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm nên dần dần ngành chăn nuôi đã trở thành ngành sản xuất chính trong nông dân và nông thôn.
Là vùng bãi ngang nhưng nhờ trang bị hiện đại các phương tiện đánh bắt, kết hợp tốt cả khai thác và nuôi trồng, đặc biệt là nhiều nơi đã chuyển dần diện tích ruộng lúa ở vùng ngập trũng sang nuôi cá nước ngọt nên giá trị và sản lượng thủy - hải sản hằng năm đều tăng.
Hành trình phát triển kinh tế nông thôn gắn liền với sự nhiệt tình, nhạy bén trong chuyển dịch mùa vụ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, trong tiếp thu và ứng dụng có hiệu quả các biện pháp khoa học – công nghệ mới và xác định được mục tiêu của sản xuất nông nghiệp hiện nay là nền nông nghiệp giá trị, nông nghiệp sản xuất hàng hóa. Tuy bị thiên tai bão lụt, nắng hạn, dịch bệnh diễn biến khá phức tạp, nhiều tháng nắng hạn khắc nghiệt, nhưng trên các biền bãi cây trồng vẫn lên xanh là nhờ nông dân Điện Bàn sớm thực hiện chương trình thủy lợi hóa đất màu. Ông Nguyễn Đức Chơi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Điện Quang cho rằng: “Năm 2010, cây đậu xanh, cây bắp ở Gò Nổi trúng đậm, trước hết phải nói thắng lợi từ chương trình thủy lợi hóa đất màu”. Nhiều hộ nông dân thu cả 100 triệu là nhờ làm tăng diện tích cây đậu xanh, cây bắp lai và đảm bảo được nước tưới thường xuyên nên sản lượng cây trồng đều tăng vọt. Cái mới trong nông dân là họ tự cải tiến, tự nghiên cứu lắp ráp được các thiết bị và đưa vào phục vụ sản xuất có hiệu quả, giảm bớt công lao động thủ công khi đến mùa thu hoạch. Ở thôn Tây An (xã Điện Phong), cả làng không có lấy một vạt ruộng làm lúa, cuộc sống gởi gắm vào mấy chục hecta đất biền bãi, vậy mà từ chương trình thủy lợi hóa đất màu đã làm cho vùng đất Tây An gặt hái ra tiền, với các loại cây thực phẩm có giá trị kinh tế, làm nên những biền bãi đạt trên 100 triệu đồng/ha canh tác. Trên vùng Gò Nổi năm nay, sau thắng lợi từ cây đậu xanh là nối tiếp vụ bắp Hè - Thu được mùa. Đến mùa thu hoạch, nhiều hộ đã thu được hàng tấn bắp lai, làm cho giá trị hàng hóa trong sản xuất nông nghiệp ngày càng có chiều hướng phát triển khá vững chắc.
Kinh tế nông thôn phát triển, diện mạo làng quê cũng khởi sắc, đổi thay theo nhịp sống của nông dân. Hầu hết nhà cửa ở vùng quê được xây dựng kiên cố, nhiều xóm dân dần dần mọc lên các nhà cao tầng, bán biệt thự hòa quyện cùng phong cảnh vườn cây, tường rào, cổng ngõ phong quan xanh-sạch-đẹp; 95% các tuyến đường được bê tông hóa không còn cảnh “nắng bụi, mưa bùn” như những năm trước đây. Nhiều làng xóm đêm về điện sáng giăng giăng khắp đầu làng, cuối xóm. Các phương tiện nghe nhìn, phương tiện đi lại trong nông dân ngày càng được đầu tư mua sắm khá nhiều làm cho đời sống vật chất và tinh thần ở nông thôn ngày càng phong phú.
Cùng với phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn được tiếp sức từ sự phát triển các cụm công nghiệp - thương mại - dịch vụ, các làng nghề truyền thống, làng nghề mới. Hàng vạn con em của nông dân được vào làm ở khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc, các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện góp phần làm cho ai cũng có công ăn việc làm phù hợp, đóng góp khả năng của mình vào việc phát triển kinh tế ở địa phương. Các trung tâm thị trấn, thị tứ dần dần được mở ra và trở thành các điểm giao lưu hàng hóa ngày càng phát đạt. Mạng lưới chợ nông thôn rải đều ở từng vùng, từng địa bàn dân cư và được đầu tư nâng cấp, mở rộng và gắn chặt với sản xuất, lưu thông hàng hóa ở từng vùng nông thôn. Gần đây chợ Điện Ngọc mới, một điểm buôn bán khá phồn thịnh ở khu vực vùng cát được đưa vào sử dụng tạo ra không gian buôn bán thoáng rộng, chấm dứt tình trạng chợ lấn ra đường không đảm bảo an toàn giao thông. Dự án chợ Vĩnh Điện với quy mô “khu phố chợ” đang được triển khai thi công và phấn đấu sẽ hoàn thành công trình đưa vào sử dụng trong năm 2011 làm cho diện mạo thị trấn ngày càng mở mang, phát triển, hòa nhập cùng với tiến trình xây dựng huyện sớm trở thành thị xã.
Đại hội Đảng bộ huyện Điện Bàn lần thứ XXI đã đề ra mục tiêu về thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn liền với quá trình xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp theo hướng lấy hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững làm mục tiêu. Đặc biệt tạo khâu đột phá phát triển toàn diện về kinh tế nông thôn, chuyển dịch nhanh lao động trong nông nghiệp, nông thôn theo phương châm “Ly nông nhưng không ly hương”. Toàn huyện tập trung đầy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư từ nhiều nguồn để xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn.
Là huyện lúa truyền thống, nhưng trong những năm đến cây lúa Điện Bàn chỉ tập trung thâm canh đạt năng suất cao trên diện tích từ 4.500-5.000 ha. Các xã Điện Hồng, Điện Thọ, Điện Phước, Điện An được huyện xác định là những vùng trọng điểm về sản xuất cây lúa cao sản, lúa thương phẩm. Vùng Gò Nổi được quy hoạch thành vùng chuyên canh các loại cây công nghiệp ngắn ngày. Vùng ven Vĩnh Điện, vùng cát là những vùng rau chuyên canh, cây hoa cảnh. Nông dân cả huyện thực hiện tốt hơn chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phấn đấu vươn tới những cánh đồng 100 triệu đồng/ha canh tác. Phải khống chế và dập tắt dịch bệnh để nông dân yên tâm đầu tư, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhất là dịch bệnh tai xanh hằng năm đe dọa nghiêm trọng đến chăn nuôi và làm suy giảm kinh tế của nông dân.
Tiếp tục đầu tư cho các chương trình kiên cố hóa kênh mương thủy lợi, thủy lợi hóa đất màu, hướng dẫn, khuyến khích nông dân mở rộng các loại hình dịch vụ nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế nông thôn. Quy hoạch phát triển các trung tâm mua bán, tổ chức liên doanh, liên kết gắn chặt giữa sản xuất với tiêu thụ ở từng vùng, phấn đầu tăng nhanh giá trị ngành nghề, dịch vụ - thương mại trong cơ cấu kinh tế nông thôn.
Nông thôn Điện Bàn đang đứng trước vận hội mới, giai đoạn đang tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh huyện công nghiệp, đồng thời đẩy nhanh quá trình đô thị hóa gắn với quá trình xây dựng và phát triển nông thôn mới theo định hướng xây dựng huyện thành thị xã vào năm 2015. Đây chính là ước mơ, nhưng cũng là thách thức mới của nhân dân Điện Bàn. Nông dân trong huyện là lực lượng hùng hậu sẽ góp phần xứng đáng thực hiện thành công mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI đã đề ra.