Tôi bình thản đáp: Các anh nói chi lạ! Cộng sản mà bây giờ vẫn còn ở đây à! Họ đi tập kết ra Bắc hết rồi! Còn tôi, bà con ai ai cũng biết, tôi chỉ là người mua bán bàn ghế, kiếm tiền nuôi vợ, nuôi con mà thôi! Chúng lục soát khắp người tôi, thấy không có một giấy tờ khả nghi nào! Tuy thế, thằng chỉ huy vẫn nói lớn: Anh bị bắt!
Một lần nữa, tôi bình thản: Tôi có tội gì mà các anh bắt! Nếu các anh bắt thì hãy cho tôi gặp chủ tịch Hội đồng hương chính địa phương. Tên chỉ huy cử 5 lính dẫn tôi về Hội đồng hương chính Câu Nhí. Trời nhá nhem tối, tôi phải bước đi từng bước một. Đền Gò Rì, tôi nói lớn: Bọn bay hãy để cho tau đi, còn không tao sẽ đánh với 15 thằng như chúng bay tao cũng chẳn ngán nữa là 5 thằng! Bọn lính nghe thế sợ hãi, bắn chỉ thiên rồi chạy bán sống bán chết. Còn tôi chạy một mạch đến nhà người chị bà con ở gần Tháp Bằng An. Chị này theo Việt Minh, còn chồng thì theo Pháp, giữ chức Thiếu úy quân ngụy. Thấy tôi vào, chị liền giấu tôi trong một chiếc sập gỗ. Qua chị, tôi nhắn gặp anh ruột và vợ tôi với lý do là qua chị tôi ăn đám giỗ! Gặp nhau, anh ruột và vợ tôi đều rơm rớm nước mắt vì biết tôi bị kẹt lại không đi tập kết được.
Lúc này bọn ngụy quân, ngụy quyền đang thực hiện chiến dịch: “tố cộng, diệt cộng” rất ác liệt. Ngày 21/1/1955, trong vòng 24 tiếng đồng hồ, chúng đã giết chết 37 chiến sĩ và đồng bào ta tại đập Vĩnh Trinh, cách Gò Nổi năm bảy cây số theo đường chim bay. Tại Gò Nổi, đồng bào ở Cẩm Phú kéo xuống Phương Trà đấu tranh đòi bọn ngụy thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ thì chúng cho quân xả súng bắn vào đồng bào, gần 10 người đã ngã xuống trong đợt đấu tranh này. Sau đó, cho tay chân giết hại cán bộ kháng chiến của ta như ông Cửu Tửu, ông Huynh, chị Ba Tích, anh Nguyễn Văn Lương… Rồi vu cáo cho đây là những kẻ cướp của giết người, bị cộng sản giết chết! Bộ mặt lang sói, tráo trở ác độc, không thể tả hết được của bọn ngụy quân, ngụy quyền đã lọ rõ!
Ngày 20/2/1955 âm lịch, tôi được anh Nguyễn Hữu Lào mật báo cho biết: Ngày 22/2/1955, bọn tề ngụy sẽ tổ chức mitting tố cộng tại Phú Bông, lần này có Ủy ban quốc tế (UBQT) về và đóng tại nhà bác Lẫm. Chi bộ cử tôi ra đấu tranh công khai, trực diện với chúng. Nhận nhiệm vụ tôi tự khẳng định, mình phải hy sinh việc nhà để lo việc nước nên quyết tử ra đi. Ngày 21/2, tôi họp nội bộ gia đình, gồm 3 người: anh ruột, vợ tôi và tôi. Tôi nói: ngày mai tôi sẽ ra đi đấu tranh quyết tử với bọn ác ôn, một mất một còn với chúng. Thà quyết hy sinh để máu đồng chí, đồng bào bớt đổ! Phải vạch mặt bọn này trước Ủy ban quốc tế kiểm sóat đình chiến mới được!
- Tôi quay qua hỏi anh tôi: Ý anh thế nào?
Anh tôi quả quyết: Chú cứ đấu tranh quyết tử, có gì còn anh đây sẽ tiếp tục đấu tranh với chúng. Quay sang vợ tôi, vợ tôi cúng nói: Mong anh hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng đã giao phó! Có gì em sẽ tiếp bước theo anh, mặc dù anh biết đấy, cái thai trong bụng em đã 8 tháng rồi!
Tôi dang hai tay ôm anh và vợ, lòng nghẹn ngào xúc động. Sáng hôm ngày 22/2/1955 âm lịch, lính Pháp, lính ngụy, các đảng phái phản động đầy hết đường làng Cẩm Phú. Ngoài ra, chúng cho tay sai cải trang làm thường dân, quần đùi, áo cánh, lận súng lục trong người. Một thằng rủ tôi đi đả đảo cộng sản! Tôi liền nói: Xuống Phú Bông đả đảo Cộng sản thì sướng hơn. Chúng tưởng tôi là người theo chúng, còn tôi thì nghĩ: Xuống Phú Bông có Ủy ban quốc tế giám sát và kiểm soát đình chiến, mình dễ lột mặt bọn ngụy quyền hơn.
Đến Phú Bông, lính Pháp, lính ngụy, lính Ủy ban quốc tế đứng hàng hàng, bọn tề ngụy dồn dân 6 xã Gò Nổi về đông nghịt, khoảng hai, ba ngàn người. Chúng phát mỗi người một lá cờ ba que cầm tay và bắt hô khẩu hiệu: Đả đảo Cộng sản không thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ! Tôi len người, lên gần tên quận trưởng, rồi nói lơn:
- Đây là cuộc mitting do các ông dựng lên để vu cáo cộng sản chứ không phải do nhân dân tự tổ chức. Đề nghị các ông giải tán cuộc mitting này! Đề nghị các ông thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơ-ne-vơ đã ký kết!
Nói xong, tôi xông thẳng vào nhà bác Lẫm, miệng hô vang: Đả đảo quân đội liên hiệp Pháp, đả đảo bọn tay sai đàn áp, ức hiếp dân lành! Bọn ác ôn đua nhau chạy theo tôi. Đứa thì nắm áo, đứa thì rị vai, tôi vẫn băng vào gặp cho bằng được Ủy ban quốc tế. Một ủy viên của Ủy ban quốc tế (có lẽ là đồng chí người Ba Lan), nắm tay tôi kéo vào nhà bác Lẫm. Bọn ác ôn nghiến răng, nói: Tức quá! Đêm hôm qua tao đã giết một số tên! Máu còn dính áo đây này! Sơ hở có một chút mà không giết được thằng đây. Tức ơi là tức!
Trong nhà bác Lẫm, tôi vẫn gặp hai đại biểu của ta là ông Hà Văn Lâu và ông Võ Văn Đặng. Ông Hà Văn Lâu khuyên tôi bình tĩnh, tiếp tục đấu tranh đến thắng lợi cuối cùng. Sau khoảng một tiếng đồng hồ, lính của Ủy ban quốc tế sắp hai hàng từ nhà bác Lẫm đi ra. Tôi bước đi hiên ngang cùng với Ủy ban quốc tế về Vĩnh Điện để Ủy ban quốc tế lấy chứng thực về việc thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ ở Gò Nổi.
Chiều hôm ấy, có Ủy ban quốc tế, tỉnh trưởng Quảng Nam, quận trưởng Điện Bàn, tôi bình tĩnh nói: Kính thưa Ủy ban quốc tế giám sát và kiểm soát đình chiến tại Việt Nam! Thưa quý ông, từ sau ngày 20/7/1954 đến nay, chính quyền quốc gia vi phạm nhiều điều khoản của Hiệp định Giơnevơ. Nhất là vụ việc ở Phương Trà 1/1955 tại Gò Nổi, chính quyền quốc gia địa phương của các ông đã cho quân đi xé các bảng ghi nội dung của Hiệp định Giơnevơ. Nhân dân biểu tình xuống Phương Trà phản đối thì các ông cho lính bắn vào những thường dân vô tội. Kết quả làm cho 10 người chết. Thậm chí, quân đội liên hiệp Pháp, chính quyền các ông cho tay chân thủ tiêu các cán bộ kháng chiến cũ như ông Cửu Tửu, ông Huynh, chị Ba Tích, ông Nguyễn Văn Lượng, rồi các ông vu cáo cho Cộng sản giết! Đề nghị quân đội liên hiệp Pháp, chính quyền quốc gia hãy thi hành nghiêm chỉnh Hiệp dịnh Giơnevơ!
Tôi nhìn lên Ủy ban quốc tế thấy đồng chí người Ba Lan đang mỉm cười. Chủ tịch Ủy ban quốc tế người Ấn Độ hỏi tôi: Ông có yêu cầu gì không? Tôi dõng dạc tiếp: Là một người dân, nếu như các ông cho tôi chọn lựa một trong hai chế độ thì xin thưa, hãy cho tôi cư trú dưới chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa do cụ Hồ Chí Minh đứng đầu. Đề nghị các ông cấp giấy thông hành cho tôi ra cư trú tại miền Bắc Việt Nam!
Tên tỉnh trưởng Quảng Nam nói: Quyền hạn của chúng tôi chỉ cấp giấy thông hành cho ông đi khỏi Quảng Nam thôi. Qua tỉnh khác là ông tự xin giấy thông hành khác. Sau đó, chúng cho hai tên lính cùng Quận trưởng Điện Bàn áp tải tôi xuống Hội An.
Xe chạy vào những dãy nhà có lính canh ngoài cổng cẩn mật, tôi biết đó là nhà lao Hội An. Tôi nói lớn: Tôi có tội tình gì mà các ông cho tôi vào tù! Bà con ở Hội An gần nhà lao cũng xúm lại, nhiều người lên tiếng: Ngồi tù là phải có tội! Tôi tiếp tục nói lớn: Ngồi tù là phải có bản án mới đáng chứ! Thấy đuối lý, tên quận trưởng Điện Bàn cho xe chở tôi đi ăn bữa cơm chiều bằng bánh mì ba tê, dăm bông thịnh sọan. Nó cười, bộ mặt nham nhở, rồi nói: Nay mai anh ra miền Bắc, anh đừng nói xấu chúng tôi đấy hử. Tôi trả lời: Nếu các anh làm tốt thì tôi không thể nói xấu được. Ngược lại, nếu các anh làm xấu thì tôi cũng không thể nói tốt được!
Bọn giặc cho tôi ở Hội An 3 ngày rồi đưa tôi ra Đà Nẵng gặp quan 6 của Pháp. Tôi vẫn giữ lập trường là xin giấy thông hành để tự do lựa chọn chế độ cư trú hợp pháp tại miền Bắc.
Cuối cùng chúng đưa tôi ra Huế gặp Thủ Hiến, giám đốc quốc gia Trung Việt. Tên này làm việc ở tầng 5 trong một tòa nhà sang trọng. Nó tiếp tôi tại phòng khách có trà, thuốc, bánh kẹo rất lịch sự. Sau khi rít một hơi thuốc lá, hắn nói: Thay mặt cho chính phủ quốc gia tại Trung Việt, tôi sẽ báo cáo tình hình quốc gia cho ông biết và thành thật khuyên ông hãy công tác với chính phủ quốc gia. Nếu ông chấp thuận công tác, thì sau 24 tiếng đồng hồ ông sẽ có nhà lầu, xe hơi như tôi, thiếu thứ gì chúng tôi xin cấp cho ông đầy đủ. Nếu ông tình nguyện ở lại với chính phủ quốc gia, chúng tôi phong cho ông một ghế của chính phủ ngồi không ăn lương. Chứ tội chi mà ra đất khách quê người, bỏ con thơ, vợ trẻ, bỏ quê hương bản xứ! Ông thấy thế nào? Hứa cho tôi biết ý kiến của ông?
Tôi bình tĩnh đứng lên dõng dạc: Hồi sáng đến giờ các ông đã cho tôi biết tình hình quốc gia sau ngày 20/7/1954 và 9, 10 ngày qua các ông đảm bảo tính mạng cho tôi. Tôi xin cảm ơn, còn nguyện vọng trước sau như một của tôi là xin các ông cấp giấy thông hành cho tôi tự do đi lại và lựa chọn cư trú tại miền Bắc chứ các ông không nên mua chuộc làm gì vô ích! Thằng Thủ Hiến tức điên, đứng dậy: Chào ông Cộng sản! rồi hắn cấp giấy thông hành cho tôi bằng tiếng Pháp. Sau khi đưa giấy nó nói: Tôi cấp giấy cho ông để ra vĩ tuyến 17 nhưng ông phải tự bảo toàn tính mạng của mình. Nếu không, Cộng sản giết ông thì ông đừng có trách chúng tôi!
Rõ ràng, thằng này vừa dụ dỗ, vừa răn đe xảo quyệt. Tôi cho giấy thông hành vào túi rồi bình thản bước ra khỏi tòa nhà của Thủ Hiến. Tôi bước nhanh lẫn vào khách bộ hành trên hè phố và nghĩ, nếu đi ra vĩ tuyến 17 dễ dàng bị chúng bắt thủ tiêu. Thế là tôi quyết định nhảy lên xe quay vào Đà Nẵng, rồi đến Thanh Quýt. Đến Thanh Quýt, tôi thấy một chị gánh hai bầu đường vào Vĩnh Điện. Tôi tiến đến nhỏ nhẹ nói:
- Chị đưa tôi gánh vào Vĩnh Điện cho. Đến nơi, chị trả bao nhiêu cũng được. Đến Vĩnh Điện, chị rút 60 đồng bạc Đông Dương đưa cho tôi và nói: Anh cầm lấy mà đi đường, có thể hai bầu đường này hôm nay tôi bị lỗ, nhưng tôi đã giúp được anh lúc ngặt nghèo là tôi vui rồi!
Tôi cầm tiền, hết sức cảm động, thầm cảm ơn người phụ nữ tốt bụng mà cả đời tôi không bào giờ quên được!
Tôi đi đến sông Vệ, Quảng Ngãi thì thấy cờ đỏ sao vàng tung bay ở bờ nam, lòng vui sướng không sao kể xiết. Qua được sông con, đến cù lao sông Vệ thì gặp bọn lính ngụy dày đặc. Tôi nhẩm tính: Đêm nay tôi sẽ lặng hai hơi để vượt sông vào với các anh chị bộ đội Cụ Hồ. Đến trưa, có tàu của Ủy ban quốc tế tới Cù Lao. Tôi giơ tay chào Ủy ban Quốc tế. Đồng chí người Ba Lan tươi cười bắt tay tôi, đưa tôi xuống tàu về Quán Lát. Ở đây ba bốn ngày, sau đó Ủy ban Quốc tế đưa tôi vào Quy Nhơn, lên tàu tập kết ra Bắc.
Kể đến đây, bác mỉm cười rồi nhỏ nhẹ nói tiếp: Cuộc đời của tôi ra đi quyết tử là vậy! Cũng không ngờ được, mình còn có ngày hôm nay, phải không anh?
Lược ghi theo lời kể của bác Nguyễn Giác Đây