Là xã thuần nông, hằng năm ngoài việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh, phần lớn người dân ở xã Điện Phong đều tập trung chăn nuôi gia súc, gia cầm mà chủ yếu là chăn nuôi heo hướng nạc, nuôi bò sinh sản. Nhờ vậy mà những năm qua ngành chăn nuôi Điện Phong mang lại nguồn thu nhập đáng kể giúp người dân xoá đói giảm nghèo vươn lên làm giàu. Do thời tiết ngày càng khắc nghiệt, rút kinh nghiệm qua những trận lũ lụt lớn những hộ chăn nuôi ở đây đã có cách đối phó theo cách riêng của mình bằng cách xây dựng “chuồng tầng” để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm trong mùa mưa lũ. Tuỳ theo túi tiền và số lượng đàn gia súc, gia cầm của từng gia đình mà mỗi chuồng trại này xây dựng theo diện tích rộng, hẹp khác nhau.
Đứng trước công trình chuồng tầng được xây dựng kiên cố bằng bê tông cốt thép, cao hơn mức nước lũ năm 2009 với diện tích trên 15 m2, anh Phan Phước Biết hộ chăn nuôi ở thôn Thi Phương tâm sự, để bảo vệ tài sản của mình gia đình anh đã đầu tư gần chục triệu đồng để xây dựng phục vụ cho việc chăn nuôi trong mùa mưa lụt. Mùa khô thì chăn nuôi bò dưới tầng trệt mát mẻ, đến khi mùa mưa lụt đến dòng nước lũ trên thượng nguồn tràn về, đàn bò hơn chục con cùng với cặp heo nái sinh sản được đưa lên tầng cao vừa an toàn lại vừa tiện bề chăm sóc.
“Những năm trước khi chưa xây được công trình chống lũ này nên hễ cứ mùa mưa lụt kéo đến cả nhà lo lắng, mất ăn, mất ngủ vì đàn bò gần chục con, là tài sản chính của gia đình không có nơi cao ráo để tránh. Có năm vì sợ lũ lớn nên đành phải bán đi một nữa số con trong đàn. Nắm được điểm yếu này tư thương o ép giá nhưng đành phải bán tháo, bán đảo mà trong lòng cứ tức anh ách. Cũng có không ít gia đình phải trắng tay vì đàn gia súc, gia cầm bị nước lũ cuốn trôi” Anh Đoàn Soàn ở thôn Tây An tâm sự như vậy.
Không chỉ là nơi trú ngụ cho đàn gia súc, gia cầm trong mùa mưa lụt, những công trình chống lũ này còn làm nơi chứa đựng nguồn thức ăn dự trữ cho đàn gia súc, gia cầm trong suốt mùa mưa lụt.
Ông Phan Phước Long - Chủ tịch xã Điện Phong cho biết thêm: Chỉ với số tiền từ 5-7 triệu đồng người dân có thể xây dựng được những “ chuồng tầng” cao ráo bằng bê tông, cốt thép kiên cố để đàn gia súc, gia cầm tránh được những trận lũ lụt lớn. Và thực tế đến nay ở xã Điện Phong đã có trên 500 hộ chăn nuôi xây dựng theo mô hình này. Thêm vào đó, những ngôi “ nhà tầng “ này không phải tốn nhiều diện tích cũng như kinh phí xây dựng và chỉ cần xây dựng kiên cố một lần nhưng có thể sử dụng lâu dài. Mùa nắng ráo các hộ chăn nuôi dùng tầng trệt để chăn nuôi, đến mùa mùa mưa lụt họ lại đưa đàn gia súc, gia cầm lên tầng cao để bảo vệ tài sản của mình trước những diễn biến ngày càng phức tạp của thiên tai, thời tiết.