Tại lớp “tố cộng” ở đình La Thọ, Điện Hòa, đồng chí bị truy bức đánh đập tàn bạo. Nhưng suốt mấy tuần lễ, đồng chí giả câm không nói gì, mặc cho chúng tra khảo; bị quy cho là “cộng sản đầu sỏ, cứng đầu”, “chưa chuyển biến tư tưởng”, “chưa dứt khóat với cộng sản”, không “quy thuận chính nghĩa quốc gia” …ban đêm bắt đồng chí “sám hối”. Sám hối là một hình thức hành hạ về thể xác: bắt quỳ trên sạn sỏi, hoặc gai mít, hai tay giang ngang, có viên gạch trên hai bàn tay. Nếu mệt mỏi, buồn ngủ, đói khát gục xuống là bọn “bình trị” xúm lại đánh đá, vu cáo là giả vờ. Về tinh thần là một sự o ép gây căng thẳng về tâm lý tư tưởng, bắt người tù phải ngước nhìn lên ảnh Ngô Đình Diệm, cờ ba sọc và hai cây đèn nến số 1, làm cho đầu óc vô cùng căng thẳng, mồ hôi, nước mắt chảy ra ròng ròng ướt đẩm cả áo quần. Nêu gương bất khuất, dũng cảm với chí căm thù bấy lâu nén chặt trong lòng, đồng chí Võ Định đột ngột nhảy lên giựt lá cờ ba sọc và xé toang ảnh Ngô Đình Diệm trước sự bất ngờ của bọn trật tự và đoàn “bình trị”. Như bầy thú dữ vồ mồi, chúng xông vào đồng chí đánh đá túi bụi và dùng dây điện trói đồng chí lại. Bất chấp đau đớn, đồng chí hô to khẩu hiệu: “đả đảo Ngô Đình Diệm”, ủng hộ Hồ Chí Minh, rồi anh lớn tiếng tố cáo tội ác quốc gia dã hiệu, vạch mặt bọn côn đồ tay sai chứ quốc gia dân chủ cái gì? Bị ghép vào tội “bất trị” chúng giải lên giam tại nhà lao Vĩnh Điện (quận Điện Bàn) xiềng chân, khóa tay đồng chí nhốt vào xà lim, cấm cố gọi là biệt giam. Mỗi ngày chỉ mở ra 2 lần để đi vệ sinh và ăn uống. Đồng chí giả câm, giả điếc, không nói năng một tiếng kể cả khi gặp gia đình thăm nuôi. Hành động của đồng chí Võ Định xé cờ, ảnh Ngô Đình Diệm làm thức tỉnh cả lớp tố cộng, làm bọn xấu giảm bớt tàn bạo, người dao động lại tin vào cách mạng, anh chị em trong lớp tố cộng khâm phục tinh thần đồng chí Võ Định. Tên quận trưởng Điện Bàn – Trần Quốc Thái - thỉnh thoảng vào, dở hết trò dụ dỗ, mua chuộc, dọa dẫm, răn đe nhưng suốt 20 ngày ở biệt giam Võ Định vẫn không hề mở miệng. Tên quận trưởng, sau nhiều lần tiếp xúc, tưởng Võ Định điên thật, rồi tin anh sẽ làm theo ý chúng, nhưng Võ Định vẫn kiên trì chịu đựng. Trước những mánh khóe thâm độc của địch. Võ Định vân “trơ như đá, vững như đồng”. Người ông ốm rộc đi, chỉ còn da bọc xương. Sau nhiều lần tra tấn, dụ dỗ, mua chuộc nhưng không được, địch buộc phải thả Võ Định về, dưới sự giám sát của hội đồng địa phương. Từ đó, để che mắt địch, Võ Định phải giả vờ lãng trí.
Mấy năm sau, mặc dù được gia đình chăm sóc, thuốc thang, nhưng do bị kiệt sức. Võ Định từ trần. Sau ngày quê hương được giải phóng, ông được công nhận là liệt sĩ.
Tấm gương kiên trung, bất khuất, dũng cảm chống laị chính sách “tố cộng” xé cờ ba sọc, xé ảnh Ngô Đình Diệm của ông đã có tác dụng rất lớn đối với phong trào địa phương lúc bấy giờ. Hình ảnh liệt sĩ Võ Định luôn sống mãi trong lòng đồng bào, đồng chí ở quê nhà.