Sinh năm 1934, tại làng Cẩm Sa, xã Điện Nam, Ngô là con thứ trong 6 người con (có đến 4 người tham gia cách mạng khi còn rất trẻ, của một gia đình nông dân nghèo nhưng lại có truyền thống hiếu học và yêu nước. Cha anh là ông Phạm Thận, thuộc lớp người giác ngộ cách mạng, hoạt động phong trào tổ chức thanh niên tuyên truyền tư tưởng tự do dân chủ lúc bất giờ. Mẹ là Nguyễn Thị Biên, là người phụ nữ rất mực đảm đang và yêu thương chồng con. Thời xuân trẻ, ngoài việc chăm lo đồng áng, bà còn tham gia cơ sở cách mạng, làm chổ dựa cho cán bộ hoạt động; tham gia ủng hộ phong trào cách mạng trong những năm chống Mỹ cứu nước.
Với những người làng Cẩm Sa và các làng lân cận, nguyên một thời là cựu học sinh vùng tự do cũng như trong các đoàn thể cứu quốc ngày ấy, họ còn nhớ như in cậu học trò Phạm Ngô đang chớm tuổi phổng phao, trắng trẻo với dáng người cao gọn và đặc biệt có đôi mắt sáng, làm cho gương mặt luôn rạng nét thông minh và năng khiếu. Quả vậy, mặc dù là con của gia đình nông thôn nghèo, Ngô và người anh cả là Phạm Đức Nhẫn (sau này là quân y. Ban y tế cơ sở, hy sinh 1965), không ngại đường xa, sớm tối, băng qua các đồi cát rộng vào những ngày nắng gắt như có lửa đốt dưới chân… kiên trì theo học các lớp sơ học yếu lược tại trường Tổng Thanh Quýt (liên các trường Cẩm Sa, Bình Ninh, Phong Hồ), rồi tiếp tục học lên tiểu học và qua trung học ở các trường Hội An, Tam Kỳ. Trong suốt thời cắp sách đến trường, Ngô là cậu học trò giỏi, được bàn bè mến phục. Bên cạnh, anh còn có khiếu âm nhạc nổi tiếng một tay măng-đô-lin và ghi-ta, cùng với giọng hát nam trung, ấm áp truyền cảm qua các tác phẩm của thời kỳ đầu âm nhạc Việt Nam cách mạng.
Vốn đã sẵn năng khiếu nghệ thuật, cộng với chịu khó, tự học nên Ngô am hiểu về nhạc lý anh đã sáng tác ca khúc ngắn kiểu hành khúc và giàu tính tuyên truyền, đả kích…đã được quần chúng, nhất là lực lượng trẻ yêu chuộng; đặc biệt các đội “thiếu binh” thuở đó hát một cách phấn hứng và đầy hăng say trong những buổi sinh hoạt, học tập trong các phong trào tuổi nhỏ thi đua cứu quốc… Bên cạnh, Ngô còn đào tạo nhiều hạt nhân văn nghệ trong đội ngũ này, cùng với chiến sĩ đội văn nghệ địa phương, thường xuyên biểu diễn, phục vụ cho cán bộ và nhân dân, góp phần tạo nên đời sống tinh thần, văn hóa kháng chiến sôi nổi, lành mạnh…Nhiều người trong đội “thiếubinh” ngày ấy, bây giờ tuổi đã lên ông, lên bà nhưng vẫn còn nhớ một vài đoạn ca từ những tác phẩm do Phạm Ngô – “nghệ sĩ làng kháng chiến” sáng tác. Đơn cử bài hát phản ánh không khí ra quân của thanh, thiếu niên tham gia vào những buổi diệt chuột bảo vệ mùa màng và lương thực.
…”Ruộng đồng ta xơ xác/ Cửa nhà ta tan nát…/Nó rúc hang thì ta dùng cuốc/ Ta cuốc, ta đào, rồi ta hun khói/Diệt loài báo hại cuộc sống dân ta/ Diệt loài báo hại này hỡi anh em!”…(*)
Song song với lĩnh vực văn nghệ, Ngô còn tham gia giảng dạy các lớp học ban đêm và các lớp bình dân. Thông qua việc giảng dạy nhằm nâng cao dân trí, xóa mù chữ, anh và các thầy giáo khác đã từng góp phần vào việc tuyên truyền trong dân chúng, giữ vững lập trường cách mạng, kêu gọi lực lựơng đoàn kết bảo vệ cán bộ, đảng viên của xã và các địa bàn chung quanh những năm Mỹ - Diệm điên cuống đàn áp nhằm tiêu diệt phong trào cách mạng miền Nam, chia cắt lâu dài nước ta.
Đến năm chiến dịch “Tố cộng, diệt cộng” lên đến đỉnh điểm (Luật 10/59), bọn Bảo An, cánh sát quận và các khu hành chính dồn hết lực lựơng đánh phá toàn diện, ngày đêm. Chúng lùng sục, truy tìm, bắt giam, cực hình, bắn giết công khai, hoặc thủ tiêu bí mật nhiều cán bộ, đảng viên, gia đình kháng chiến…Trong những âm mưu thâm độc của kẻ thù. Các đồng chí trong Ban lãnh đạo tỉnh, huyện ủy, cùng các đồng chí lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng xã Điện Nam nhanh chóng sắp xếp lực lượng bằng nhiều hình thức như: chuyển vùng công tác hoặc chuyển thành các tổ chức dưới dạng nhân đạo, xã hội khác… Trong đợt sắp xếp này, đã đưa đi “điều lắng” vào phía Nam số cán bộ, đảng viên từng bị liệt vào “danh sách đỏ” của chỉ huy tiểu khu Quảng Nam và chi khu quận lỵ Điện Bàn. Trong danh sách đó: “Phạm Ngô, cộng sản nòi…” “nhóm cầm đầu kích động…nguy hiểm…loại A”
Những ngày đầu đặt chân trên đất đô thành phương Nam ồn ào, tấp nập, thật xa lạ và ngỡ ngàng, nhưng rồi Ngô cũng sớm ổn định tạo guồng cho mình nhanh chóng nhập cuộc. Và cũng trong khoảng thời gian cuối năm 1959, qua việc đóng vai nhằm nắm bắt mật số, anh đã tìm ra đầu mối một cơ sở cách mạng trên đất đô thành, rồi cơ sở tạo điều kiện hoạt động của Ngô tại Tân Định. Bước đầu anh phải đoạn tuyệt cái giọng nói chân chất, đậm đà xứ Quảng, cái cốt cách, cái bộ dạng dân dã, chân mộc vốn có của mình, thay vào đó là giọng nói đặc sệt Nam Bộ, là phong cách người phố thị, và lối sống lõi đời, phóng khoáng trong mọi phương tiện giao du, ứng xử, thậm chí kể cả các kiểu ăn chơi… Tất cả, tự cải trang mình để che mắt địch.
Đến năm Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam đựơc thành lập (12/1960), do nhu cầu và sự phân bố của Mặt trận lúc bấy giờ, nên từ một thợ điện ở Tân Định, Ngô chuyển về gần chợ Bà Chiểu; bằng nhiều nghề, trong đó có nghề lái tắc-xi để đáp ứng với nhiệm vụ mà tổ chức giao phó.
Năm 1965, giặc Mỹ tiếp tục leo thang chiến tranh cứu nguy chế độ ngụy quân-ngụy quyền; kẻ thù tăng cường biện pháp tiêu diệt lực lượng vũ trang Miền Nam. Chính quyền Sài Gòn mở những cuộc ruồng bố, đặc biệt nhắm vào các đối tượng từ miền Trung di cư vào. Chúng ráo riết thanh lọc, dụ dỗ, mua chuộc những tên chiêu hồi “bán đứng” anh em… Thế là, một cuộc vây ráp bất ngờ của lực lượng đặc biệt Nha cảnh sát cùng hàng trăn tên an ninh thủ đô chặn tất cả các ngã đường rồi đột nhập công trường Mê Linh (quận 1), nơi Ngô cùng nhiều anh em khác đang thi công. Chúng ập vào bắt, khóa anh lại rồi khám xét toàn bộ thân hình và tư trang. Thật không may, chúng phát hiện trong lai cánh tay áo những bản đồ chi tiết các căn cứ quân sự, toàn bộ sân bay Tân Sơn Nhất và các cơ quan đầu não, từ dinh của các tướng lĩnh chính quyền Sài Gòn mà do chính Ngô vẽ và đang trong thời gian chuyển về tổ chức để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công nổi dậy trong những năm tới (Mậu Thân 1968).
Tại Biệt khu Thủ đô Mỹ - Ngụy không từ bỏ một hành động tra tấn nào đối với anh. Một thời gian khá dài, Ngô bị chuyển sang nhiều Trung tâm thẩm vấn và các “khu biệt giam tầm cở”, nhưng chúng vẫn không khai thác được gì ở anh, ngoài nhất quán câu nói ngông nghênh đầy dũng khí: “Thích dzậy, làm dzậy!” Báo chí và các phương tiện phát thanh, truyền hình Sài Gòn liên tục đưa tin; một bài báo có nhan đề: “Tóm gọn một tổ chức Việt Cộng và tên cầm đầu nguy hiểm”.
Năm 1967, chúng mở tòa án binh xét xử Ngô và một số đồng chí khác. Tại phiên tòa, chúng ngầm thấy rõ ở anh – con người Cộng sản đầy tai họa và cực kỳ nguy hiểm cho nhà cầm quyền Ngụy miền Nam. Bản tuyên án: Tử hình!
Lập tức, bản án phiên tòa bị phản kháng mạnh mẽ. Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam phản cáo trên đài Tiếng nói Việt Nam: “Nếu bản án nặng nhất áp dụng trường hợp Phạm Ngô tại Sài Gòn thì tương tự bản án ấy cho 5 phi công tù binh người Mỹ đang giam giữ tại Hà Nội…” Trước điều kiện đưa ra quyết liệt của ta, khiến chức trách chính quyền miền Nam cân nhắc, đắn đo rồi chùn tay, nhượng bộ. Thế là, sau Tết Mậu Thân 1968, từ nhà lao Khám Chí Hòa, Ngô bị đày ra Côn Đảo.
Tại Hầm Đá trại II, nơi mà Phạm Ngô được chuá ngục “chăm sóc đặc biệt” cùng một số anh em tử tù khác. Thế nhưng, anh cùng một số anh em trong Ban lãnh đạo bị đày chung hầm tìm mọi cách liên lạc, móc nối anh em ở phòng, trại khác để tổ chức chuẩn bị các cuộc đấu tranh tiếp theo.
Ngô đã liên lạc, giới thiệu và động viên Sáu Khá (Nguyễn Thị Khá) là nữ tù binh chính trị cùng quê Điện Nam cho Ban lãnh đạo trại II về việc thành lập Ban lãnh đạo, chi bộ khối nữ. Nhận được bức thư mật đề xuất, hướng dẫn của anh Lê Minh Châu, các anh chị em hồ hởi triển khai. Sáu Khá nhận trách nhiệm phụ trách chung. Khối nữ Trại II ngày càng được nhân rộng ở nhiều trại khác và mỗi ngày ý chí đấu tranh càng quyết liệt với kẻ thù.
Trong suốt những năm Côn Đảo, Ngô bị chuyển qua nhiều phòng, trại, từng chịu sự cực hình, đày đọa thân xác, vậy mà, sức mạnh và ý chí đấu tranh của anh cương quyết bức khỏi gông xiềng, đứng dậy với tư thế hiên ngang của người Cộng sản, tư thế của khát vọng tự do, hòa bình.
Người tù Côn Đảo còn nhớ những ngày cuối tháng tư, đầu tháng năm 1973, cuộc đấu tranh chống siết bóp của địch, chống lăn tay, chụp hình, dời trại, chống ém giấu tù binh chính trị, đòi thực hiện tinh thần Nghị định thư về việc trao trả tù binh chính trị đã quy định trong Hiệp định Pais…
Qua chiếc radio cỡ nhỏ do một số anh em tái tù Côn Đảo năm 1972, đã bí mật mang theo và đã đưa vào trại VI khu B nên thường xuyên theo dõi cuộc đàm phán tại Paris, nắm bắt rất kỹ nội dung bản Hiệp định và các Nghị định thư qua các tin đọc chậm của Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhờ đó đã thấy rõ việc ngụy quyền Sài Gòn lập lại toàn bộ hồ sơ tù nhân chính trị thành tù thường án với âm mưu ém giấu, thủ tiêu những cán bộ chủ chốt của ta. Trong những ngày này, trước sự chống trả quyết liệt của anh em, chúng càng tăng cường đàn áp mạnh hơn. Dưới sự chỉ huy của chúa ngục Nguyễn Văn Vệ, tại trạm I và trại II, chúng tấn công bằng súng đạn và hơi cay rồi phá cửa ngục, ập vào xúc từng người lên xe GMC, chở thẳng về trại VII. Khi dời sang trại VII, mặc dù thương tích đầy người, Ngô cùng đồng đội càng quyết liệt hơn trong việc hô la đả đảo, vạch trần âm mưu tàn sát tù nhân và nằm để hổ trợ cho anh em trại VI khu B trong việc chống lăn tay, chụp hình,, lập lại hồ sơ. Cứ thế, giọng anh dõng dạc xướng lên trước, rồi giọng anh em như sấm ầm ầm đồng thanh liền sau, liên hồi khiến rung chuyển toàn bộ khu trại giam. Tên chúa ngục chỉ huy tiểu đoàn cảnh sát dã chiến ném lựu đạn cay rồi mang mặt nạ xông vào, dùng dùi cui và báng súng xối xả vào đám anh em tù. Chúng túm lôi Ngô ra khỏi đám người đang sục sôi chống trả rồi hơn chục tên sấn vào dùng giày đinh đá thốc vào ngực, cùng gậy gộc đánh anh bất tỉnh. Thế là hai ngày sau đó (vào ngày 5 tháng 5 năm 1973), Ngô mãi mãi ra đi trong nổi xót đau và thương tiếc vô hạn của anh em tù binh.
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
(*) Bài hát này không còn ai nhớ rõ tựa đề, tác giả viết bài này ghi lại từ bà Ngô Thị Bốn, Đà Nẵng, thiếu thời ở làng Cẩm Sa, Điện Nam.