Hành trang những năm 2000 của huyện Điện Bàn là tập trung mọi nguồn lực, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch nền kinh tế huyện theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phấn đấu cơ bản thành huyện công nghiệp vào năm 2010 và xây dựng Điện Bàn trở thành thị xã vào năm 2015.
Tăng trưởng kinh tế gắn liền với chăm lo phát triển đời sống văn hoá, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao dần về chất lượng cuộc sống cho trên hai vạn dân trên địa bàn huyện. Do điều kiện một huyện bị chiến tranh tàn phá nặng nề, những năm đầu sau giải phóng cuộc sống của nhân dân trong huyện còn đang gặp nhiều khó khăn. Nền kinh tế huyện vốn thuần nông, những năm gặp thiên tai bão lụt, dịch bệnh hoành hành, mùa màng thất bát thì cuộc sống của bà con nhân dân túng thiếu, nhất là những gia đình neo đơn, thiếu sức lao động, không có điều kiện mở mang sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về mở cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, huyện Điện Bàn đã sớm thành lập Ban vận động từ huyện đến xã, thị trấn và đề ra kế hoạch vận động trong từng năm, với các việc làm và giải pháp phù hợp để tạo cơ hội giúp cho người nghèo, hộ nghèo trong huyện có điều kiện vươn lên thoát nghèo, từng bước có cuộc sống ổn định.
Cùng với chương trình xoá nhà tạm cho các gia đình chính sách, huyện uỷ Điện Bàn giao cho Uỷ ban mặt trận Tổ quốc huyện và xã – thị trấn phát động phong trào xoá nhà dột nát, xây nhà đại đoàn kết để giúp cho hàng ngàn hộ nghèo đang khó khăn về nhà ở. Với truyền thống nhân nghĩa, đậm đà nghĩa xóm, tình làng, cuộc vận động đã được sự đồng thuận cao của cán bộ và nhân dân cùng chung tay góp sức, đóng góp tích cực vào “Quỹ vì người nghèo” và phát động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để chi hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết và sửa chữa nâng cấp nhà ở cho hộ nghèo. Quỹ vì người nghèo của huyện vận đồng từ năm 2001 – 2009 được 8,2 tỷ đồng, đồng thời vận động từ các nguồn khác được 19,3 tỷ đồng. Chính nhờ có biện pháp tích cực và với tấm lòng “Tất cả vì người nghèo” nên đến nay qua mười năm phát động, toàn huyện đã vận động xây dựng được 1749 ngôi nhà với tổng số tiền vận động hỗ trợ được 27,5 tỷ đồng. Trong đó tỉnh hỗ trợ 190 nhà với số tiền 1,8 tỷ đồng, huyện 331 nhà với 1,2 tỷ đồng, cấp xã và các tổ chức thành viên hỗ trợ xây dựng 1228 nhà với số tiền 24,5 tỷ đồng.
Cuộc vận động ngày vì người nghèo là sự nối tiếp phong trào xoá đói giảm nghèo, giúp cho hàng ngàn gia đình có nhà ở đảm bảo che nắng, che mưa, yên tâm với cuộc sống, nhất là những gia đình bao đời vẫn chưa có được ngôi nhà vững chãi. Được hỗ trợ một phần từ nguồn xây dựng nhà đại đoàn kết của mặt trận các cấp là cơ hội để kêu gọi thêm con cháu, dòng tộc và bà con làng xóm cùng chúng tay, góp sức để giúp hộ nghèo xây dựng được nhà cửa, tạo nên diện mạo mới ở vùng nông thôn. Đây còn là việc làm thể hiện tính nhân văn, là thành quả bắt nguồn từ cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”.
Đến nay các khu dân cư ở xã Điện Dương, Điện Nam Bắc, Điện Thắng Bắc và khu dân cư La Thọ 3, Xóm Bùng (Điện Hoà) đã cơ bản xoá xong nhà dột nát cho hộ nghèo. Nhiều cá nhân như ông Lê Ba, Thân Đức Nam, Thân Hoá (xã Điện An), Phan Triêm (Điện Quang), Nguyễn Văn Thừa (Điện Minh), Nguyễn Thuận (Điện Phương), Nguyễn Thị Cùng (Điện Thắng Bắc) v.v.... giúp đỡ hàng tỷ đồng xây dựng trường học, mua sắm vi tính phục vụ giảng dạy ở các trưởng, xây nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách, xây nhà đại đoàn kết giúp đỡ cho hộ nghèo. Được nhận bàn giao các ngôi nhà đại đoàn kết, nhiều hộ gia đình nghèo rất xúc động và ghi nhận sự giúp đỡ của nhà nước, của mặt trận và bà con nhân dân đã phát huy truyền thống tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách” giúp đỡ cho họ có được những mái nhà ấm áp, chan chứa tình người.
Cùng với phong trào nhân đạo giúp hộ nghèo xây dựng, chỉnh trang nhà ở, mặt trận huyện Điện Bàn còn phát động mạnh phong trào toàn dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Điện Bàn là vùng đất có lợi thế về phát triển kinh tế, nhiều gia đình nông dân đã nhạy bén trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, vừa làm lúa, rau màu, cây công nghiệp có năng suất cao, vừa đẩy mạnh chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi cá nước ngọt, cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế gia đình, nên đã nhanh chóng thoát nghèo, vươn lên làm ăn khá giả.
Qua thực tiễn, phần lớn các hộ nghèo là do thiếu vốn, thiếu sức lao động và thiếu kinh nghiệm làm ăn. Tiếp sức cho người nghèo, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT huyện đã tạo mọi điều kiện cho người nghèo được vay vốn hàng trăm tỷ đồng để làm kinh tế gia đình. Các đoàn thể nông dân, phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh bằng các hình thức lồng ghép, tương hỗ để giúp nhau mượn vốn giải quyết việc làm. Ngoài ra các đoàn thể còn phổ biến kiến thức, kinh nghiệm trong chọn giống, thâm canh các loại cây trồng, con vật nuôi, xây dựng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, xây dựng các gia trại, trang trại chăn nuôi thu hút số lao động nhàn rỗi ở nông thôn có công ăn việc làm ổn đinh, có thu nhập thường xuyên để trang trải cuộc sống, phát động trồng cỏ nuôi bò nhốt chuồng, nuôi bò lai sind, chuyển bớt diện tích ruộng lúa ở vùng thấp trũng sang nuôi cá nước ngọt, làm kinh tế vườn. Tây An là một trong những khu dân cư ở Điện Bàn có quyết tâm cao và thành công trong việc xoá đói, giảm nghèo cho cuộc sống của bà con nhân dân trên địa bàn dân cư. Lối mở giúp bà con Tây An thoát nghèo chính là từ giúp bà con vay vốn để mua mô tơ, kéo điện ra bãi làm thuỷ lợi đất màu, giải quyết nước tưới cho cây màu, cây công nghiệp biến các cánh đồng khô cằn trở thành những cánh đồng cao sản với đa dạng các loại cây trồng đạt giá trị trên 100 triệu đồng/ha/năm.
Mô hình giúp hộ nghèo nuôi heo ở Điện Phong, nuôi bò sind ở Điện Quang, Điện Hồng, mô hình nhà nhà trồng rau thực phẩm ở Bồng Lai (Điện Minh) hay câu lạc bộ nuôi cá nước ngọt ở Đông Quang (Điện Hoà), trồng các loại hoa, cây cảnh ở vùng cát, các trang trại chăn nuôi với quy mô lớn ở Điện Thọ, Điện Phước, Điện Hoà đã giúp hộ nghèo vào lao động và có việc làm thường xuyên, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc và các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện đã giải quyết gần một vạn lao động trong huyện có việc làm, trong đó có một phần lớn là con em lao động ở vùng nông thôn, hộ nghèo. Diện sinh viên là con em hộ nghèo được huyện ưu tiên vay vốn để phục vụ cho việc học tập. Những gia đình nghèo chưa có các công trình vệ sinh được các đoàn thể đứng ra tín chấp cho vay vốn để xây dựng nhà vệ sinh, giếng nước phục vụ cuộc sống, đảm bảo cảnh quang, vệ sinh môi trường trong gia đinh và thôn xóm. Xã Điện Quang sắp tới sẽ vận động xã hội hoá để xây dựng Nhà dưỡng lão để nuôi dưỡng và chăm sóc các cụ già neo đơn, nghèo khó, già yếu, không có nơi nương tựa lúc tuổi xế chiều, giải quyết được vấn đề xã hội đáng lo hiện nay là “Trẻ cậy cha, già cậy ai”.
Trên đường hướng tới thị xã tương lai, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI đã đề ra 9 chỉ tiêu lớn, trong đó có chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2015 thu nhập bình quân đầu người trong huyện đạt 40 – 42 triệu đồng/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 4%. Với phương châm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo mục tiêu xây dựng huyện sớm trở thành thị xã, Điện Bàn còn đặc biệt quan tâm đến việc giải quyết tốt các vấn đề xã hội, như việc làm, chăm lo cuộc sống cho người nghèo, khuyến khích tạo điều kiện để mọi người thoát nghèo, vươn lên làm ăn khá giả, nâng cao mức sống của dân cư. Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” và các phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, phấn đấu giảm dần tỷ lệ hộ nghèo đang được tiếp tục phát động mạnh hơn để giúp cho những hộ nghèo không còn nghèo nữa, đảm bảo cho nhân dân ngày càng khá giả về đời sống vật chất phong phú về đời sống tinh thần ./.