Nội dung chi tiết

BA MẸ CON CÙNG MỘT CHI BỘ
Tác giả: UBND Điện Bàn .Ngày đăng: 14/03/2009 .Lượt xem: 5377 lượt. [In bài]

Phú Trung

Những ai từng công tác, họat động cách mạng trong những năm kháng chiến chống Mỹ ở Điện Minh đều không lạ gì với ba mẹ con bà Nguyễn Thị Cận (còn được gọi là bà Sơn). Và đặc biệt, trong giai đoạn cam go của lịch sử (1956 – 1959), chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm thực thi chính sách “tố cộng, diệt cộng”, nhiều cơ sở cách mạng bị vỡ, cán bộ đảng viên phải hoạt động đơn tuyến, âm thầm, có khi trong một thời gian dài, chỉ có ba mẹ con bà Nguyễn Thị Cận tổ chức hoạt động cùng nhau. Người mẹ, bà Nguyễn Thị Cận là Bí thư chi bộ và hai người con: Anh Sơn và chị Tùng, lúc ấy tuy chưa chính thức đứng vào hàng ngũ đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng do họ lập nên nhiều thành tích, góp phần cũng cố và phát triển phong trào cách mạng ở Điện Minh – địa bàn nằm sát chi khu quận lỵ Điện Bàn. Và ngay trên vùng đất ấy, hai trong ba mẹ con đã anh dũng hy sinh, giữa lúc cuộc chiến đấu vẫn còn nóng bỏng…

Bà Nguyễn Thị Cận sinh năm 1927, tại thôn Trung Phú, xã Điện Minh, trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Chính vùng đất Điện Minh – vùng tạm chiếm của địch – với nhữnh nét đặc thù riêng của phong trào cách mạng đã tạo nên một nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Cận gan dạ, dũng cảm. Bà tham gia cách mạng rất sớm, từ những ngày đầu khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Năm 1949, bà vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Đông Dương. Những năm kháng chiến chông Pháp, Điện Minh là vùng tranh chấp giữa ta và địch. Trong nhiệm vụ một cán bộ nữ dân quân xã, bà đã sát cánh cùng chồng là Nguyễn Tấn Minh – xã đội trưởng Điện Minh – liên tiếp lập nên nhiều chiến công vẻ vang. Bà đã có mặt hầu khắp các họat động của đội du kích xã. Cùng với huyện nhà, phong trào cách mạng ở Điện Minh ngày càng lớn mạnh, lập được nhiều thành tích trên mặt trận tổng giải tán tề, cô lập hoàn toàn các mâm tề trên địa bàn. Đội du kích xã còn hoạt động mạnh đến các vùng Lai Nghi, Vông Đồng …và nhiều lần đánh vào đồn tổng vệ La Qua, lập được chiến công trong phong trào cách mạng ở Điện Minh. Trong đó có công lớn của bà Nguyễn Thị Cận đã góp phần cùng huyện, tỉnh kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Năm 1954, hòa bình lập lại, bà Cận ở lại quê hương tiếp tục hoạt động. Chồng bà do bị thương nặng phải đưa ra miền Bắc điều trị. Đất nước bị chia cắt hai miền, gia đình bà cũng phân ly. Đây là giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời cách mạng của bà Nguyễn Thị Cận. Gánh nặng gia đình – một mẹ già hai đứa con nhỏ cùng tình hình quân thù ra sức đàn áp, bắt bớ, thủ tiêu những người cách mạng miền Nam, chồng chất trên đôi vai người phụ nữ trẻ tuổi. Bà là một trong những người đầu tiên bị chính quyền ngụy đưa vào danh sách “kẻ thù nguy hiểm” cần thanh trừng. Thế là hàng chuổi những ngày bị bắt bớ, đánh đập dã man… liên tiếp trút xuống. Không biết bao nhiêu lần bà Cận bị bắt, giam cầm, tra tấn, được thả về, rồi lại bị bắt. Với bản lĩnh kiên định của người chiến sĩ Cộng sản, bà Cận đã dùng nhiều biện pháp đối phó với giặc, buộc chúng không thể nào giam giữ bà được lâu. Trước sự đe dọa của quân thù, bà đã ngang nhiên chất vấn lại chúng, tổ chức các đồng chí cùng bị bắt đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ. Khi được thả về, bà đã vận động, tuyên truyền trong nhân dân về nội dung, ý nghĩa của Hiệp định, tìm mọi cách phân hóa, lôi kéo, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ phong trào, vạch mặt bọn phá hoại Hiệp định, ca ngợi công lao cách mạng. Bà lại bị bắt, giam cầm, những lần bị bắt về sau càng bị tra tấn nặng nề, dã man hơn những lần trước đó. Có lần, để thóat khỏi sự giam cầm, tra tấn của kẻ thù, bà đã giả điên, giả dại, dắt con đi lang thang xin ăn khắp nơi và tìm mọi cách móc nối với cơ sở cách mạng, động viên đồng chí, đồng bào tiếp tục đấu tranh, vững tin vào con đường cách mạng.

Sau năm 1956, niềm hy vọng về đất nước thống nhất, gia đình sum họp không thành, bà Cận cùng với các đồng chí còn sống sót sau nhiều đợt truy quét, tù đày, thủ tiêu của giặc đã quyết định lần tìm gặp lại nhau, rồi bí mật họat động. Xây dựng cơ sở trong quần chúng nhân dân làm nòng cốt trong các cuộc đấu tranh với địch, chờ ngày liên lạc với huyện về lại hoạt động.

Với quyết tâm ấy, bà Cận cùng với các đồng chí của mình đã nguyện đem hết sức mình để phục vụ quê hương, đất nước. Những năm 1956 – 1960 là thời kỳ phong trào cách mạng của Điện Minh cũng như Điện Bàn gặp khó khăn. Chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng” của giặc đã làm cho các tổ chức cách mạng tan rã, nhiều cán bộ chủ chốt, đảng viên và nhân dân rơi vào tay giặc, chịu nhiều hy sinh, mất mát. Bà Cận đã tìm cách liên lạc với các đồng chí đứng đầu tổ chức cách mạng, tiếp tục lãnh đạo nhân dân đấu tranh bằng mọi hình thức, đặc biệt là đấu tranh chính trị, chống bắt bớ, tù đày, vạch trần âm mưu phản dân hại nước của Mỹ - Diệm và tay sai. Những ai hoạt động trực tiếp vào thời kỳ này đều không lạ gì với chi bộ có ba mẹ con của bà Sơn (gọi theo tên con  trai đầu của bà Cận), Chi bộ do bà Cận lãnh đạo đã thực hiện được khá nhiều việc như: Lãnh đạo nhân dân đấu tranh trong các buổi chỉnh huấn, tố cộng; Ngăn cản không cho địch lập ấp chiến lược tại Điện Minh, chống lập ấp dân sinh, dồn dân vào thôn Tân Mỹ; Đấu tranh chống bắt các gia đình can cứu đi ngũ tập trung; Vạch mặt và trừng trị bọn tề ngụy, gián điệp trà trộn vào hàng ngũ của ta và trong nhân dân; Tổ chức các đường dây cung cấp thuốc men, lương thực cho kháng chiến và tạo điều kiện để cấp trên về làm việc với cơ sở, cụ thể là phát triển 21 công sự bí mật để bảo vệ cơ sở và cán bộ ta trong vùng bị địch kiểm sóat. Nhiều công sự dồn lại đến ngày đất nước giải phóng; Tuyên truyền chống quân địch, chống làm tay sai, phân phát hàng trăm lượt truyền đơn kêu gọi kháng chiến cứu nước, kêu gọi thanh niên, học sinh tham gia cách mạng, kết quả đợt đầu có các anh Bút, Pháp, Mai, Ry đã thoát ly gia đình. Sau này, có nhiều đồng chí đã trở thành cán bộ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; Vạch trần âm mưu tội ác của Mỹ - Ngụy, làm tan rã tinh thần binh lính ngụy; Lãnh đạo phong trào học sinh, Phật tử đấu tranh chống lại chính quyền Mỹ - Ngụy và tay sai tại Thị trấn Vĩnh Điện, Hội An và Đà Nẵng. Tranh thủ và kích động binh sĩ sư đoàn II ngụy bỏ nhiệm sở tham gia vào phong trào Phật giáo, bảo vệ chùa chiền và chống lại thủy quân lục chiến được chuyển từ Sài Gòn ra để đàn áp Phật giáo miền Trung. Kết quả là gần hai tiểu đoàn không nghe lệnh của chỉ huy, bỏ Tam Kỳ ra Vĩnh Điện, Đà Nẵng và Hội An, nghe theo lệnh của cách mạng thông qua các tăng ni, phật tử. Khi hai tiểu đoàn này hành quân đến Cây Sợp, Vĩnh Điện thì máy bay AD6 của Mỹ - Ngụy thi nhau bắn đạn pháo vào đội hình. Nhiếu anh em binh sĩ chết và bị thương, ta tổ chức sơ cứu cho số  binh sĩ này…

Hoạt động của phong trào cách mạng xã Điện Minh ngày càng lớn mạnh. Đến muà đông năm 1967, chi bộ bà Cận dã phát triển thành 10 đảng viên và năm 1968 là 14 đảng viên chính thức. Chi bộ đã trở thành hạt nhân lãnh đạo của Đảng tại địa bàn và sau này là linh hồn của Đội công tác vùng V của huyện Điện Bàn.

Năm 1966 – 1967, bà Nguyễn Thị Cận và gia đình đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn đấu tranh mở ra và làm chủ từng phần ở Điện Minh và thị trấn Vĩnh Điện. Các đội công tác thuộc Huyện ủy Điện Bàn được thành lập để mở ra vùng V, trong đó có đội công tác xã Điện Minh với phương thức họat động trên tất cả các mặt, phổ biến là cài răng lược dựa vào việc phân tích thông tin của các cơ sở cách mạng trung kiên để tiến công kẻ địch, đẩy lùi từng bước, đánh đổ từng bộ phận, gây bất ổn nghiêm trọng tại các căn cứ, hậu cứ của chúng, gây tổn thương về tâm lý, tinh thần để hạn chế tối đa sự đánh phá của địch trong các vùng giải phóng.

Để chuẩn bị cho tổng tiến công đầu xuân 1968, mùa đông trước đó bà Cận và hai con thoát ly ra vùng giải phóng, gởi lại bà con quê nhà mẹ già và đứa con út. Ngay sáng hôm sau, quân địch xuống bao vây, lục soạt vơ vét và phong tỏa đốt trụi ngôi nhà thân yêu của bà.

Tháng 12 năm 1967, Huyện ủy Điện Bàn cử đồng chí Đặng Hữu Tại – sau này là Bí thư Huyện ủy Điện bàn, Thường vụ tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng đến Điện Minh làm đội trưởng đội công tác, bà Cận bàn giao công việc và lên công tác tại Ban phụ nữ huyện Điện Bàn.

Nhân dịp rằm tháng 8 năm 1969, trong khi thực hiện công tác vận động ủng hộ tổ chức lễ trung thu cho các cháu thiếu nhi, bà Cận bị địch tập kích bất ngờ vào ban đêm tại thôn Uất Lũy, xã Điện Minh. Sau gần 20 phút chiến đấu không cân sức, bà bị thương nặng và hy sinh. Sự hy sinh của bà Cận là một tổn thất lớn lao cho phong trào cách mạng ở địa bàn Điện Minh, Điện Bàn lúc bấy giờ. Chín tháng sau, cô Tùng – con gái bà cũng hy sinh trong lúc đang làm nhiệm vụ tại xã nhà.

 

                                 (Viết theo tự sự của cán bộ lão thành Nguyễn Tấn Minh)

[Trở về]
Các tin mới hơn:
NHÀ LAO VĨNH ĐIỆN
NHÀ YÊU NƯỚC LÊ ĐÌNH DƯƠNG
NHÀ YÊU NƯỚC PHAN THÀNH TÀI
BÀI THƠ CA NGỢI ĐỒNG CHÍ ĐINH TÙNG
BÀI THƠ THƯ NHÀ
MỘT HỘI PHÓ NHIỀU NGƯỜI CHƯA BIẾT
CÁI CHẾT NGHIỆT NGÃ CỦA PHẠM XANG
Các tin cũ hơn:
GƯƠNG BẤT KHUẤT CHỐNG TỐ CỘNG
RA ĐI … QUYẾT TỬ !
NGƯỜI ĐẢNG VIÊN TRUNG KIÊN
TRẠM GIAO LIÊN GIỮA LÒNG GIẶC
CHỊ BẢY CẮT CỔ TRONG NHÀ TÙ
NGƯỜI CHIẾN SĨ BIỆT ĐỘNG THÀNH ĐÔ
ĐỐI MẶT VỚI TỬ THẦN
NGƯỜI NỮ TÙ MANG SỐ HC.15312
CÂU CHUYỆN CỦA MỘT NỮ TÙ
NĂM THÁNG KHÔNG QUÊN
    
1   2   3   4   5  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm