Nội dung chi tiết

ĐỐI MẶT VỚI TỬ THẦN
Tác giả: UBND Điện Bàn .Ngày đăng: 14/03/2009 .Lượt xem: 4499 lượt. [In bài]

Lương Mỹ Linh

Cẩm Văn, 5 giờ sáng ngày 29 tháng 4 năm 1962. Xe dừng. Hai tù nhân bị đẩy xuống. Thân hình tiều tụy. Áo quần tả tơi, bê bết máu. Hai cánh tay bị trói giật ra sau. Hai người trói chung bằng một sợi dây thừng ở hai đầu. Bọn dân vệ, Hội đồng xã, kẻ đạp, người quất roi túi bụi vào hai tấm thân rách mướp. Quán Thám. Nhà ông Sáu Ngạn. Bãi sông. Nơi chôn nhau cắt rốn là đây. Từng tấc đất, bãi mái, dòng sông gắn liền với bao kỷ niệm ấu thơ. Cả cơn gió ngọt lành buổi sáng cùng những ngọn cỏ đẩm sương, sao hôm nay bổng nóng bỏng dưới đôi chân thô ráp. Và thấp thoáng xa kia nữa, sau những bụi tre, bờ rào, những ánh mắt xót xa, căm phẫn, những lưng áo nâu bạc màu. Quê hương ơi, mẹ cha, họ hàng, cô bác và cả người vợ thân yêu vừa mới cưới…Vĩnh biệt tất cả, chúng con ra đi, trên vai còn trĩu nặng nợ nước, tình nhà. Tuổi xuân có sá gì, tiếc rằng, sự cuộc đang còn dang dở…

“Dừng lại!” Âm thanh khô khốc phát ra từ miệng tên quận trưởng Chiểu. Đầu sợi dây thừng kia đã tới sát bờ sông. Đó là Nguyễn Tình. Đầu sợi dây này là Trần Khải. Khoảng cách giữa hai người là 5m. Sợi dây thừng bị kéo căng. “Phụt”, nhát dao ắc, ngọt, chặt đứt ngay đoạn dây. Nguyễn Tình quay mặt vệ hướng sông. Đầu ngẩng cao. Không cần bịt mắt. Một loạt Tom – xông vang lên. Nguyễn Tình ngã sấp xuống mép nước. Trần Khải mím chặt môi. Vĩnh biệt bạn! Bây giờ tới lượt tôi. Lời thề sống chết có nhau của chúng mình trong những ngày đồng cam cộng khổ sắp thành hiện thực…

“Cạch!” – Lại một âm thanh khô khốc. Trấn tĩnh rất nhanh. Trần Khải chợt hiểu: Súng không nổ. Giọng tên quận trưởng: “Thôi, tha cho nó!”. Nòng súng lại dí vào lưng cùng tiếng quát: “Quay lại, lên xe!”. Chiếc Zép rùng mình, rú máy, lao về hướng Vĩnh Điện…

Hơn 40 năm trôi qua, cảm giác giữa ranh giới sự sống và cái chết trong buổi sáng hôm nào vẫn còn nóng bỏng trong tâm trí ông Trần Khải. Phát súng định mệnh ấy đã không chấm dứt cuộc đời ông, nhưng lại đẩy ông đến với nhiều lần sống dở, chết dở. Đó là những năm tháng bị đày đọa trong lao tù của Mỹ - Ngụy. Và cũng chính giây phút đối mặt với tử thần trong buổi sáng đó đã tăng thêm ý chí kiên cường, bất khuất trong ông, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng. Vì thế, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, Trần Khải cũng dũng cảm vượt qua, kiên trung tranh đấu cho đến ngày tự do, độc lập.

Trần Khải sinh năm 1936 tại làng quê giàu truyền thống cách mạng Cẩm Văn, Điện Hồng. Ông tham gia cách mạng rất sớm, năm 1953-1954 làm giao liên trong đội công tác xã Điện Tiến. Năm 1954 – 1960 là cơ sở du kích mật ở Cẩm Văn. Năm 1960-1962, ông thóat ly lên đội công tác Điện Bàn; tổ chức cho ông đi học rồi đưa về đứng chân tại quê nhà. Năm 1962, thực hiện chủ trương của Khu ủy và Quân khu V về mở đợt hoạt động phá vỡ hệ thống kiềm kẹp của địch ở đồng bằng, Tỉnh ủy chủ trương phát động đồng khởi vào ngày 26.4.1962 tại các huyện phía Bắc của tỉnh. Để tiến hành đồng khởi, Huyện ủy chủ trương tập trung phát triển thực lực cách mạng, tổ chức nắm tề ngụy, gia đình binh sĩ ngụy, xây dựng cơ sở trong lực lượng địch, xây dựng công sự, hành lang, bố trí lại hệ thống giao liên…

Cẩm Văn nằm trong tuyến hành lang từ Điện Thọ qua Đa Hòa, Túy La (Điện Hồng) để qua Phú Mỹ - Điện Quang của vùng Gò Nổi. Đội công tác của xã vừa hoạt động hợp pháp vừa bất hợp pháp, hỗ trợ nhân dân diệt ác, phá kìm.

Tối ngày 25.4.1962, đội vũ trang của huyện, các đội công tác của xã đã ém quân sẵn ở các địa bàn. Giờ G được quy định là 17 giờ ngày 26.4.1962, các lực lượng của ta đã đồng loạt đánh vào các mục tiêu của địch. Ở Kỳ Quang và Kỳ Tân (Điện Hồng), đồng chí Lê Thành Tân, thường vụ Huyện ủy phụ trách cùng đội công tác và du kích xã đánh vào cơ quan Hội đồng xã, bắt gần toàn bộ mâm tề. Vừa lúc ấy, gặp một xe công dân vụ của Ngụy đi từ Vĩnh Điện lên Đại Lộc, ta tấn công xe, bắt 7 tên công dân vụ, đốt xe. Chủ trương đồng khởi bước đầu thắng lợi , ta làm chủ tình hình cả ngày 27, tổ chức mitting nhân dân, đưa bọn tề bị bắt ra tố cáo tội ác và buộc chúng nhận tội, rồi thả cho về. Sáng ngày 28, địch đưa lực lượng Trung đoàn 6, Sư đoàn 2 ngụy quân tiến công đánh chiếm lại. Đội công tác và du kích tạm rút. Bọn tề ngụy được thả ngày hôm trước quay lại dẫn bọn tay sai, ngụy quân ngụy quyền lùng sục, bắt bớ, tra hỏi. Những mũi chó săn đã đưa các gót giày đinh tàn bạo giẫm nát  xóm làng. Trần Khải và Nguyễn Tình bị bắt. Địch tống tất cả lên xe, đưa về nhà lao Vĩnh Điện. Từ 15 giờ đến 22 giờ đêm, đòn, roi…liên tiếp quất lên cơ thể. Ngất xủi, tạt nước cho tỉnh, rồi lại ngất đi. Đến khi không thể nào tỉnh được nữa, bọn dã man quẳn tấm thân bê bết máu xuống xà lim. Trần Khải được anh em đưa nước và 4 viên trạch đá hoàn. Cố gắng nuốt tất cả vào người, ông nằm mê man, mồ hôi túa ra ướt đẫm. Mấy giờ trôi qua cũng không rõ, lại thấy bị dựng ngược dậy, lôi lên xe bịt bùng. Khi cửa mở, đã thấy mình đứng giữa mảnh đất quê nhà…

Không chết, lại quay về nhà lao Vĩnh Điện. Vẫn những đòn tra tấn như rút từng sợi gân trong người. Vẫn những câu hỏi: “Ai cầm đầu?...Đồng bọn của mày đâu?..” Và cũng chỉ một câu trả lời: “Cầm đầu chính là tao. Còn đồng bọn à, cả làng, cả xã, chúng mày muốn bắc, muốn giết tất cả ư?”. Ở nhà lao Vĩnh Điện 5 ngày, địch đưa ông xuống Hội An. Vẫn những hình thức tra tấn man rợ. Một năm sau, Trần Khải bị đưa đến nhà lao Thừa Phú Huế, ra tòa án binh. Quan tòa hỏi: “Ông có nhận tội không?”, Trần Khải trả lời: “Tôi có tội gì mà nhận?”. Tòa kêu án 7 năm tù. Ông bị đưa về Đà Nẵng, rồi đày vào khám CHí Hòa. Cuối năm 1964, Trần Khải bị đày ra Côn Đảo. Nếm đủ nhục hình của “địa ngục trần gian” này, ông vẫn nêu cao khí phách người cộng sản. Nổi bậc trong các hình thức đấu tranh của ông cũng như anh em rong các nhà lao là chống chào cờ ba que của chính quyền Ngụy. Đây là hình thức đấu tranh dai dẳng, thường xuyên mỗi ngày, đòi hỏi người tù phải có bản lĩnh chính trị cao. Năm 1969, Trần Khải hết án 7 năm tù, ông được đưa về đất liền, tại nhà lao Tân Hiệp (Biên Hòa). Ở đây hai tháng, ông vẫn tiếp tục cùng các anh em khác tổ chức đấu tranh, tạo nên tiếng vang lớn, dấy động các phong trào đấu tranh chống Mỹ-Ngụy, ngược đãi tù nhân ở miền Nam Việt Nam.

Ngày 20 tháng 12 năm 1969, chuyến tàu mang 141 anh em tù nhân tái đày ra Côn Đảo, trong đó có Trần Khải. Ông trở thành tù nhân “không thời hạn”, còn gọi là “tù câu lưu”. Đây là đối tượng được trại giam “đặc biệt quan tâm”. Lúc đầu, ông bị đưa ra Trại Bà, sau chuyển xuống Chuồng Cọp – nơi giam giữ khắc nghiệt nhất ở Côn Đảo. Chuồng Cọp có 120 xà lim. Tường xà lim xây bằng đá rất dày, hơn 40 phân. Cửa được làm bằng một tấm sắt kín mít. Bên trong có một bệ xi măng, có gắn sẵn một thanh sắt dài để móc còng, còng chân tù nhân. Thông thường, tù nhân bị còng nhiều vào ban đêm, nhưng trong những đợt đấu tranh, hai chân bị còng suốt ngày đêm. Phía trên bệ chừng 1,5m là một lớp chấn song sắt. Có một lối đi bên trên, ở giữa hai dãy xà lim. Trên mối dãy, địch đều để sẵn, tùy theo mùa, gồm vôi bột, nước lạnh, dùng để đàn áp tù nhân. Các xà lim này tuy có chút ánh sáng khuyếch tán từ mái nhà xuống, nhưng mùa mưa bão, gió chướng, nước, cát thổi vào khắp xà lim. Hơn nữa, địch có thể tấn công bất ngờ từ trên xuống, trong lúc tù nhân chưa chuẩn bị tinh thần đối phó.

Ăn uống vẫn là khô mục, mắm đắng, không có chút rau tươi. Nước cho mỗi người một lon guigoz cả ngày trong tất cả các phương tiện sinh hoạt.

Trở lại Côn Đảo lần này, những người tù như Trần Khải đã có nhiều “kinh nghiệm” trong việc đối phó với bọn cai tù. Chống xếp hàng điểm danh, chống chào cờ, đấu tranh đòi giải quyết các yêu cầu dân sinh, dân chủ, đấu tranh chống ly khai. Cuộc sống ngục tù nhưng không bao giờ câm lặng. Từng phút, từng giờ phải nâng cao cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với bao thủ đoạn nham hiểm của kẻ thù và những khốn khó hằng ngày như đói ăn, thiếu nước và bệnh tật. Thế nhưng, cũng như bao anh em khác, Trần Khải vẫn luôn lạc quan vào một ngày mai chiến thắng.

Năm 1970, Côn Đảo rực lửa căm thù. Ngọn lửa đấu tranh của các tù nhân bừng bừng lan từ trại này, sang trại khác, làm dấy động làng sóng đấu tranh của nhân dân cả nước và nhân dân tiến bộ thế giới. Cả thế giới biết đến “địa ngục trần gian” này. Nhiều phái đoàn ngoại quốc đã đến Côn Đảo, tận mắt chứng kiến bao hình ảnh gây xúc động trong lòng người dân ở khắp năm châu, trong đó có cả những phái đoàn của Thượng, Hạ nghị viện Mỹ.

Ngày 25 tháng 12 năm 1970, chế độ Chuồng Cọp bãi bỏ, tù nhân được chuyển lên các trại giam. Thế nhưng, chế độ khắc nghiệt của nhà tù Côn Đảo vẫn không thuyên giảm. Phong trào đấu tranh của anh em tù nhân vẫn liên tục nổ ra. Đã không ít người ngã xuống. Người còn sống thì đeo đẳng trong mình những vết thương nhức buốt.

Năm 1973, Trần Khải được đưa về Hố Nai, Biên Hòa.  Ngày 6 tháng 4 năm 1974, ông được trao trả tại Lộc Ninh. Về đến quân khu V, ông ngã bệnh nặng, tổ chức đưa ông ra Bắc an dưỡng.

Năm 1976, Trần Khải trở về quê hương. Đặt chân lên đất mẹ, bao xao xuyến, bồi hồi ngập tràn trái tim ông. Quê hương hoang tàn, gia đình ông ly tán. Thật đau đớn, khi ông bị bắt và đưa về xử bắn “hụt”, bọn địch đã bắt người vợ mới cưới của ông – bà Nguyễn Thị Liêu – đem xuống nhà lao Vĩnh Điện giam cầm, tra tấn. Chúng dụ dỗ vợ ông lung lạc ý chồng, nhưng không được, phải thả về. Vợ ông bị bệnh nặng, một năm sau thì qua đời. Lúc đó, ông bị lưu đày nơi ngục tù, nào hay biết gì. Cả vợ của bạn ông, đồng chí Nguyễn Tình đã bị xử bắn, lúc đó đang bụng mang dạ chửa đứa con đầu lòng, nhưng bọn địch gian ác vẫn không buông tha, khi thả về, bà như người điên dại…

Thời gian đi qua, mảnh đất quê hương đã phủ ngập màu xanh cây trái. Dòng sông Bình Phước hiền hòa, mang nặng phù sa bồi đắp cho những nương dâu, bãi mía. Ông Trần Khải cũng đã tạo dựng cho mình một gia đình êm ấm. Sau một thời gian công tác tại Công ty quản lý nhà đất Quảng Nam – Đà Nẵng (1976–1983), Công ty Thương nghiệp Điện Bàn (1983-1986), ông nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục góp sức mình phục vụ công tác xã hội. Hiện nay, ông là Chủ tịch Chi hội người tù yêu nước xã Điện Hồng.

Tôi hỏi ông về cảm giác khi cái chết đang cận kề trong buổi sáng hôm nào, ông bảo: “Con người ta, ai lại không muốn sống. Nhưng thật sự lúc ấy, tôi không hề sợ chết. Tâm sự rất bình thản…” Quả thật, qua câu chuyện của ông, tôi đã cảm nhận được một phong thái ung dung, tự tin, vượt lên cái chết, thoát khỏi lao tù đày ải. Ông Trần Khải, thật xứng đáng là người con ưu tú của quê hương Cẩm Văn, Điện Hồng!.

 

[Trở về]
Các tin mới hơn:
NHÀ LAO VĨNH ĐIỆN
NHÀ YÊU NƯỚC LÊ ĐÌNH DƯƠNG
NHÀ YÊU NƯỚC PHAN THÀNH TÀI
BÀI THƠ CA NGỢI ĐỒNG CHÍ ĐINH TÙNG
BÀI THƠ THƯ NHÀ
MỘT HỘI PHÓ NHIỀU NGƯỜI CHƯA BIẾT
CÁI CHẾT NGHIỆT NGÃ CỦA PHẠM XANG
BA MẸ CON CÙNG MỘT CHI BỘ
GƯƠNG BẤT KHUẤT CHỐNG TỐ CỘNG
RA ĐI … QUYẾT TỬ !
    
1   2  
    
Các tin cũ hơn:
NGƯỜI NỮ TÙ MANG SỐ HC.15312
CÂU CHUYỆN CỦA MỘT NỮ TÙ
NĂM THÁNG KHÔNG QUÊN
MỘT LÒNG TRUNG KIÊN VỚI ĐẢNG
MỘT CƠ SỞ CÁCH MẠNG
CÒN MÃI TUỔI HAI MƯƠI …
GIỮ MÃI PHẨM CHẤT ANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ
CHUYỆN NGƯỜI THIẾU NIÊN Ở LÀNG QUAN HIỆN
CHỊ MƯỜI NHẠN
LÊ TẬP VÀ CUỘC CHIẾN ĐẤU BẤT KHUẤT
    
1   2   3   4  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm