Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, mẹ trực tiếp tham gia phong trào Phụ nữ cứu quốc, tổ chức tuyên truyền vận động phụ nữ học chữ quốc ngữ để chống giặc dốt, giặc đói, tiết kiệm tham gia kháng chiến kiến quốc. Mẹ hăng say trong mọi công việc, được chị em phụ nữ tin yêu, thán phục. Tháng 4 năm 1947, giặc Pháp tái chiếm vùng Gò Nổi, đóng đồn Xuân Đài, Bến Đền – Văn Ly. Mẹ được ủy ban hành chính kháng chiến giao nhiệm vụ vận động chị em từ các vùng tự do trở về quê tăng gia sản xuất, tổ chức hậu tuyến phòng thủ. Mẹ tổ chức các lớp bình dân học vụ truyền bá chữ quốc ngữ, vận động sản xuất bông vải, tổ chức tiêu thụ hàng trong nước, góp phần xây dựng các phong trào cách mạng ở địa phương. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, mẹ tham gia hoạt động và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Mẹ đựợc kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam và đựơc ca tụng :
“Tuổi ba mươi chị vào ra trong lửa đạn
Mọi phong trào không quản ngại gian nguy
Chín năm kháng chiến trường kỳ
Một lòng theo Đảng, sắt son không sờn”.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, chính phủ Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, thực hiện các điều khoản đình chiến ở Việt Nam. Do yêu cầu của tổ chức, mẹ không đi tập kết mà ở lại làm nhiệm vụ vận động đòi thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ và hiệp thương tổng tuyển cử. Trong những ngày tháng cực kỳ khó khăn này, bọn phản động kết cấu với một số phần tử cơ hội chống phá cách mạng, đánh phá quyết liệt các tổ chức và lực lượng của ta. Chính quyền Ngô Đình Diệm ra sức xây dựng bộ máy phản động, đề ra chủ trương “tố cộng”, “diệt cộng”, đàn áp các cán bộ đảng viên, những người tham gia kháng chiến, chúng tổ chức ly khai đảng, quản lý tất cả các gia đình có chồng, con, anh chị em đi tập kết, ngày đêm chúng rình rập, bắt bớ, tra tấn những cựu kháng chiến. Chiều ngày 20/1/1955, mẹ và một số chị em khác bị địch vây bắt, bọn chúng đưa mẹ về Ái Nghĩa tra tấn, cho đối chứng với một số người cùng bị bắt và những người theo kháng chiến. Chúng lập kế ly khai, mẹ một mực từ chối không chịu nhận và không thừa nhận đó là những người quen biết. Sau một thời gian tra tấn cực kỳ dã man, không khuất phục được mẹ, chúng đưa về nhà lao Phú Bông và Vĩnh Điện, dùng những thủ đoạn dã man hơn để buộc tội mẹ.
Trong những ngày tháng bị đòn roi, đối mặt với quân thù, mẹ đã chứng kiến biết bao tấm gương kiên trung bất khuất trước kẻ thù hung bạo. Họ nhịn ăn, giả câm không chịu nói, có những người bị đốt cháy cả hai bàn tay nhưng vẫn kiên quyết không khai báo. Trong tù, cuộc sống hết sức cam go, lại thêm sự tàn bạo của bọn cai ngục, một ngày chúng chỉ cho uống nước một lần, cơm sống, mắm ươn lại thêm môi trường sống bẩn thỉu, những người khỏe mạnh còn không chịu nổi huống chi những người bị đánh đập, tra tấn. Trước tình hình đó, các anh chị em trong tù tổ chức các cuộc đấu tranh đòi quyền tự do và đảm bảo cuộc sống cho tù nhân, tự quản chế độ ăn uống. Bên cạnh đó, anh chị em trong tù đấu tranh đòi tự do tổ chức chia nhau phục vụ nấu ăn, nhằm để đảm bảo vệ sinh và tạo điều kiện cho anh chị em được ra bên ngoài tiếp cận, nghe ngóng tình hình, đồng thời thay đổi không khí. Do đấu tranh ngày càng quyết liệt nên địch chấp nhận hàng ngày cử một bộ phận thay nhau đi làm bếp phục vụ, những anh chị em khỏe hơn thì bổ củi, gánh nước, còn lại thì nhặt rau, dọn vệ sinh, nấu nước uống.
Ngày 12/5/1957, mẹ và một số anh chị em khác được phân công đi phục vụ, lúc đó cũng gần trưa, lợi dụng bọn cai tù sơ hở, mẹ đã cắt lá chuối chia cơm và dùng dao lỡ (dao đẻ thái chuối) tự cắt vào cổ mình để đấu tranh đòi tự do. Máu chảy lai láng khắp người mẹ, anh chị em trong tù cùng hô vang khẩu hiệu: “Chống áp bức tù nhân, hãy trả quyền tự do bình đẳng!”. Địch đưa mẹ đi cấp cứu và chữa trị ở bệnh viện Hội An. Trong lúc chữa trị, chúng cho người canh giữ, khi mê thì còng chân, lúc tỉnh thì khóa chân.
Sau ba tháng điều trị và đấu tranh trực diện với kẻ thù, mẹ không chịu nhận tội với một lý lẽ “vì tôi không có tội mà các ông bắt buộc tôi, nên tôi phải tự tử để chứng minh tôi là người vô can”. Với những lý lẽ đanh thép đầy thiết phục buộc địch phải nhân nhượng và thả mẹ về. Sau lần tự vẫn ấy, mọi người gọi mẹ với cái tên đầy thán phục : CHỊ BẢY CẮT CỔ TRONG TÙ.
Do sức khỏe yếu, mẹ trở về địa phương sống trong cảnh cô đơn. Mẹ tự bươn chải, vay mượn và khôi phục lại nghề dệt vải để kiếm sống và chờ cơ hội hoạt động. Những năm từ 1959 – 1963, phong trào cách mạng ở xã tạm thời lắng xuống, mẹ và một số cơ sở cách mạng đi vào hoạt động bí mật. Đến tháng 11/1964, sau trận lụt Giáp Thìn lịch sử, đời sống của nhân dân thiếu thốn, nạn đói rình rập đe dọa, mẹ đi quyên hàng hóa, lương thực để cứu đói, tổ chức các hoạt động cứu tế xã hội và tiếp tục tham gia các phong trào cách mạng ở địa phương và giữ chức vụ phân hội trưởng phụ nữ phụ trách cứu tế. Ngày 20/4/1965, sau một thời gian gián đoạn, mẹ được phục hồi đảng và tham gia lãnh đạo phục vụ kháng chiến, làm phó chủ tịch rồi Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ giải phóng xã, phó ban địch vận phụ trách tiền phương và sau đó là trưởng ban đấu tranh chính trị - vận động đồng bào xóa vùng trắng.
Nhìn nét phúc hậu và hiền từ trên khuôn mặt bây giờ của mẹ, tôi tự nghĩ rằng, nếu không có chiến tranh, chắc mẹ đã có một gia đình êm ấm và những đứa con ngoan hiền. Vậy mà, mẹ vẫn một mình…
Hiện nay, tuổi cao, sức yếu, mẹ được người cháu ruột đón ra Đà Nắng để an dưỡng tuổi già. Ở nơi xa, chắn hẳn mẹ vui lòng khi nghỉ về những gì mẹ đã làm cho quê hương. Còn nhân dân Điện Quang vẫn luôn nhớ về một thời bi hùng của “CHỊ BẢY CẮT CỔ TRONG TÙ MỸ - NGỤY"
(Ghi theo lời kể của ông Phan On Chủ tịch UB MTTQVN xã Điện Quang)