Cảnh tượng hãi hùng đó xảy ra vào một đêm tháng 3 năm 1956. Sáng ra, chúng giải cha và chú tôi vào lao xá Vĩnh Điện, rồi đày xuống Hội An tiếp tục tra tấn, khai thác tin tức về cách mạng. Nhà cửa bị tịch thu niêm phong, tài sản bị chúng cướp hết, mẹ tôi phải đưa chị em tôi vào nương nhờ trong nhà thờ tộc. Gia đình tôi bị bọn giặc liệt vào danh sách “Cộng phỉ”, hằng đêm chúng bắt mẹ tôi đến nhà tên thôn trưởng Nguyễn Xảo chịu hình phạt sám hối mà chúng gọi là để “tố cộng, diệt cộng” cho đến tận sáng hôm sau.
Gần hai tháng trời dò tìm, mẹ tôi mới biết được tin tức về cha tôi. Mẹ dắt tôi đi thăm. Hôm ấy, trại tù Hội An trưa hè nắng đổ lửa, chen mãi mới vào được tới nơi, mẹ xin tên lính canh cho gặp cha. Trong sân tù, một người đang bò lết một cách khó nhọc, quần áo rách tả tơi, mình mẩy thương tích, thân hình gầy gò tàn tạ. Ông bò thẳng đến tôi và khẽ gọi: “Bốn ơi! lại cha biểu con!”. Tôi thấy lạ quá, sợ hãi khóc thét lên” “Ông đó không phải là cha tôi!”. Mẹ tôi khóc nức nở, ôm tôi vào lòng, mọi người xung quanh cũng bật khóc…
Đó là kỷ niệm buồn trong quảng đời thơ ấu mà chị Nguyễn Thị Bốn tâm sự với chúng tôi về cuộc đời và gia đình của mình trong những tháng năm sống dưới chế độ Mỹ Diệm.
Trả thù cho cha, rửa hờn cho mẹ đã nung nấu trong lòng chị khi còn ở độ tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, 12 tuổi. Bốn đã được các chú Hội Sơ, Nguyễn Hữu, Lê Văn Hiến, chú Mười Có… tin tưởng bàn với mẹ chị, giao nhiệm vụ cho Bốn vừa chăn trâu, đào hầm, vót chông, vừa cảnh giới bảo vệ cơ sở cách mạng. Ngày ngày, chị cùng chị Bống nhận thức ăn của người cô và mẹ đem đến miếu Bà cho các chú, các anh ở hầm bí mật ăn uống.
Chiến công đầu tiên của chị là cùng anh em du kích diệt ác phá kiềm tại xã Điện Tiến.
Sau thành tích đó, Bốn được bổ sung vào đội du kích mật của xã và học thêm lớp y tá để phục vụ cứu thương.
Năm 1965, làng Châu Sơn bị bọn giặc dùng máy bay ném bom Napan. Trận bom đó, người chị đầu của Bốn bị thương nặng, nhà cửa, tài sản bổng chốc thành đống tro tàn nhưng các đồng chí cán bộ vẫn được bảo vệ an toàn, mẹ chị một lần nữa phải dắt díu các con vào làng ở nhờ nhà bà con.
Dẫu gia đình mất mác, đau thương nhưng vẫn không làm cho Bốn nhụt chí chiến đấu. Đầu năm 1968, biết tin địch ở đồn Bồ Bồ tổ chức càn quét tại thôn Châu Sơn. Trước tình hình đó, hai anh Đoàn Ngọc Dân (xã đội trưởng) và Đổ Thính (xã đội phó) đã hội ý đề ra phương án đánh địch chớp nhoáng dùng mìn cờlâymơ (loại này đựơc kích nổ bằng hệ thống đánh lửa điện). Bốn và Phương được phân công đánh trận này, tiêu diệt và làm bị thương 4 tên, bọn địch buộc phải rút lui về đồn.
Cũng trong năm ấy, trong một trận càng quét lớn, địch bắt nhiều người dân và một số cán bộ hợp pháp ở Điện Tiến; không may, lần đó chị Bốn cũng bị sa vào tay giặc do người cùng làng khi bị địch bắt tra tấn không chịu đựng nổi đã khai báo tên thật của chị là Nguyễn Thị Bốn, du kích xã. Bọn địch bắt được Bốn, chúng liền tách riêng chị và một số người khác ra đưa về chợ mới Ba Xã (nơi tiểu đoàn 51 ngụy đóng quân) để tra khảo.
Chị Bốn nhớ lại: Ngày ấy, bọn chúng lôi tôi từ phòng giam lên để tra khảo, tên trung sỹ Hòa khét tiếng ác ôn gào lên: “Nguyễn Thị Bốn đâu?”. Tôi vẫn im lặng. Hắn đảo lại phía tôi, nắm tóc giật ngược ra sau, rồi hét: “Đ.M mày, sao tao gọi mày không trả lời”. Tôi vẫn bình tĩnh nói: “Ông nhầm rồi, tôi không phải là Bốn mà là Nguyễn Thị Năm”, “Tao không cần biết mày là Bốn hay Năm, chỉ biết mày là Việt Cộng nòi là đủ rồi…” Bọn chúng lao vào đánh đá túi bụi và kéo tôi vào thùng tônét, buộc tôi phải cởi hết áo quần ra, tôi chống cự quyết liệt. Tụi giặc như những con dã thu xông vào với những ngón tay gân guốc cào cấu, xé nát quần áo tôi. Tôi càng le hét giẫy giụa kháng cự, chúng càng rú cười mạng rợ. Bọn khác máu lại lôi tôi ra, trói chặt tay tôi ra sau, buộc tôi lên một tấm ván, tiếp tục một đợt tra tấn mới. Dùi cui, gậy gộc, tiếng gầm rú của bọn giặc liên tục trút vào thân thể tôi. Tôi ngất lã đi dưới làn dùi cui, giày đinh tàn khốc của bọn đồ tể. Một thùng nước đổ xòa vào mặt làm tôi bừng tỉnh dậy trong giây lát. Nước mắt, nước mũi và cả căm hờn tuôn xối xả. Sau trận tra tấn dã man, thấy vẫn không lấy được lời khai của tôi, bọn chúng lại tiếp tục đổ nước ớt, nước xà phòng vào mũi, vào miệng tôi, móc lật sườn ra và nhận đầu tôi xuống thùng nước xà phòng cho đến khi ngạt thở. Nước ớt, nước xà phòng chui vào trong mũi, trong dạ dày xộc lên buốt đến tận não, xót đến tận cùng tim gan, ho sặc sụa. Tôi chưa kịp hoàn hồn, bọn chúng kéo tôi ra, đặt lên bụng tôi một tấm ván rồi chận mạnh, ép nước từ bụng tôi trào ra mũi, ra miệng. Thằng Hòa vẫn ra rả bên tai tôi: “Nguyễn Thị Bốn, mày làm gì cho Việt Cộng, đồng bọn của mày đang núp ở đâu, chỉ huy của mày là ai? Mau khai ra!” Tôi vẫn một mực: “Tôi là Nguyễn Thị Năm, tôi không biết ai cả”. Bọn chúng lại tiếp tục gí dây điện vào người, toàn thân tôi co rúm lại, lúc này tôi đã bị tê liệt hoàn toàn, chẳng còn biết gì về xung quanh. Cứ như vậy, bọn chúng lại dội nước, lại đánh, lại gầm rít, lại đổ nước ớt và xà phòng, lại gí điện hòng moi móc ở tôi các thông tin về cách mạng. Tôi bất tỉnh, rồi lại tỉnh, hét lên vì đau đớn, rúm người vì điện giật, rồi lại tỉnh…
Tỉnh dậy, áo quần không còn, người bê bết máu, lằn roi xé toạt da thịt, thân thể đau buốt, bầm tím và tê dại vì đòn thù, nhưng bọn địch vẫn không moi được bất cứ thông tin gì về cách mạng nên phải giải tôi về Vĩnh Điện. Tại đây, bọn địch tiếp tục tra khảo tôi bằng những ngón đòn tàn bạo thừa chết thiếu sống, nhưng vẫn không khuất phục nổi ý chí cách mạng của tôi. Sau gần 30 ngày tra tấn, chúng đưa tôi xuống nhà tù Hội An nhốt vào xà lim và khảo tra 10 ngày ròng rã, rồi lại chuyển vào phòng giam K. Tại đây, tôi được cô Mận, chị Quyết, chị Ba Ngọ và các bạn tù thay nhau tận tình chăm sóc, giúp đỡ nên sức khỏe dần hồi phục để đương đầu với những trận đòn tra tấn tiép theo của địch.
Đầu năm 1969, các phòng giam đầy ắp tù nhân, không còn chổ chứa. Trước tình hình đó, chị Tùng, cô Sáu Ca, chị Quyết, chị Mận, chị Ba Ngọ và tôi cùng một số chị em khác trong tù tổ chức đấu tranh yêu cầu đòi địch phải cho thả tự do số người già và trẻ em cũng như số bệnh tật. Để dàn áp phong trào, chúng xả súng thẳng vào các nhà giam, không cho nước tắm rửa, đóng kín các lỗ thông hơi của phòng giam. Thức ăn chỉ là các món ôi thiêu. Trong điều kiện lao tù hà khắc, tôi cùng những nữ tù nhân khòng K và các phòng khác vẫn không nao núng, tìm cách liên lạc, sát cánh bên nhau đấu tranh với địch, buộc chúng phải thả bớt số người già và trẻ em.
Qua vụ nổi dậy, bọn giặc phát hiện nhà lao Hội An có một số tù nhân chúng cho là ngoan cố trong đó có Nguyễn Thị Bốn. Số tù trên chúng giam vào phòng F cấm cố và dùng mọi thủ đoạn để đàn áp tinh thần như: không cho dùng nứơc sinh họat, ăn uống bữa có bữa không, chiếu điện cao áp vào phòng suốt ngày đêm… nhưng chị em tù nhân vẫn giữ vững chí khí kiên trung, không hề dao động trước đòn thù.
Vào một buổi sáng sớm tháng 4/1969, để uy hiếp tinh thần, địch tung lựu đạn cay và bắn xối xả vào phòng F, dùng loa lệnh cho tất cả phải nằm im. Khi 3 lớp cửa tù đã mở những họng súng đen ngòm chĩa vào, chúng trói tay mọi người và đày số tù này đi khám Chí Hòa, sau đó, chúng chuyển chị vào nhà tù Thủ Đức, mang số tù là HC.15312.
Tại nhà tù Thủ Đức, chị Bốn cùng các chị Phạm Thị Ngọ, Lê Thị Quyết và chị em tù ở Sài Gòn tìm cách móc nối liên lạc để tổ chức đấu tranh như: tuyệt thực, đòi một số yêu sách chống đàn áp tù nhân, đòi bọn cai ngục trả tự do cho những người tuổi cao, sức yếu, bệnh tật và trẻ em, chống thủ tiêu tù nhân (vì chúng tôi biết trong đêm đó bọn địch sẽ đưa đi thủ tiêu một số chị em, trong đó có chị Nguyễn Thị Cẩm và chị Lan…), chống chế độ hà khắc, đòi cải thiện bữa ăn…Một kỷ niệm sâu sắc ở nhà tù Thủ Đức, đối với chị là ngày mồng 3/9/1969, nhận đựơc tin buồn Bác Hồ qua đời, chị em bạn tù ôm nhau khóc nức nở. Để tưởng nhớ Bác, chị em tù nhân đem những chiếc khăn trắng vừa mới thêu cắt thành những mảnh khăn tang để tổ chức lễ truy điệu Bác. Bọn giám thị trại giam phát hiện, chúng kéo còi, đánh kẻng báo động cho quân cảnh tràn vào đàn áp.
- Ai tổ chức để tang Hồ Chí Minh? – Bọn địch hỏi.
Tất cả một lời: Bác Hồ là vị lãnh tụ của đất nước Việt Nam, chúng tôi là dân của nước Việt Nam thì phải tôn kính tưởng nhớ Người. Vậy là dùi cui, hơi cay, vôi bột … chúng thẳng tay dàn áp, đánh đạp, khảo tra nhưng không thể nào ngăn được tình cảm của chúng tôi đối với Bác Hồ”.
Tháng 1/1969, không đủ cơ sở kết tội, địch đành phải “trả tự do” một số tù nhân, trong đó có Nguyễn Thị Bốn. Chúng dùng xe GMC chở bỏ các chị giữa đường phố ngã tư Bảy Hiền. Giữa đất Sài Gòn, không một hành lý tư trang, không một đồng xu dính túi, các chị em tù đã dẫn Bốn vào nương ở chùa Ấn Quang. Các sư sãi và đồng bào cảm thông những người tù chính trị, đã cưu mang lo chu tất cơm ăn và lộ phí để các chị trở về Quảng Nam.
Như đứa con bao tháng ngày lưu lạc, mất tích, vừa đặt chân lên đất làng, chị Bốn đã không thể nào nén được dòng lệ ứa. Trước mặt chị, làng quê Châu Sơn tiêu điều, xơ xác, đồng bào, đồng đội bị giặc sát hại, người chị thứ nhất và thứ hai của chị đều đã hy sinh, lòng chị xót xa đau đớn và căm phẫn vô hạn lũ giặc bạo tàn. Gặp lại mẹ, tủi tủi, mừng mừng, chưa kịp hàn huyên cho thỏa nổi nhớ của những ngày xa cách, chị vội vã chia tay lần tìm cơ sở, tiếp tục họat động, chiến đấu.
Tháng 2/1970, chị Bốn được tổ chức phân công giữ chức xã đội phó kiêm y tá phụ trách công binh thay cho công việc của đồng chí Cả, xã đội vừa hy sinh. Nhận nhiệm vụ mới, chị được anh Lê Minh Trung hướng dẫn thêm cách tháo gỡ, chế tạo và đặt mìn, gài lựu đạn. Để có vũ khí đánh giặc, chị cùng anh em du kích dò tìm những bom chưa nổ chôn vùi trong lòng đất, khéo léo tháo kíp, lấy thuốc nổ để chế tạo mìn. Chị kể: “Hồi đó vũ khí đánh giặc rất khan hiếm, nên chúng tôi nghe ở đâu có ném bom là lần tới để tìm những quả bom chưa nổ đem về. Tôi được anh Ngọc Dân phân công cùng với chị Tám Yến, chị Đằng ra tận Hòa Lợi (vùng thuộc vành đai trắng), để tìm kiếm thu gom các quả mìn và lựu đạn mà địch gài lại”. Về địa phương, chị tổ chức cho các em thiếu nhi là du kích mật đánh nhỏ lẻ bằng mìn tự tạo và đồng đội tham gia bắn 2 quả bom loại 500kg vào đồn Bồ Bồ, đánh sập cầu Cẩm Lý 2 lần, làm thiệt hại nặng nề cho quân địch. Giặc gom dân, lập ấp, “nống” quân đóng đồn củng cố thêm nhiều điểm trọng yếu. Vườn Bác Chước là một cứ điểm quan trọng, địch đóng quân cắt đứt liên lạc của các xã Đại Hiệp, Điện Xuân, Điện Tiến từ cánh Bắc vào và cánh Nam ra. Đồn ở giữa đồng trống, bên cạnh con sông hiểm trở (nhánh tẻ của sông vào giao cho trung đội du kích xã hạ quyết tâm tiêu diệt cứ điểm này. Sau khi nghiên cứu và nắm chắc quy luật hoạt động của địch tại đồn Bác Chước, nhận thấy không thể tổ chức đánh theo kiểu du kích công đồn vào ban đêm, chị cùng chị Ngô Thị Mành (tức là Mai) cùng nhau lên phương án: đặt mìn đánh địch ban ngày nơi bọn Mỹ thường ra tắm. Phương án được ban lãnh đạo xã chấp nhận, một quả mìn khoảng 7 kg với 4 ngòi nổ được gấp rút chế tạo. Đêm đó chị và chị Mành chuyển quả mìn về nơi quy định. Suốt đêm, cả hai không chợp được mắt, cố mong cho thật mau sáng. Linh tính của người mẹ dường như đoán được nhiệm vụ mà con gái của bà sắp sửa thực hiện là rất nguy hiểm, bà cũng thao thức đi lại không ngủ. Trời chưa sáng, bà đã bóc vội cũ khoai và bảo: “các con ăn lót dạ rồi đi làm…”, gương mặt bà thoáng một nỗi âu lo.
Giấu quả mìn vào đôi quang gánh xong thì trời cũng tờ mờ sáng. Khi con gà cất tiếng gáy. Con te te kêu xé lòng từ phía bờ sông vọng lại cũng là lúc chị lên đường làm nhiệm vụ. Sáng hôm ấy, sương giăng phủ một lớp khói màu trắng khắp nơi, hai chị em vác cuốc, gồng gánh trên vai “đi làm đồng” cùng với những người dân đã được bà Châu vận động đến để cùng tham gia che mắt địch. Bến sông này dốc khá cao, đi lên và xuống phải theo từng bậc một. Nhìn trước ngó sau, chị dọn lại từng bậc cấp để Mành giả vờ gánh nước dưới sông lên tưới dám thuốc lá một cách bình thường. Theo kế hoạch định trước, chị nhanh chóng đào lổ đặt quả mìn ở mức tối đa. Xong việc, cả hai luồn theo bờ sông trở về nơi quy định để quan sát tình hình. Đúng như dự đoán, 9 giờ 30 phút sáng ngày 12 tháng 2 âm lịch năm 1970 từ đồn Bát Chước, cả trung đội Mỹ kéo hàng ba, hàng tư ra tắm. Đến bờ sông theo thường lệ, chúng tụ tập ngay bậc bước xuống, Một tên Mỹ vừa bước chân đến bậc thứ hai thì một tiếng nổ long trời lỡ đất, cột khói và những mãnh đen hất tung lên cao, trung đội lính Mỹ tan xác gần hết trong nháy mắt. Vài tên Mỹ còn sống sót tháo chạy về đồn, bọn Mỹ ở đồn Bồ Bồ kinh hoàng khi nghe tin số Mỹ này bị tiêu diệt. Chúng cho gần cả chục máy bay trực thăng quần lượn bắn roocket xối xả dọc bờ sông, dọn đường cho 3 tàu bay HU1A hạ cánh để thu dọn xác lính Mỹ chết và bị thương. Địch rút quân khỏi cứ điểm đồn Bát Chước. Tin trận đánh ngay tối hôm đó đã được đài BBC và Hoa Kỳ đưa tin. Trận đánh thành công vang dội, cán bộ, anh em du kích và nhân dân vui mừng khôn tả.
Từ thành tích của trận đánh trên, xã đội phó Nguyễn Thị Bốn được cấp trên tuyên dương khen thưởng danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ, Dũng sỹ quyết thắng”…và điều vinh dự lớn lao nhất là chị đực kết nạp vào hàng ngũ của Đảng. Sau đó, trở thành Đảng ủy viên phụ trách Trưởng Ban binh vận xã, cùng nhân dân tổ chức đấu tranh chống lại các đợt càn quét của địch, móc nối một số binh lính giác ngộ cung cấp tin tức cho cách mạng.
Đến cuối năm 1971, do yêu cầu công tác, Huyện ủy Điện Bàn. Sau một thời gian, chị được cử đi học văn hóa tại trường bổ túc công nông tỉnh Quảng Đà. Năm 1974, trong chiến dịch giải phóng Thượng Đức, chị đã cùng một số đồng đội của trường tham gia chiến dịch với nhiệm vụ cứu thương.
Ngày 29 tháng 3 năm 1975, cùng đoàn quân giải phóng tiến về tiếp quản Đà Nẵng, chị đựơc tổ chức phân công công tác tại Ty lương thực Quảng Nam – Đà Nẵng, đến năm 1971 thì nghỉ hưu. Trở lại cuộc sống của một người dân bình dị, vượt qua bao khó khăn, chị Bốn cùng chồng nuôi dạy các con ăn học trưởng thành.
Thời gian rồi sẽ qua đi, cuộc chiến tranh ác liệt của ba mươi năm về trước rồi cũng lùi về quá khứ, nhưng những ký ức về những ngày tháng đầy gian khó và những lần gặp nhau của chị và đồng đội. Ở đó, mọi người vẫn thường hay nhắc nhiều về những chiến sỹ năm xưa trong đó có chị Người nữ tù mang số HC.1531215.
(Ghi theo lời kể của chị Nguyễn Thị Bốn)