Nội dung chi tiết

Lợi thế, tiềm năng phát triển nền nông nghiệp đô thị toàn diện và bền vững trên quê hương Điện Bàn .
Tác giả: UBND Điện Bàn .Ngày đăng: 05/11/2010 .Lượt xem: 4918 lượt. [In bài]
- Minh Dũng-

 Năm 2011 - 2015 Điện Bàn tập trung cho việc xây dựng huyện thành thị xã. Đây là nguyện vọng chính đáng của Đảng bộ và nhân dân Điện Bàn, từ đó khai thác lợi thế vốn có của huyện nhằm tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân...

Để thực hiện điều đó cần có giải pháp phát triển các ngành, các lĩnh vực đồng bộ,đặc biệt là khơi dậy và sử dụng các nguồn lực một cách có hiệu quả nhất... Đối với nông nghiệp huyện nhà thời gian đến cần tập trung thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát huy lợi thế của nền nông nghiệp ven đô gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Điện Bàn lần thứ XXI.

Những năm qua, nông nghiệp huyện Điện Bàn có những bước phát triển vượt bậc, năng suất, chất lượng các loại cây trồng, con vật nuôi đều tăng. Tổng giá trị sản xuất năm 2010 tăng 1,9 lần so với năm 2005; giá trị sản xuất thực tế hiện nay đạt 61 triệu đồng/ha canh tác; chăn nuôi từng bước đi vào sản xuất theo mô hình gia trại, trang trại với phương thức chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo vệ sinh môi trường (giá trị sản xuất tăng bình quân 1,72%/năm); kinh tế vườn, kinh tế trang trại có bước phát triển khá, toàn huyện có 230 trang trại có doanh thu bình quân trên 335 triệu đồng/trang trại/năm; kinh tế hợp tác tiếp tục được củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động đã góp phần hỗ trợ nông nghiệp... có thể khẳng định nông nghiệp Điện Bàn đã có những bước phát triển mới, với quy mô sản xuất ngày càng tăng, phát triển theo chiều sâu, đầu tư thâm canh nâng cao chất lượng, giá trị nông sản; đặc biệt là các tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi vào đồng ruộng giúp cho trình độ sản xuất người nông dân không ngừng tăng lên đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của nền nông nghiệp hàng hoá - thị trường.

Thời gian đến, định hướng phát triển nền nông nghiệp trên cơ sở phát huy lợi thế về vị trí địa lý (nằm áp sát thành phố Đà Nẵng, thành phố Hội An), điều kiện tự nhiên (đất đai bằng phẳng, phù sa màu mở...), điều kiện kinh tế - kỹ thuật (hệ thống giao thông nông thôn, thuỷ lợi đều khắp, có 20/30 HTX NN khá giỏi...), phát huy truyền thống hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động của con người Điện Bàn... là một việc làm hết sức cần thiết.

Đặc biệt, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp toàn diện và bền vững theo hướng sản xuất hàng hoá, thâm canh chiều sâu; mang đặc trưng nền nông nghiệp ven đô, cung cấp nông sản thực phẩm cho thành phố Đà Nẵng, đô thị cổ Hội An, các khu công nghiệp, khu đô thị tập trung, phục vụ du lịch, nguyên liệu cho công nghiệp chế biến... gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái. Tập trung thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, con vật nuôi theo từng vùng thích hợp trên cơ sở điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, tập quán canh tác của các địa phương. Quy hoạch các vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá, tạo vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Sử dụng hợp lý và nâng cao thu nhập trên ha đất nông nghiệp. Đẩy mạnh phát triển các ngành chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản và phát triển dịch vụ nông thôn, tạo sự phát triển cân đối, hiệu quả trong sản xuất nông lâm ngư nghiệp. Phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, áp dụng công nghệ sinh học, công nghệ sạch, sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, sản lượng cao, chất lượng tốt, đem hiệu quả kinh tế cao. Tăng cường các hoạt động khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật, phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu vật tư, nguyên liệu, kỹ thuật phục vụ phát triển sản xuất. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn; gắn sản xuất nông lâm ngư nghiệp với công nghiệp chế biến, mở rộng các loại hình dịch vụ, cải thiện nâng cao đời sống và giải quyết việc làm cho dân cư và lao động khu vực nông thôn...  

            Muốn vậy, trong quá trình triển khai thực hiện, ngành Nông nghiệp phải hết sức năng động, nhạy bén và tích cực tham mưu cho lãnh đạo huyện chỉ đạo, lãnh đạo tổ chức thực hiện thành công các giải pháp:

Một là, tăng cường công tác quản lý và sử dụng đất, không ngừng nâng cao thu nhập trên ha canh tác:

Tổ chức điều tra, khảo sát việc thực hiện Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi giai đoạn 2005 - 2010; định hướng sản xuất nông nghiệp những năm đến theo hướng ổn định diện tích đất lúa còn từ 4.500 - 5.000 ha; xây dựng vùng chuyên canh cây công nghiệp ngắn ngày như: thuốc lá, bông vải, lạc, ngô; cây thực phẩm như: ớt, dưa hấu và các cây họ đậu nhằm tạo ra sản phẩm xuất khẩu, nguyên liệu cho công nghiệp chế biến ...   

Tiếp tục đẩy mạnh phân vùng chuyên canh phù hợp với thế mạnh của mỗi địa phương: điều kiện thổ nhưỡng, trình độ thâm canh, lao động, cơ sở vật chất phục vụ sản xuất.

Qui hoạch cánh đồng lúa giống, ngô giống, vùng chuyên canh rau ở các địa phương trọng điểm nông nghiệp, kết hợp nâng cao cơ sở hạ tầng (nhà kho, sân phơi, máy chế biến), kỹ năng quản lý, thâm canh nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm đầu ra.

Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện chương trình “dồn điền, đổi thửa”, đối với các địa phương có điều kiện ngoài việc tổ chức dồn điền, đổi thửa trên đất màu, triển khai trên đất lúa để hình thành những cánh đồng sản xuất hàng hoá (chọn thí điểm một HTX NN loại khá giỏi, mạnh dạn thuê đất của nông dân để xây dựng cánh đồng sản xuất giống lúa, thông qua các chương trình đầu tư về giao thông nội đồng, thuỷ lợi, cải tạo mặt bằng ... để hình thành cánh đồng giống với những thửa ruộng có diện tích lớn tạo thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hoá, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất  nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, hạ giá thành nông sản...).

Tập trung xây dựng các vùng chuyên canh, cụ thể như:

Vùng trọng điểm lúa: tập trung các xã vùng Tây - Bắc sông Thu Bồn như: Điện Hồng, Điện Thọ, Điện Phước, Điện An, Điện Minh. Hình thành vùng sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao (từ năm 2011, mỗi năm tăng diện tích sản xuất giống lúa, lúa chất lượng cao khoảng 200 ha để đến năm 2015 có 2.000 ha/5.000 ha, đạt 40% diện tích sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao).

Vùng chuyên canh cây rau màu, thực phẩm và hoa cây kiểng ở các xã vùng cát (Điện Ngọc, 3 xã Điện Nam, Điện Dương) và các xã Điện Phong, Điện Minh, thị trấn Vĩnh Điện...

Vùng chuyên canh cây nguyên liệu ở vùng gò đồi (Điện Tiến, Điện Hoà, 3 xã Điện Thắng), sản xuất ngô giống ở các xã vùng Gò Nổi (Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong) và bãi bồi ven sông của các xã Điện Hồng, Điện Thọ, Điện Phước, Điện An, Điện Minh... (thông qua liên kết, liên doanh sản xuất với các doanh nghiệp tiến hành quy hoạch và xây dựng cánh đồng chuyên canh sản xuất bắp giống, phấn đấu đến 2015 có 500 ha sản xuất bắp giống).

Hai là, rà soát, huy động, bổ sung và sử dụng nguồn nhân lực một cách có hiệu quả:

Kiện toàn hệ thống tổ chức các cơ quan, đơn vị thuộc ngành nông nghiệp huyện; phối hợp chặt chẽ với tỉnh trong việc sử dụng nguồn lực nhằm phát huy năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của các đơn vị đứng chân trên địa bàn huyện.

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban nông nghiệp các xã, thị trấn bố trí cán bộ đảm bảo số lượng, tiêu chuẩn... đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài của địa phương.

Tiếp tục củng cố bộ máy và đổi mới hoạt động của HTX NN làm cho HTX NN thật sự là thành phần kinh tế quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho việc phát triển nông nghiệp - nông thôn và là chỗ dựa vững chắc của hộ nông dân.

Thông qua nhiều hình thức chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật như: đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, tham quan, trình diễn mô hình ... nhằm nâng cao cả về trình độ sản xuất, kỹ thuật canh tác, thay đổi tập quán làm ăn tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, lạc hậu ...

Áp dụng cơ giới hoá vào đồng ruộng để giải quyết tình trạng thiếu lao động ở một số địa phương, nhất là khâu làm đất, thu hoạch. Điều tra, khảo sát các phương tiện, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn để có kế hoạch hỗ trợ cho bà con nông dân trang bị các loại phương tiện, máy móc một cách có hiệu quả.

Ba là, đẩy mạnh các chương trình đầu tư theo hướng xã hội hoá nhằm khai thác có hiệu quả các công trình, chương trình phục vụ nông nghiệp:

Các địa phương đẩy mạnh triển khai xây dựng các công trình phục vụ nông nghiệp: thuỷ lợi hoá đất màu, kiên cố hoá kênh mương, hệ thống tưới tiêu... theo kế hoạch phân bổ hàng năm, các công trình chuyển tiếp... đây là biện pháp cốt lõi nhằm mở rộng, xây dựng cho những cánh đồng, vùng qui hoạch để chủ động nước tưới nhằm thực hiện tốt Chương trình chuyển đổi cơ câu cây trồng. Trong đó, cần tập trung hoàn chỉnh hệ thống thuỷ lợi hoá đất màu trên địa bàn, nhất là vùng Gò Nổi và các xã Bắc sông Thu Bồn để chủ động nguồn nước tưới, phát huy hết tiềm năng và hiệu quả trong sản xuất. Đẩy mạnh chương trình bê tông hoá kênh mương nhằm tạo thuận lợi cho quá trình phục vụ nước tưới cho sản xuất đảm bảo vừa tiết kiệm, vừa đáp ứng kịp thời nhu cầu nước tưới cho từng thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Điều tra, khảo sát, quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng hệ thống mương tiêu trên địa bàn đảm bảo việc tưới tiêu khoa học trong sản xuất nông nghiệp cũng như giải quyết vấn đề ngập úng trong mùa mưa lũ...

Đầu tư nhân rộng mô hình cánh đồng giống lúa chuyên canh, sản xuất lúa chất lượng cao; tiếp tục xây dựng các điểm giết mổ tập trung đã được qui hoạch ...

Tiếp nhận và giải quyết tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người sản xuất về chương trình phát triển đàn bò, nuôi trồng thuỷ sản, kinh tế vườn, kinh tế trang trại... và xúc tiến nhanh chương trình đầu tư hỗ trợ người dân mua nông cụ, máy móc để đẩy mạnh cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp.

Bốn là, đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tạo sự đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp:

Đây là giải pháp có thể tạo ra những đột phá trong sản xuất nông nghiệp với những giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất cao, chất lượng tốt, sử dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ gen, kỹ thuật canh tác mới ... tạo những tiềm năng to lớn trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản xuất nông nghiệp, đối với nông nghiệp huyện nhà trước mắt cần tập trung vào những giải pháp sau:

Đối với trồng trọt: Chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với hộ nông dân như chương trình “3 giảm, 3 tăng”, đa dạng hoá nguồn gen (Bucap), áp dụng có hiệu quả chương trình phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM) và mở rộng mạng lưới bảo vệ thực vật cơ sở... Các địa phương tiếp nhận và ứng dụng các công nghệ để chủ động sản xuất giống cây trồng sạch bệnh, phát triển các sản phẩm có lợi thế của từng địa phương, triệt để sử dụng giống kỹ thuật trong sản xuất, sử dụng các giống cây trồng mới nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác. Triển khai, nhân rộng mô hình phân hữu cơ vi sinh đối với từng hộ gia đình nhằm hạ chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp và giải quyết tốt vấn đề ô nhiễm môi trường. Kiểm tra hiệu quả các mô hình, chương trình đã thực hiện nhằm rút ra những kinh nghiệm thực tiễn, đưa ra biện pháp kỹ thuật phù hợp áp dụng cho từng vùng khác nhau.

Đối với chăn nuôi: Tiếp nhận, chuyển giao, mở rộng qui trình công nghệ trong chăn nuôi bò thịt, lợn, gia cầm, trồng cỏ và chế biến thức ăn chăn nuôi,...đẩy nhanh chương trình cải tạo đàn bò, nạc hoá đàn heo, xây dựng các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo phướng thức công nghiệp, bán công nghiệp ...

Đối với nuôi trồng thuỷ sản: Chuyển giao qui trình công nghệ về sản xuất giống, nuôi trồng thuỷ sản và xử lý môi trường nuôi... trình diễn, nhân rộng các mô hình có hiệu quả, đặc biệt mô hình nuôi thuỷ đặc sản phục vụ cho nhu cầu đô thị, phát triển cá tra, cá ba sa phục vụ cho xuất khẩu...

Đối với kinh tế vườn, kinh tế trang trại: Chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi...tiếp tục thực hiện chương trình cải tạo vườn tạp thành vườn kinh tế với các loại cây trồng có giá trị kinh tế. Cơ cấu lại cây trồng trên đất vườn, kết hợp trồng rau màu thực phẩm, cây dược liệu, cỏ chăn nuôi, phát triển trồng hoa thời vụ, cây cảnh và nhân rộng các mô hình (vườn - ao - chuồng) có hiệu quả kinh tế cao. Thông qua các đợt tập huấn, trình diễn mô hình nhằm hướng dẫn kỹ thuật nuôi, cách phòng trừ dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi cho các chủ trang trại, tạo điều kiện các gia trại, trang trại phát triển.

Năm là, Triển khai nhanh, mạnh kế hoạch xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu như: gạo Phong Thử, bánh tráng Phú Chiêm, bê thui cầu Mống, rau sạch Tây An, dưa hấu Gò Nổi ... thông qua liên kết, liên doanh để mở rộng sản xuất, dự báo thị trường ... nhằm ổn định và phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, hiệu quả và bền vững trong tương lai.

*

*     *

Xây dựng nền nông nghiệp toàn diện, bền vững theo hướng sản xuất hàng hoá, hiệu quả và mang đặc trưng nền nông nghiệp ven đô trên cơ sở phát huy các lợi thế vốn có, khơi dậy tiềm năng và huy động, khai thác tối đa các nguồn lực tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo bộ mặt nông thôn mới với nhiều khởi sắc... góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Điện Bàn lần thứ XXI.

Tài liệu tham khảo:

- Văn kiện Đại hội Đảng bộ huyện Điện Bàn lần thứ XXI

- Nghị quyết của BCH Đảng bộ huyện Điện Bàn khoá XXI về lãnh đạo xây dựng huyện Điện Bàn để trở thành thị xã vào năm 2015.

 

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Giao ban đánh giá hoạt động dịch vụ tinh, nitơ năm 2024
Hướng dẫn chăm sóc, quản lý dịch hại cây trồng giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2025
Số liệu thống kê chủ yếu năm 2023 thị xã Điện Bàn
Bổ nhiệm Phó Giám đốc Ngân hành Chính sách xã hội thị xã Điện Bàn
Hướng dẫn chăm sóc các loại cây trồng vụ Đông Xuân 2024-2025 trong điều kiện rét lạnh
Điện lực Điện Bàn tổ chức vệ sinh công nghiệp cách điện
Bế giảng lớp nghề kỹ thuật pha chế đồ uống tại phường Điện Ngọc
Giải pháp nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi trong mùa Đông
Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Điện Bàn tổ chức tập huấn hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã cho cán bộ, hội viên
Hội Nông dân các địa phương đồng loạt ra quân diệt chuột
    
1   2   3   4   5  
    
Các tin cũ hơn:
Gia súc ở “ Chuồng tầng ”
Gia súc ở “ Chuồng tầng ”
Nông dân Điện Bàn, hành trình phát triển kinh tế nông thôn.
Nữ nông dân Điện Bàn với phong trào thi đua yêu nước.
HTX Nông nghiệp đã và đang khẳng định vị trí, vai trò trong quá trình xây dựng phát triển nông nghiệp – nông thôn tại huyện Điện Bàn.
HTX Nông nghiệp đã và đang khẳng định vị trí, vai trò trong quá trình xây dựng phát triển nông nghiệp – nông thôn tại huyện Điện Bàn.
Nhà khoa học chân đất
Tấm gương làm giàu Trương Lợi
Máy trực canh - sự kết nối thông tin giữa “bờ và biển”
Thôn Thi Phương xã Điện Phong làm đường bê tông.
    
1   2   3   4   5  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm