Nội dung chi tiết

Hướng dẫn chăm sóc, quản lý dịch hại cây trồng giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2025
Tác giả: Công Long .Ngày đăng: 14/01/2025 .Lượt xem: 8 lượt. [In bài]
Đến nay, cây lúa vụ Đông Xuân 2024 - 2025 đang giai đoạn mạ, bắt đầu đẻ nhánh, các loại cây màu giai đoạn phân cành, cây lúa đại trà bước vào giai đoạn đẻ nhánh; rau màu các loại giai đoạn phát triển thân lá, ra hoa tạo quả.

Tuy nhiên, theo dự báo thời tiết từ nay đến trước Tết Nguyên đán, thời tiết rét lạnh, nhiệt độ thấp kéo dài làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự sinh trưởng phát triển của các loại cây trồng. Mặc khác, đây cũng là giai đoạn bà con tập trung đầu tư chăm sóc để chuẩn bị đón tết, tạo điều kiện thuận lợi cho một số đối tượng dịch hại dễ phát sinh. Để quản lý sản xuất và dịch hại cây trồng giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, bà con cần lưu ý một số biện pháp chăm sóc và phòng trừ dịch hại cây trồng như sau:

1. Đối với cây lúa:

+ Biện pháp chăm sóc:

- Hiện nay, qua kiểm tra đồng ruộng nhiều diện tích lúa bị ngộ độc thuốc cỏ (gốc to hơn bình thường, cây đùn lại, lá thô cứng và ngọn bị xoắn). Với những ruộng lúa bị ngộ độc thuốc trừ cỏ hoặc những ruộng bị ngộ độc hữu cơ, nghẹt rễ - vàng sinh lý thì cần thay nước từ 1 - 2 lần, sau đó bón bổ sung thêm phân DAP (1- 2kg/sào) hoặc phun phân qua lá để lúa mau hồi phục.

- Do tình hình thời tiết rét lạnh kéo dài, bộ rễ lúa chậm phát triển, cây lúa hút dinh dưỡng kém nên lượng phân bón thúc lần 1 còn lại trong đất nhiều. Vì vậy, người dân cần kiểm tra ruộng, nhìn bộ lá của lúa để bón thúc với lượng phân phù hợp và cân đối. Tránh tâm lý bón nhiều phân trước tết để vui xuân trong điều kiện thời tiết âm u sẽ rất dễ bùng phát bệnh đạo ôn gây hại trên những diện tích bón thừa đạm (Urê).

- Về dịch hại, cần chú ý phòng trừ các đối tượng sau:

+ Đối với cỏ dại: Các chân ruộng còn sót cỏ thì cần kiểm tra sớm và phun xử lý thuốc hậu nảy mầm như Fenrim18,5 WP, Quinix 32WP, TopShot 60OD, Nomine 10SC, … không để cỏ mọc lấn át lúa làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của lúa. Sử dụng thuốc cỏ hậu nảy mầm khi lúa có 2-2,5 lá thật và sau 1-2 ngày phải cho nước vào đắp bờ giữ nước.

* Lưu ý

+ Thời tiết rét lạnh, không xử lý thuốc cỏ khi nhiệt độ thấp dưới 200C.

+ Để sử dụng thuốc trừ cỏ hiệu quả, cần tuân thủ liều lượng và hướng dẫn trên nhãn thuốc.

+ Đối với chuột:  Chuột hiện nay đang cắn phá mạnh, chủ yếu cắn tỉa, mài răng nên các địa phương cần tiếp tục xây dựng phương án diệt chuột xuyên suốt cả vụ, ưu tiên sử dụng bẫy để đặt trong giai đoạn này. Để sử dụng bẫy có hiệu quả, cần đặt bẫy trên đường đi của chuột vì chuột có đặc tính đi theo lối mòn.

+ Đối với tuyến trùng rễ:

Thời tiết lạnh kéo dài những diện tích không bón lót, ruộng khô nước thường xuyên, kiểm tra gốc rễ thấy có nốt sần, cây lúa kém phát triển. Ruộng bị nhẹ cần giữ mực nước 3-5cm trong ruộng kết hợp bón 1-2kg DAP/sào. Những diện tích bị nặng cần sử dụng thêm các loại thuốc rải như: SAT TRUNG DAN 5G kết hợp thêm phân bón lá để nhanh chóng phục hồi.

2. Đối với cây rau màu:

- Tranh thủ khi thời tiết nắng ấm cần tiến hành xới xáo, định vị lại cây trồng đã chết do ảnh hưởng mưa và sâu hại cắn phá.

- Bón phân thúc kịp thời, tăng cường bón thêm phân kali, phân lân, hạn chế bón đạm, để tăng khả năng chống rét cho cây trồng.

- Tùy từng loại cây trồng và giai đoạn sinh trưởng, chú ý tưới nước đảm bảo đủ độ ẩm cho cây phát triển.


    - Về dịch hại, chú ý các đối tượng sau:

+ Bệnh lở cổ rễ: Theo dõi và phát hiện bệnh sớm, nếu bệnh phát sinh gây hại nên dùng một trong các loại thuốc sau để phun trừ: Monceren 250SC, Validacin 3L, 5L, Anvil 5 SC,...

+ Bệnh thối hạch (do nấm Sclerotinia sclerotiorum) trên đậu cô ve lùn, lạc…: Tăng cường thăm đồng để kịp thời phát hiện bệnh, nhất là thời điểm nhiệt độ không khí xuống dưới 200C, dùng các loại thuốc như Nativo 750WG, Validacin 3L , 5L …để phòng trừ.

+ Bệnh giả sương mai trên cây họ bầu bí (khổ qua, dưa leo, bầu, bí...): Cần ngắt bỏ các lá già, lá gốc, bộ phận bị bệnh để hạn chế lây lan. Khi có bệnh gây hại, dùng các loại thuốc có hoạt chất Metalaxyl (Mataxyl 25WP, Ridomin Gold 68 WG…) hoặc Aliette 800WG để phòng trừ.

+ Bệnh phấn trắng: Phòng trừ bằng các loại thuốc như: Score 250 EC, Nativo 750WG...

+ Bệnh héo rũ trên cây lạc do nấm: Đặc điểm nhận biết bệnh là lạc chết từng phần, gốc lạc có nấm muội đen hoặc trắng xuất hiện. Bệnh sẽ phát sinh mạnh vào thời kỳ ra hoa, đâm tia, ẩm độ cao, sau các đợt mưa. Để hạn chế bệnh phát sinh gây hại nên phun phòng bệnh trước các đợt ra hoa hoặc sau các đợt mưa kéo dài bằng một trong các loại thuốc như: Monceren 250SC, Validacin 3L, 5L, Anvil 5 SC,...

+ Bệnh héo rũ trên cây lạc do vi khuẩn: Khi bị bệnh lạc héo rũ cả cây, sáng tươi tỉnh, chiều héo, vài ngày sau cây chết hoàn toàn. Nên tăng cường các biện pháp canh tác (thoát nước, xới váng, tiêu huỷ cây bị bệnh...), có thể phun phòng bằng các loại thuốc như: Kasumin 2L, New Kasuran 16.6 BTN, Xanthomix 20WP, Staner 20WP...

* Lưu ý: Đối với các loại rau đậu thực phẩm, chỉ sử dụng các loại thuốc được phép sử dụng trên cây rau và lưu ý thời gian cách ly của thuốc để sản phẩm rau thu hoạch đảm bảo an toàn; Áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM, ICM trên cây lúa. Hạn chế sử dụng thuốc BVTV khi lúa dưới 40 ngày tuổi để tránh bùng phát dịch bệnh cuối vụ.

[Trở về]
Các tin cũ hơn:
Số liệu thống kê chủ yếu năm 2023 thị xã Điện Bàn
Bổ nhiệm Phó Giám đốc Ngân hành Chính sách xã hội thị xã Điện Bàn
Hướng dẫn chăm sóc các loại cây trồng vụ Đông Xuân 2024-2025 trong điều kiện rét lạnh
Điện lực Điện Bàn tổ chức vệ sinh công nghiệp cách điện
Bế giảng lớp nghề kỹ thuật pha chế đồ uống tại phường Điện Ngọc
Giải pháp nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi trong mùa Đông
Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Điện Bàn tổ chức tập huấn hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã cho cán bộ, hội viên
Hội Nông dân các địa phương đồng loạt ra quân diệt chuột
Dự báo tình hình sinh vật gây hại trên cây trồng vụ Đông Xuân 2024 - 2025
PC Quảng Nam tri ân khách hàng năm 2024 với nhiều hoạt động thiết thực vì cộng đồng
    
1   2   3   4   5  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm