Kết quả theo dõi tại 3 điểm thực hiện mô hình cho thấy cá tăng trọng tương đối tốt, sau 4 tháng nuôi đạt trọng lượng bình quân 4 con/kg, không xuất hiện bệnh trong quá trình nuôi. Tại buổi hội thảo, các nông dân được đi tham quan ao nuôi của 1 hộ điển hình – hộ ông Phan Văn Du xã Điện Hòa. Đây là hộ nuôi cá điêu hồng rất thành công với năng suất ước đạt 10,5 tấn/ha. Trên cơ sở kết quả thu hoạch của mô hình năm 2009, ước tính kết quả thu hoạch tại hộ ông Phan Văn Du là hơn 103 triệu đồng; thu lãi gần 30 triệu đồng. Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Du rất phấn khởi với kết quả mà mình đạt được; ông cho biết “Phát triển nuôi các đối tượng thủy sản mới có hiệu quả kinh tế cao như cá điêu hồng là hướng đi đúng đắn để thoát khỏi vòng luẩn quẩn nghèo khó như trước đây”.
Để nâng cao giá bán sản phẩm, kích cỡ cá thu hoạch cần phải lớn. Muốn vậy các hộ nuôi cần phải đầu tư chủ yếu bằng thức ăn công nghiệp. Đây cũng là nỗi trăn trở của nhiều nông dân tham gia hội thảo. Tuy vậy, dựa trên lợi thế diện tích mặt nước sẵn có và nhu cầu của thị trường trong tương lai, việc phát triển các đối tượng có giá trị kinh tế cao theo phương thức thâm canh là xu hướng có lợi nhất. Tuỳ thuộc vào khả năng đầu tư của nông hộ mà chọn hình thức nuôi và mật độ nuôi cho phù hợp. Ngoài việc nuôi đơn, bà con có thể cơ cấu cá điêu hồng là đối tượng chính trong công thức nuôi ghép theo tỷ lệ cá điêu hồng 80% và trắm, mè, chép 20% để tận dụng thức ăn thừa của nhau nhằm giảm bớt chi phí sản xuất.
Qua quá trình đưa đối tượng cá điêu hồng vào sản xuất tại địa phương từ năm 2007 đến nay, cho thấy đây là đối tượng dễ nuôi, cho hiệu quả kinh tế cao và hiện nay thị trường tiêu thụ đã ổn định với mức giá trung bình từ 33000 – 37000đ/kg. Do vậy, việc cơ cấu dần các đối tượng có giá trị kinh tế cao như cá điêu hồng vào sản xuất là giải pháp để nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản trên đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho nông dân.