Nội dung chi tiết

NĂM THÁNG KHÔNG QUÊN
Tác giả: UBND Điện Bàn .Ngày đăng: 13/03/2009 .Lượt xem: 4577 lượt. [In bài]

Trần Lương

Đối diện với tôi là cụ ông năm nay đã tròn 83 tuổi, râu tóc bạc phơ, người gầy mảnh khảnh. Ông tên là Nguyễn Ngạn, sinh năm 1922 tại thôn Cẩm Văn, xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn. Khi biết tôi tìm hiểu về chặng đường hơn 50 năm về trước, đôi mắt của ông chợt trở nên xa xăm…

“… Đó là những năm tháng mà tôi không thể nào quên” – Ông Nguyễn Ngạn bắt đầu câu chuyện với một giọng trầm nhưng ấm và rõ. Vùng đất Cẩm Thành – Điện Văn – và bây giờ là Điện Hồng gắn bó máu thịt với cuộc đời ông. Tuổi thơ trôi qua trong tháng ngày cơ cực, chàng thanh niên Nguyễn Ngạn sớm trưởng thành và đã sáng suốt lựa chọn cho mình một con đường, lắm chông gai nhưng rất đỗi tự hào!

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã soi sáng cho bao cuộc đời tăm tối dưới gót giày thực dân và phong kiến. Nguyễn Ngạn hăng hái tham gia phong trào cách mạng, là dân quân tự vệ chiến đấu của xã Cẩm Thành. Từ năm 1948 – 1954, ông đảm nhận chức Trung đội trưởng đội chủ lực xã Điện Tiến, có mặt trong hai trận đánh đồi Bồ Bồ. Riêng trận đêm 19 rạng ngày 20/7/1954, đội chủ lực xã Điện Tiến do ông chỉ huy chịu trách nhiệm một mũi tấn công vào cứ điểm đồi 55 Bồ Bồ, góp phần không nhỏ vào chiến thắng lịch sử này.

Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết, đất nước tạm chia thành hai miền. Ông Nguyễn Ngạn cùng một số đồng chí nữa lên đường tập kết ra Bắc. Nhưng khi tới Bà Nàu (thuộc Tam Kỳ ngày nay), ông được tổ chức phân công quay trở về quê nhà tiếp tục hoạt động. Con đường đấu tranh cam go thực sự bắt đầu. Đó là những năm phong trào cách mạng ở Điện Văn nói riêng, Điện Bàn nói chung như ngàn cân treo sợi tóc. Các cơ sở cách mạng lần lượt bị vỡ dưới nhiều hình thức đánh phá của kẻ thù. Bản thân ông, từ năm 1954 đến năm 1967 đã 6 lần bị bắt giam ở các nhà lao Vĩnh Điện, Hội An. Lần ít nhất là mười mấy ngày, có lần 8 tháng, có lần 3 năm”… Thật sự là không lời nào kể xiết” – Ông Nguyễn Ngạn trầm ngâm – Địch đã dùng mọi thủ đoạn tra tấn dã man “đánh cho lòi cơ sở”, hết sám hối, thì đổ nước xà phòng, treo ngược người lên xà nhà, dùng xích xe đạp quất vào người và nhiều nhất là tra điện. Khi bị ngất xủi thì dùng nước lạnh tạt vào người, rồi lại tiếp tục đánh, tiếp tục tra hỏi. Ông đã kiên cường vượt qua tất cả sự hành hạ thể xác, bình tĩnh đối mặt với kẻ thù. Không moi được tin gì ở ông, địch đành thả ông về.

Năm 1966, ông giữ chức vụ Chủ tịch xã Điện Văn. Đến tháng 4 năm 1967, do bị chỉ điểm, cơ sở của ông bị lộ.  Lúc đó ông đang cùng một đồng chí phụ trách kinh tế của xã và một du kích ẩn dưới hầm sau vườn nhà ông Tải (Điện Văn). Địch phát hiện ra hầm và bao vây kêu gọi đầu hàng. Một thoáng hội ý chớp nhoáng, cả ba quyết định tung hầm, mở đường máu thoát hiểm. Đồng chí Nguyễn Khang bị bắn chết sau những đợt đạn đầu tiên, đồng chí Phạm Ngọc Giai chạy thoát, ông Nguyễn Ngạn trọng thương và bị bắt. Ông bị đưa về giam ở Hòa Cầm. Ở đấy, ông một mực khai mình là bộ đội ở núi vừa xuống đồng bằng, chưa liên lạc được gì với cơ sở. Ba ngày sau, địch đưa ông đến nhà lao tù binh ở Non Nước. Nhà lao này có phần “lỏng” hơn trong việc giam giữ. Tù nhân hàng ngày được ra sân phơi nắng, đi lại giữa nhà giam và nhà bếp. Chung quanh nhà lao được rào bằng nhiều hàng thép gai bùng nhùng. Nghiên cứu kỷ địa thế và tình hình, ông và 7 đồng chí nữa quyết định vạch kế hoạch vượt ngục. Lợi dụng mối quan hệ với nhà bếp, các ông đã lần lượt đem về nhiều tấm ván (củi) và tổ chức đào hầm xuyên qua các lớp rào. Công việc tiến hành chủ yếu vào ban đêm, luân phiên nhau người canh gác, người đào, người chuyển đất. Nhưng đến khi còn hai lớp rào nữa thì  bất ngờ bị phát hiện. Địch phân tán và giam cầm mỗi người một nơi, không cho quan hệ với bên ngoài. Cùng lúc đó, Hội đồng xã xác nhận bổ sung hồ sơ ông là Chủ tịch xã Điện Văn nên bị đưa về Hội An. Tại đây, ông đã hứng chụi nhiều hình thức hỏi cung, tra tấn dã man. Thân thể ông bị tổn thương rất nặng, nhất là phần cột sống. Địch đánh ông cả ngày lẫn đêm hòng bắt ông khai ra hoạt động cơ sở, nhưng bao giờ chúng cũng chỉ nhận được một câu trả lời “Tôi là Nguyễn Liên, bộ đội ở núi vừa xuống đồng bằng”. Không khai thác gì được, Nguyễn Ngạn lại bị chuyển ra Đà Nẵng, bị đưa ra Tòa án binh, địch kết án ông 21 năm tù. Ông chống án, bị đày đi nhà lao Cửu Sừng (đèo Mang Giang). Ở đấy 6 tháng, ông lại bị đưa về Đà Nẵng và đày đi Côn Đảo.

Tại Côn Đảo, ông Nguyễn Ngạn bị giam ở trại giam số 4. Trại giam này gồm 120 người. Sau một thời gian tìm hiểu, các tù nhân cũ đã tổ chức, hướng dẫn cho các tù nhân mới nhiều hoạt động để động viên tinh thần và chống lại chế độ hà khắc của trại giam. Chi bộ Đảng trong nhà giam được thành lập do một đồng chí ở Bến Tre tên là Ba Râu làm bí thư, ông Nguyễn Ngạn đựơc tín nhiệm làm phó bí thư. Chi bộ đã tổ chức sinh hoạt văn nghệ khơi dậy tinh thần lạc quan, niềm tin vào ngày mai chiến thắng; tổ chức để tang khi nghe tin Bác Hồ qua đời. Thường xuyên tổ chức chống chào cờ Mỹ - Ngụy và đấu tranh đòi cải thiện dân sinh, dân chủ. Mỗi buổi sáng, địch tập trung tất cả tù nhân để chào cờ Mỹ - Ngụy. Các trại giam đã liên kết đóng chặt cửa phòng giam từ bên trong, chống chào cờ, ăn cơm lạt, uống nước lạnh. Địch thường cho tù nhân ăn cơm ôi và thức ăn bằng các loại cá dành cho súc vật. Chi bộ nhà giam đã trở thành các ban đấu tranh, lấy máng thức ăn cuống thành loa, liên kết nhiều trại giam, đồng lúc phát loa ra các lỗ thông hơi, hô khẩu hiệu đòi cải thiện đời sống, đòi cho tù nhân đi tắm nắng. Các đợt đấu tranh ngày càng dày hơn, nhiều yêu sách hơn. Chi bộ nhà giam còn tổ chức các đợt tuyệt thực, làm chủ phòng giam để buộc địch thực hiện các chính sách cải thiện đời sống, sinh hoạt cho tù nhân. Những đợt tuyệt thực thường kéo dài từ ba đến năm ngày, đặc biệt có đợt đến 19 ngày. Muốn tổ chức những đợt tuyệt thực “dài hơn” như vậy phải có thời gian chuẩn bị khoảng hai tháng, giấu, để giành cơm khô, nước uống và cả thuốc men do bên ngoài tiếp tế vào. Địch đánh phá bằng cách ly khai từng người, mua chuộc, dụ dỗ như được gặp người thân và được tiếp tế lương thực, thuốc men. Những người đứng đầu tổ chức thì bị bắt biệt giam ở xà lim, chuồng cọp và chụi nhiều hình thức tra tấn, gông cùm.

Năm 1973, Hiệp định Pa-ri được ký kết, trao trả tù binh. Ông Nguyễn Ngạn được đưa về Chí Hòa, đến năm 1974 mới về tới Quân khu 5. Ông được tổ chức phân công làm Ban giáo vụ trường dân vận Mặt trận Quảng Đà. Sau ngày quê hương được giải phóng, ông về Đà Nẵng làm trong Ty thương binh xã hội. Đến năm 1978, ông nghỉ hưu.

Trở về quê trong vòng tay đầm ấm của gia đình, làng xóm, song ông Nguyễn Ngạn không có được tháng ngày an nhàn. Những cơn đau nhức do di chứng của tù ngục, gông cùm luôn trổi dậy cùng bao ký ức của một thời máu lửa vẫn luôn vang vọng trong ông. Với ông, đó là những tháng năm không  thể nào quên. Và với riêng tôi, lớp trẻ lớn lên trong hòa bình, độc lập, càng không được quên những hy sinh, mất mát của cha anh để giữ gìn mảnh đất thân yêu này.

 

[Trở về]
Các tin mới hơn:
NHÀ LAO VĨNH ĐIỆN
NHÀ YÊU NƯỚC LÊ ĐÌNH DƯƠNG
NHÀ YÊU NƯỚC PHAN THÀNH TÀI
BÀI THƠ CA NGỢI ĐỒNG CHÍ ĐINH TÙNG
BÀI THƠ THƯ NHÀ
MỘT HỘI PHÓ NHIỀU NGƯỜI CHƯA BIẾT
CÁI CHẾT NGHIỆT NGÃ CỦA PHẠM XANG
BA MẸ CON CÙNG MỘT CHI BỘ
GƯƠNG BẤT KHUẤT CHỐNG TỐ CỘNG
RA ĐI … QUYẾT TỬ !
    
1   2  
    
Các tin cũ hơn:
MỘT LÒNG TRUNG KIÊN VỚI ĐẢNG
MỘT CƠ SỞ CÁCH MẠNG
CÒN MÃI TUỔI HAI MƯƠI …
GIỮ MÃI PHẨM CHẤT ANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ
CHUYỆN NGƯỜI THIẾU NIÊN Ở LÀNG QUAN HIỆN
CHỊ MƯỜI NHẠN
LÊ TẬP VÀ CUỘC CHIẾN ĐẤU BẤT KHUẤT
NGƯỜI CÁN BỘ CÁCH MẠNG GAN DẠ
PHAN LAM – NGƯỜI CON GIÁNG LA BẤT KHUẤT
LÊ GIAI – NGƯỜI CON ƯU TÚ CỦA ĐIỆN MINH
    
1   2   3   4  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm