Nội dung chi tiết

Học sinh với sáng chế “Nụ thảo dược đuổi muỗi”
Tác giả: Mến Nguyễn .Ngày đăng: 10/01/2025 .Lượt xem: 18 lượt. [In bài]
Với niềm đam mê nghiên cứu khoa học và mong muốn mang đến cho người dùng một loại sản phẩm đặc trưng phục vụ cho việc đuổi muỗi, côn trùng, phòng ngừa cảm cúm sản xuất từ nguyên liệu hữu cơ thiên nhiên; Học sinh Đặng Vũ Nhân lớp 11/10 trường THPT Nguyễn Duy Hiệu, thị xã Điện Bàn đã tìm tòi và cho ra sản phẩm “Nụ thảo dược đuổi muỗi”.

Sản phẩm vinh dự nhận Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vì những đóng góp tiêu biểu trên phạm vi toàn quốc trong Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo khu vực miền Trung năm 2024.

Nghiên cứu từ thực tiễn cuộc sống

Chia sẻ về sản phẩm của mình, chàng trai trẻ Đặng Vũ Nhân bộc bạch; Vào mùa đông nhất là những ngày mưa ẩm, nhiều bạn bè trong trường và những người xung quanh bị sốt xuất huyết do muỗi đốt nên em có suy nghĩ nghiên cứu một loại thảo dược đuổi muỗi, giúp giảm tình trạng mắc bệnh sốt xuất huyết do muỗi gây ra. Trong quá trình nghiên cứu em cũng nhận thấy mùi thơm từ các tinh dầu thiên nhiên nên rất tự nhiên, dễ chịu, thanh mát và đúng nguyên mùi như nguyên liệu vốn có, nên có thể dùng để khử mùi, tạo hương thơm cho phòng làm việc, phòng khách, phòng ngủ… phù hợp dùng trong phong kín, điều hòa, hiệu quả trong xua đuổi muỗi và côn trùng, thanh lọc không khí, xua tan mùi ẩm mốc.


   Được sự ủng hộ động viên của người cha là một bác sĩ y học cổ truyền nhiều năm trong nghề, Đặng Vũ Nhân càng quyết tâm hơn trong việc tìm tòi nghiên cứu dự án của mình. Nhân tận dụng những những loại thảo dược phổ biến có sẵn trong tự nhiên như sả, bạc hà, tía tô, ngải cứu, vỏ quýt kết dính bằng vỏ bời lời nên rất dễ tìm. Các loại dược liệu sau khi thu hái, rửa sạch, thái nhỏ và phơi khô dưới bóng mát khoảng 2 -3 ngày để giữ được hàm lượng tinh dầu cần thiết cho sản phẩm đạt độ ẩm từ  12 -15%. Sau đó, Nhân tiến hành bào chế “Nụ thảo dược đuổi muỗi” theo quy trình 9 bước: Thái nhỏ, phơi khô, máy bột, phối trộn theo tỉ lệ, tạo ẩm, nhào bột, đóng nụ, phơi khô, đóng hộp.

“Nghiên cứu này có thể phổ biến rộng rãi trong nhân dân, để mỗi nhà đều có thể xua đuổi muỗi, từ đó ngăn ngừa được sự lây lan của dịch bệnh do muỗi truyền nhiễm. Ngoài ra, theo y học cổ truyền, những vị thảo dược trên có nhiều tinh dầu và có tác dụng giải cảm nên khi đốt trong nhà cũng có tác dụng điều trị các bệnh”. Đặng Vũ Nhân chia sẻ thêm.

Sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường

Hiện nay, phần lớn các bệnh do muỗi gây ra như sốt xuất huyết, sốt rét, sốt vàng da, viêm não Nhật Bản… đều chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vacxin phòng bệnh nên phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất vẫn là tránh bị muỗi đốt. Các phương pháp đuổi muỗi thường dùng như dùng vợt điện bắt muỗi, dùng nhang muỗi hoặc thuốc xịt muỗi. Trên thị trường hiện nay, người dân thường dùng các sản phẩm nhang muỗi hoặc thuốc xịt muỗi chứa nhiều hóa chất không tốt cho sức khỏe con người.

Nụ thảo dược đuổi muỗi được Nhân nghiên cứu với tỷ lệ phối trộn các loại thảo dược phù hợp và đã được đánh giá bằng thực nghiệm cho kết quả đuổi muỗi tốt, duy trì được thời gian đuổi muỗi lâu với hơn 5 giờ, một số thử nghiệm với hơn 7 giờ. Bên cạnh đó, kết quả kiểm nghiệm cho thấy thành phần khói sinh ra từ nụ thảo dược khi cháy và thành phần nguyên liệu dược liệu đảm bảo an toàn với sức khoẻ người sử dụng và thân thiện với môi trường. Sản phẩm nụ thảo dược đuổi muỗi làm hoàn toàn bằng thảo dược tự nhiên, có hàm lượng tinh dầu cao nên khi đốt lên lượng tinh dầu khuếch tán trong không khí, mùi hương dễ chịu, không độc hại. Với tính chất lưu chuyển của tinh dầu trong không khí lâu nên có tác dụng kéo dài thời gian xua đuổi muỗi. Như vậy, việc xông nụ thảo dược đuổi muỗi có hiệu quả cao trong việc phòng các bệnh truyền nhiễm do muỗi. Việc phổ biến làm nụ thảo dược đuổi muỗi trong nhân dân sẽ góp phần hạn chế được sự phát triển và lây lan của dịch bệnh do muỗi gây ra.


   Thầy giáo Nguyễn Cao Viễn- Bí thư Đoàn trường THPT Nguyễn Duy Hiệu tự hào nói; “Dự án “Nụ thảo dược đuổi muỗi của học sinh Đặng Vũ Nhân được công nhận và giành nhiều giải thưởng uy tín của tỉnh Quảng Nam và Trung ương Đoàn đây không chỉ là niềm vinh dự của cá nhân em mà còn là nguồn cảm hứng lớn lao cho toàn thể đoàn viên thanh niên nhà trường, khẳng định tinh thần khám phá sáng tạo và ý chí không ngừng vươn lên để góp phần xây dựng quê hương, đất nước”.

Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo khu vực miền Trung năm 2024 được tổ chức tại Đà Nẵng. Liên hoan với sự tham gia của các tỉnh, thành đoàn Cụm Bắc Trung bộ, Cụm Duyên hải Nam Trung bộ, Cụm Tây Nguyên. Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo là hoạt động thường niên do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức nhằm tuyên dương các công trình, đề tài, sản phẩm sáng tạo, cải tiến kỹ thuật hợp lý hóa sản xuất, làm chủ khoa học và công nghệ; đồng thời động viên, tôn vinh những cá nhân, tập thể có công trình, sản phẩm sáng tạo tiêu biểu toàn quốc.

Với tiềm năng và lợi thế sản phẩm thân thiên môi trường, phát huy nhiều công dụng trong đời sống hằng ngày, Thị đoàn Điện Bàn đã nhanh chóng liên hệ, yêu cầu Đoàn trường và cá nhân Đặng Vũ Nhân cung cấp thông tin chi tiết về sản phẩm, cách thức vận hành, mẫu mã, giá bán… để để hỗ trợ đăng tải quảng bá sản phẩm lên trang Ocopdienban.com, điều này góp phần nhanh chóng giới thiệu sản phẩm của Nhân đến với đông đảo người dùng trên thị trường.

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Đoàn trường THPT Hoàng Diệu tổ chức Hội thi Rung chuông vàng
Các tin cũ hơn:
Trần Thị Lâm – Tấm gương vượt khó
Hội Khuyến học thị xã tổng kết công tác khuyến học, khuyến tài năm 2024
Chương trình “Em làm chiến sĩ tí hon”
Lan toả phong trào học sinh làm thiện nguyện tại thị xã Điện Bàn
UBND thị xã tổ chức tuyên dương khen thưởng năm học 2023 – 2024
Trường THPT Nguyễn Khuyến ra mắt mô hình “Tổ tự quản phòng ngừa, ngăn chặn ma túy xâm nhập học đường”
Hưởng ứng Ngày Quốc tế người khuyết tật
UBND thị xã trao giải thưởng Phạm Phú Thứ - Điện Bàn lần thứ 8, năm 2024
Vun đắp truyền thông hiếu học ở làng Thanh Quýt
Trường THPT Hoàng Diệu ra mắt mô hình Dân vận phòng chống ma túy
    
1   2   3   4   5  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm