Năm nay thời tiết diễn biến bất thường, nắng hạn kéo dài gây khó khăn cho hệ thống điện quốc gia nên Điện Bàn phải chịu chung tình cảnh thiếu điện, phải tiết giảm phụ tải luân phiên trên diện rộng. Trong khi đó các doanh nghiệp đang trên đà phục hồi sau suy giảm kinh tế rất cần được cấp điện ổn định. Sự mất cân đối giữa cung-cầu điện năng được Điện lực Điện Bàn giải quyết bằng nhiều biện pháp. Riêng việc tiết giảm phụ tải luân phiên thực hiện theo phương án được lãnh đạo địa phương phê duyệt và việc tiết kiệm điện là biện pháp thiết thực, tự thân của mỗi khách hàng.
Theo ông Nguyễn Quang San, Giám đốc Điện lực Điện Bàn thì tiết kiệm điện và tiết giảm điện là hai mặt của vấn đề giảm mức sử dụng điện nhưng khác nhau về bản chất. Tiết giảm điện là giải pháp tình thế, còn tiết kiệm điện mang lại hiệu quả và lợi ích lâu dài cho khách hàng. Vì thế, ngoài biện pháp thường xuyên nâng cấp, sửa chữa lưới điện; tổ chức tốt lực lượng lao động quản lý, vận hành, xử lý sự cố; xử lý tình trạng thiếu điện một cách linh hoạt, Điện lực Điện Bàn còn quan tâm đến công tác tuyên truyền tiết kiệm điện; tư vấn các biện pháp sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm cho khách hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp có mức sử dụng điện lớn.
Các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện mới hình thành nên giải pháp công nghệ trong dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp tương đối tốt, giải pháp sử dụng điện hợp lý. Vì vậy, để tiết kiệm điện, các doanh nghiệp thường quan tâm đến việc cải tiến các bất hợp lý trong quá trình sử dụng điện ở một số khâu công nghệ; đồng thời thay thế dần một số các thiết bị hao phí điện lớn hoặc cải tiến dây chuyền công nghệ, tận dụng nhiệt lượng, hơi đốt; bố trí ca kíp hợp lý để “né” giờ cao điểm và thực hiện đúng biểu đồ phụ tải, hạn chế sản xuất và không dùng các thiết bị công suất lớn trong giờ cao điểm...
Ông Đinh Duy Tường, Giám đốc Công ty May Hoà Thọ-Điện Bàn tâm sự: “Là doanh nghiệp may mặc xuất khẩu, được Điện lực Điện Bàn ưu tiên cấp điện, nhưng vì mục đích lợi nhuận, công ty cũng phải phấn đấu giảm mức tiêu hao điện”. Với quy mô 700 lao động, công ty đã đầu tư toàn bộ máy may hiện đại, tự động ngắt điện khi ngừng may; thay toàn bộ quạt điện bằng hệ thống hơi nước làm mát; chuyển hàng chục bàn là điện sang dùng hơi nước nóng; lắp mới toàn bộ bóng tuýp gầy tiết kiệm điện. “Qua các giải pháp nói trên, mỗi tháng công ty tiết kiệm trên 20 triệu đồng tiền điện, giảm tiêu hao điện năng trên 1000 đồng doanh thu từ 24 đồng năm 2009 xuống còn 11 đồng năm 2010” - ông Tường khẳng định như vậy.
|
Bóng đèn tiết kiệm điện trong một dây chuyền may tại Công ty May Hòa Thọ- Điện Bàn. |
Đối với Công ty Cổ phần Đồng Tâm (KCN Điện Nam-Điện Ngọc) ngay từ giai đoạn đầu, đã lắp đặt toàn bộ máy móc tân tiến cho dây chuyền công nghệ nên giải pháp tiết kiệm điện chủ yếu là cải tiến, hợp lý hoá một số khâu phụ trợ. Công ty đã thay thế, lắp mới hơn 300 bóng đèn compact; dùng thông gió tự nhiên thay 3 máy nén làm lạnh bằng điện; điều hoà bằng hệ thống hơi nước; tận dụng hơi nóng thải ra từ lò nung để sấy sản phẩm thô. Qua đó, đã tiết kiệm khoảng 300.000 kWh/tháng (15%). Giám đốc Công ty, Huỳnh Văn Thanh cho biết: “Qua hoạt kiểm toán, chúng tôi phân tích, xây dựng định mức sử dụng điện để có căn cứ giao chỉ tiêu tiết kiệm điện cho mỗi công đoạn, mỗi bộ phận”.
Ông Ngô Văn Hòa, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH VBL Quảng Nam khẳng định rằng việc Điện lực Điện Bàn tiếp cận, làm việc với các doanh nghiệp để tư vấn các biện pháp tiết kiệm điện, thông báo tình hình thiếu điện và vận động tiết giảm điện là nhằm tạo mối quan hệ gắn bó lâu dài với các doanh nghiệp. “Đó là điều đáng quý, vì vậy, chúng tôi sẵn lòng hợp tác và chia sẻ thiếu điện. Ngoài việc áp dụng các biện pháp tiết kiệm hơn 58 nghìn kWh (11,6%) công ty sắm thêm 1 máy nổ dự phòng. Tuy nhiên, chúng tôi phải tính toán bố trí “lệch pha” các công đoạn sản xuất để không sử dụng điện đồng thời và rất hạn chế dùng máy nổ, bởi nó tốn kém gấp ba, bốn lần tiền điện” - ông Hoà cho biết như vậy.
|
Dùng thông gió và ánh sáng tự nhiên để tiết kiệm điện tại Công ty cổ phần Đồng Tâm. |
Đa số lãnh đạo các doanh nghiệp cùng nhận xét rằng, để tiết kiệm điện, doanh nghiệp xây dựng phương án, bỏ vốn đầu tư cải tiến công nghệ, nhưng trách nhiệm thực hiện cụ thể là của mỗi người lao động. Tiết kiệm điện là lợi ích lâu dài nên ý thức tự thân của mỗi người lao động là yếu tố quyết định. Vì vậy, các doanh nghiệp đều gắn trách nhiệm, quyền lợi của người lao động với chủ trương tiết kiệm điện; đồng thời dựa vào tổ chức Công đoàn phát động thi đua, thực hành tiết kiệm, giáo dục phong cách và tạo thói quen văn hoá sử dụng điện. Xét trên khía cạnh này, các doanh nghiệp ở Điện Bàn có thể nói là đã thành công trong tiết kiệm sử dụng điện./.