Ở tù, không những phải đấu tranh với địch, mẹ Nghĩa còn làm gương cho chị em, đồng đội trong tù. Mẹ kể : khi địch tra tấn tập thể bắt chị em ra ngồi xếp hàng, mẹ lúc nào cũng ngồi ở hàng đầu, nhiều chị em còn trẻ thấy thế khuyên răn, động viên mẹ ngồi sau để cho nhẹ phần tra tấn. Mẹ nói: Đối với quân thù mình phải kiên quyết, bất chấp mọi cực hình… thì chúng mới không khuất phục được. Khi địch khảo tra, chúng la hét, “con già này cứng đầu có phải không?”. Mẹ ung dung bảo chúng: “các ông hỏi người của các ông, bọn chiêu hồi, chỉ điểm các ông trả lương hằng tháng cho nó thì nó báo cáo đầy đủ, cụ thể rồi, tôi còn gì nữa mà khai. Thế các ông không tin người của các ông mà lại hỏi tôi à? ” Thế là tới tấp trận đòn thù đổ ập lên thân thể, khiến mẹ Nghĩa bao lần chết đi sống lại.
Vào nhà tù chứng kiến sự nham hiểm của kẻ thù bộc lộ khá kinh tởm. Đó là khi bọn địch dùng thủ đoạn lừa phỉnh chị em nữ tù trẻ: “Cứ quan hệ tình dục đi thì chúng tha”. Mẹ dùng mọi lời lẽ khuyên răn chị em đừng có dại mà làm điều xằng bậy, mắc bẩy quân thù làm cho chúng khinh thêm chứ không có tha đau. Trong tù mẹ còn đấu tranh với bọn địch yêu cầu nhốt riêng chị em tù chính trị chứ không nhốt chung với gái mại dâm, bọn cướp giật. Theo mẹ “bọn này với giặc là một”, phải cảnh giác với bọn này bởi chúng do địch cài nắm tình hình đấu tranh của chị em nữ tù.
Không còn nổi đau nào mà mẹ Nghĩa không trải qua ttrong suốt cuộc đời hoạt dộng của mình. Nhưng có lẽ nổi đau lớn nhất của mẹ là đã mất người con trai duy nhất – anh Nguyễn Thành Tụ, cán bộ Ban an ninh Quảng Đà, phụ trách Công an huyện Điện Bàn hy sinh trên đường đi công tác. Mẹ được tin anh Tụ hy sinh khi còn đang ở nhà tù Hội An, vào tháng 5/1973. Biến đau thương thành hành động cách mạng, mẹ Nghĩa đã đi đầu trong các hoạt động đấu tranh trong tù, cho đến cuối năm 1973, địch buộc phải trả tự do cho mẹ.
Ra tù mẹ Nghĩa tiếp tục hoạt động công tác phụ nữ của huyện Điện Bàn cho đến ngày quê hương giải phóng. Cuối năm 1975, thêm một nổi đau nữa lại đến với mẹ Võ Thị Nghĩa – người dâu hiếu thảo của mẹ bị chết trong chiến dịch khai hoang vỡ hóa, để lại cho mẹ 5 đữa cháu, đứa lớn nhất mới 16 tuổi. Trong chồng chất đau thương, mẹ Nghĩa vẫn đứng vững, tần tảo nhận thêm ruộng khoán, nuôi thêm heo bò, một nắng hai sương nuôi 5 đứa cháu. Nay cháu mẹ ai cũng thành danh, có công ăn việc làm, trong đó có 2 cháu nội theo ngành Công an. Dường như niềm vui trong tuổi xế chiều của mẹ Nghĩa (mẹ nay đã 93 tuổi) là từ sự thuận thảo của con cháu, sự kính yêu của bà con lối xóm.
Điện Tiến có được ruộng lúa, nương ngô hôm nay chắc chắn có một phần cống hiến từ những người phụ nữ kiên trung bất khuất như mẹ Cọng, mẹ Nghĩa – Bà mẹ Việt Nam anh hùng : cựu tù nữ; thương binh 2/4.