Ngôi nhà ông Nguyễn Bưng, cũng giống như bao ngôi nhà nông thôn Việt Nam khác: ngôi nhà ba gian bằng tranh tre thoáng mát, chung quanh nhà có trồng nhiều cây xanh vừa lấy bóng mát vừa lấy quả. Ngôi nhà không có gì đặc biệt, điểm đặc biệt chính là vị thế “chiến lược” trong thế trận lòng dân. Trước nhà ông là con đường huyết mạch nối liền quận lỵ Điện Bàn và tỉnh lỵ Quảng Nam (tại thị xã Hội An). Đứng trước nhà có thể quan sát cả đoạn đường từ Lai Nghi đến cửa ngõ phía Đông huyện lỵ. Sau lưng nhà ông là làng quê Điện Minh, Điện Phương – dưới những hàng tre xanh ấy là nơi cán bộ ta hoạt động đường dây trong cuộc chiến đấu trường kỳ, anh dũng.
Ông Nguyễn Bưng sinh năm 1928. Ngay từ những ngày thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta năm 1946 ông bắt đầu hoạt động cơ sở cách mạng tại xã Điện Minh. Đến năm 1954, nghe tin chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng, ông chạy ra giữa cánh đồng quê và đi loan tin khắp xóm làng “Quân Pháp thua rồi, đất nước tự do, độc lập rồi…”. Niềm vui ấy chẳng được bao lâu thì bị ngặn tắt nửa chừng: cơ sở cho biết tin đế quốc Mỹ đã nhảy vào nước ta thay gót chân xâm lược của thực dân Pháp, nhân dân miền Nam tiếp tục cuộc kháng chiến trường kỳ. Ông gạt nước mắt trở về cày cấy trên cánh đồng làng và tiếp tục hoạt động cách mạng ngay sát nách quận lỵ Điện Bàn. Trong những năm 1955 – 1968, ông hoạt động cơ sở tại xã Điện Minh, Điện Nam, Điện Thành. Giai đoạn 1968 đến ngày giải phóng, ngoài những năm tháng bị tù đày, ông tham gia hoạt động ngay tại Thị trấn Vĩnh Điện, Điện Bàn. Vợ ông, bà Dương Thị Khoa (sinh năm 1930) cùng sát cánh bên ông thực hiện công việc cấp trên giao. Suốt thời gian từ 1954 đến 1975, bà tham gia đào hầm bí mật, nuôi giấu cán bộ cách mạng. Bà thường xuyên cung cấp lương thực cho cán bộ, bộ đội. Suốt cuộc đời họat động cách mạng của vợ chồng ông nhiều lần bị tù đày, tra tấn tại nhà lao Vĩnh Điện, nhà lao Hội An, đến nhà lao Côn Sơn vô cùng khốc liệt. Bao lần thịt nát, xương tan dưới đòn roi tra tấn nhưng ông Bưng và bà Khoa không hé răng nửa lời, thà chết chớ không để lộ bí mật đường dây hoạt động của cán bộ cách mạng.
2. Những năm tháng tù đày
Người phụ nữ đang đi thăm ruộng thấy tôi nhìn mãi cây dừa, tò mò hỏi:
- Chú tìm cái gì ngoài ấy ?
- Tôi tìm ngôi nhà ông Nguyễn Bưng.
- Nhà ông Bưng à? Chuyển đi vô bên trong kia rồi, sau giải phóng thực hiện chủ trương di dời nhà cửa, mồ mã để cải tạo đồng ruộng lấy đất sản xuất, nhà ổng ở giữa đồng nên đã chuyển đi. Nhà ông Bưng ở chổ dãy tre xanh ở cuối cánh đồng ấy đấy. Muốn đến nhà, chú phải xuống chổ cống ông Đá rẽ phải vào xã Điện Phương… Đến đó chú cứ hỏi, người ta sẽ chỉ cho.
Theo lời người phụ nữ, tôi tìm đến nhà ông Bưng. Một cụ già xắn quần quá gối, đầu đội nón lá, khuôn mặt đã nhăn nheo nhưng dáng vóc còn nhanh nhẹn, bước ra ngõ nhìn tôi :
- Chú tìm ông Bưng? Ông đâu còn nữa. Mời chú vào nhà uống nước !
Tôi nhìn lên bàn thờ, gương mặt cương nghị của ông Bưng như mỉm cười, nén hương lặn lẽ tàn. Bà Khoa ở một mình chăm sóc hương khói cho ông. Con trai, con gái nhà ở gần đấy nhiều lần mời bà về ở cùng nhưng bà vẫn thích ở trong ngôi nhà ấm cúng của mình.
Khi biết ý định của tôi muốn tìm hiểu về những năm tháng tù đày, đôi mắt bà trở nên xa xăm như hồi tưởng lại nhưng năm tháng đi qua của đời mình, bà nói: “Nổi đau của con người về thể xác, nổi đau của con người về tinh thần có thể nào diễn đạt lại được bằng giấy bút sau mấy chục năm? Tôi sẽ cố gắng kể lại cho chú nghe chơi, chổ nào quên, tôi sẽ nhờ con tôi – Nguyễn Lân bổ sung thêm”.
Qua lời kể của bà và nhiều tư liệu do anh Nguyễn Lân cung cấp, tôi dần hình dung lại những năm tháng tù đày, đầy máu và nước mắt của vợ chồng ông.
Vào một đêm tháng 3 năm 1967, nghe tiếng chó sủa phía đường lộ, ông Bưng hé liếp cửa quan sát chung quanh. Không gian vẫn tối và vắng lặng. Trên nền trời triệu triệu ngôi sao nhấp nháy nhìn xuống cánh đồng. “Chắc không có gì, anh em mình đến ở nơi an toàn” – ông thầm nghĩ và vào giường nằm. Thao thức không thể nào ngủ được, ông lại nghe tiếng sột sọat, có tiếng động như tiếng bước chân người ngoài vườn. Ông choàng dậy cầm cây chống cửa bước ra sân. Nhưng không kịp rồi. Ông nghe tiếng quát: “Đứng lại !”, và một đám người hung hăng xông vào “bắt thằng Cộng sản này trói lại cho tau”. Giữa đám người lố nhố trong cảnh tờ mờ ông thoáng thấy một bóng người quen, linh tính báo cho ông biết cơ sở đã bị lộ vì có người chỉ điểm cho mâm Hội đồng xã Vĩnh Xuân.
Ông bị bắt và giam ở nhà lao Vĩnh Điện từ tháng 3 năm 1957 đến tháng 12 năm 1957. Sau đó chúng chuyển ông xuống nhà lao Hội An. Những ngày ở trong nhà lao Vĩnh Điện và Hội An, khó mà kể hết được những thủ đoạn tra tấn thân xác ông dã man biết dường nào. Trong gần 20 tháng trong tù (từ tháng 5 năm 1957 đến tháng 11 năm 1958) ông bị tra tấn tổng cộng 10 lần, mỗi lần tra tấn, hỏi cung khoảng 2 tiếng đồng hồ. Cắn răng chịu đựng nổi đau ông không chịu khai một lời, chỉ cần một phút mềm lòng thôi chắc chắn cơ sở sẽ bị vỡ và hậu quả tổn thất khó lường hết được. Nhiều lúc ông bị đánh rất đau đớn vào đầu, ngực và lưng phải đi cấp cứu. Chúng đánh ông đến “mỏi tay” nhưng không khai thác được gì, đành thả ông về.
Căn thù chồng chất căm thù, về lại gia đình ông tiếp tục móc nối cơ sở và tham gia đào hầm bí mật, nuôi giấu cán bộ, cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc men cho cán bộ, bộ đội. Ngôi nhà ông lại trở thành “trạm quan sát” các đợt hành quân của Mỹ, Đại Hàn, cũng như các đợt càn quét tại các vùng căn cứ của ta. Mọi động tỉnh của địch từ quận lỵ Điện Bàn đến tỉnh lỵ Hội An không phút nào lọt qua khỏi mắt ông. Những tin tức ông cung cấp đã giúp ta tránh được những tổn thất và tổ chức đánh trả nhiều đợt thu thắng lợi lớn.
Đầu năm 1970, một tai nạn ập đến gia đình ông; một đồng chí của ta bị địch bắt đã “chiêu hồi” và khai gia đình ông là đầu mối quan trọng của cơ sở cách mạng. Tên Trung đội trưởng Huỳnh Đông dẫn theo mấy tên lính cầm súng tiến thẳng vào nhà ông lùng sục. Tên Đông dán mắt lên trần nhà tìm kiếm và cười gằn: “Cái ống tre trên kia đựng gì trong ấy?. Ông Bưng tái mặt, tên Đông chỉ đúng chổ ông để tài liệu mật, ông biết bí mật đã bị lộ. Tên Đông sai tên lính lấy ống tre nho nhỏ đặt kín đáo trong nóc nhà xuống và trong ống tre ấy là …tài liệu mật (lúc này ông được giao nhiệm vụ tổ trưởng tổ Đảng). Ông bị bắt đưa lên nhà lao Vĩnh Điện và bắt đầu tra tấn, đòn tra tấn hãi hùng nhất ông không bao giờ quên trong đời do thằng ba Đào thực hiện: nó lôi ông ra bãi đất rộng giữa trưa nắng và …xịt chó béc-rê lao vào xé xác ông. Ông chiến đấu với con chó béc-rê to lớn, suốt mấy giờ liền và cuối cùng thân hình ông tơi tả, ruột ông rách toạt văng ra ngoài đất cát. Ông chết ngất. Cấp cứu một thời gian ông mới hồi phục và chúng tiếp tục tra khảo. Ông nhất quyết không khai lời nào.
Sau đó chúng chuyển ông xuống nhà lao Hội An, đến năm 1971, lại một tại họa ập đến gia đình ông: Lại có một đồng chí của ông phản bội, chỉ điểm và chúng đã vào nhà ông đập phá và bắt vợ ông – bà Dương Thị Khoa. Bà bị nhốt ở Đồn Triều Tiên (Điện Nam) một thời gian sau bà bị đưa về nhà lao Hội An. Về nhà lao Hội An tưởng chừng gặp được chồng, nhưng khi bà vừa bước vào nhà lao đã nghe tin chồng bà bị xếp vào loại “tù chính trị cứng đầu” và tiếp tục bị đày tại đảo Côn Sơn. Ở nhà lao Hội An từ năm 1971 đến 1973, noi gương chồng, bà chịu đựng mọi tra tấn, quyết không khai. Bà nghĩ, nếu mình ham sống sợ chết, khai ra tất cả anh em mình bị biết bao nhiêu người không những bị bắt mà còn bị liên lụy đến cả hệ thống cơ sở, do đó bà thề “thà chết chứ không khai”. Và bà đã giữ trọn khí tiết. Biết không khai thác được gì, đồng thời thực hiện Hiệp Định Pari vừa ký kết, chúng đành phải cho bà về quê. Khi về lại “căn nhà xưa” bà mong ngóng tin chồng và cuối năm 1973 nhận được tin vui, chồng cũng được thả vì không có bằng chứng kết tội. Hai vợ chồng gặp lại nhau thân hình đầy thương tích, niềm vui chen lẫn nghẹn ngào.
3. Ghi nhớ công lao
Để làm rõ thêm những đóng góp của gia đình vợ chồng ông Nguyễn Bưng và bà Dương Thị Khoa, xin hãy nghe những người từng được ông nuôi giấu, che chở nói về gia đình ông trong những năm gian khổ ấy. Những lời ghi chép sau đây không phải là kể công, gia đình ông không muốn như vậy, mà thể hiện lòng nhớ ơn, lòng quý mến những gì gia đình ông đã âm thầm hy sinh cho cách mạng:
* Đồng chí Võ Như Lương, nguyên cán bộ Ban tuyên huấn Điện Bàn; Bí thư xã Điện Minh” Giám đốc Công ty kinh doanh tổng hợp Đà Nẵng nhận xét: “Ông Bưng là cơ sở cách mạng trong lòng địch. Gia đình ông đã cung cấp lương thực, thực phẩm cho anh em, trong đội công tác. Nhà của ông là địa điểm họp cán bộ cốt cán, là trạm giao liên cảnh giới địch”.
* Đồng chí Nguyễn Tấn Minh, nguyên Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn kể: “Lúc bấy giờ, cơ quan xã Đội Điện Minh đóng nhờ tại xã Điện Nam, có lúc đóng ở Duy Vinh để tổ chức hoạt động. Địa bàn bấy giờ khó hoạt động lắm, vì địch tăng cường nhiều tháp canh, canh giữ ngày đêm, lô cốt thì chúng xây chằng chịt. Do đó việc đi lại hết sức khó khăn. May nhờ có Dương Thị Khoa, chị cứ tỉnh bơ đi lại trước mắt địch để làm giao liên cho xã mà chúng chẳng hay. Hầu hết các giấy tờ, tin tức của xã đội đều nhờ chị làm đường dây thông tin. Có lúc chị bí mật nuôi hai cán bộ xã đội trong nhà để hoạt động, vượt qua tầm ngắm của địch một cách dễ dàng”.
* Đồng chí Đinh Thọ (bí danh Hồng Sơn), nguyên cán bộ hoạt động tại xã Điện Thành (nay là xã Điện Phương, Điện Bàn) kể: “Gia đình ông Bưng, bà Khoa là cơ sở của tôi trong thời gian từ tháng 5/1964 đến 12/1967. Ông bà đã nuôi dưỡng và bảo vệ cán bộ lãnh đạo ngay tại nhà trong suốt thời gian trên. Khi cán bộ ốm đau bà Khoa mua thuốc men cứu chữa tận tình. Điều đáng quý của vợ chồng ông là bám địch rất lanh lẹ, giải quyết mọi tình huống bất trắc một cách an toàn tuyết đối”.
Ghi nhớ công lao của ông, Nhà nước trao tặng Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì; vợ ông được Nhà nước trao tặng Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạnh Nhì; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng ba.