Nội dung chi tiết

MỘT HỘI PHÓ NHIỀU NGƯỜI CHƯA BIẾT
Tác giả: UBND Điện Bàn .Ngày đăng: 15/03/2009 .Lượt xem: 4997 lượt. [In bài]

Hồ Duy Lệ

Đầu tháng 3 năm 1975, Ngọc Liên chia tay chị em ở cơ quan Hội phụ nữ Quảng Đà, trong rặng núi Hòn Tàu đi chiến dịch, về đứng công tác ở thôn Đông Hồ xã Điện An – một địa bàn mà mỗi lần công tác ở Điện Bàn, Ngọc Liên đều muốn ghé về, ngoài việc quen thân với cán bộ, du kích địa phương, còn có lý do không gặp được người cha thân yêu thì cũng nhắn cho ông biết là con gái đã về đến quê nhà, rằng con gái không ở tù mà đang công tác…

Chuẩn bị cho ngày 8/3 – ngày Quốc tế phụ nữ năm ấy, đồng chí Võ Đầy, Bí thư chi bộ thôn Đông Hồ, chị Xuân và Ngọc Liên (lúc bấy giờ có tên là Dung) đang ngồi bàn nên tổ chức ngày Quốc tế phụ nữ như thế nào thì có công văn khẩn, về họp ở trên Phong Nhị - Điện An. Thế là Võ Đầy đi với chị Dung. Họp xong về đến nhà đã gần 12 giờ đêm. Thời (Trần Hữu Tùng) đang ngủ say. Võ Đầy xuống sông Đông Hồ thấy lạnh không tắm mà rửa mặt rồi về… Vừa bước lên bờ thì nghe một loạt tiểu liên từ phía Điện Thắng…

6 giờ sáng dậy, Võ Đầy đánh thức Thời bảo lo nấu cơm ăn…anh leo lên vọng gác trên ngọn tre quan sát. Ba bên, bốn hướng đều im ắng, một số bà con đã ra đồng, hướng cơ quan xã của Bí thư Trần Tửu cũng bình yên…Leo xuống đất thì thấy chị Dung đang phơi áo quần chổ bụi tre, sau hầm chống pháo. Võ Đầy nói:

- Mấy chị chủ quan ghê hỉ.

- Phơi ở phía sau, khuất tre mà – chị Dung cười nhỏ.

Võ Đầy nói giọng anh vang vang: Không biết ai mà đi băng trong cỏ tranh lút nửa người … Thời nghe vậy vẫn tỉnh bơ nghe nhạc trên đài…

Khi Võ Đầy chưa ra khỏi bụi tre thì tên lính biệt kích bước vào sân, đi thẳng lại phía hầm chống pháo, nơi chị Dung và chị Xuân đang đứng.

- Giơ tay lên! Tên biệt kích dọa. Tức thì một loạt tiểu liên vang lên. Hắn bắn hai phát nữa, một viên trúng vào chân trái Võ Đầy. Võ Đầy băng bói chạy ra hướng anh Xay (Trần Văn Năm) xã đội trưởng.

Khoảng 9 giờ sáng hôm sau thì họ gặp nhau ở Ngọc Tứ, không thấy chị Dung.

Du kích và bộ đội huyện truy theo bắn chết tên biệt kích, lấy được cây Ả15 hắn vừa gây tội ác và cây K54 hắn vừa lấy của Võ Đầy… Mọi người lội tìm gọi, không thấy chị Dung đâu. Nguồn tin chị Dung mất tích truyền về Hội phụ nữ Quảng Đà, đến tại Tỉnh ủy Quảng Đà rồi im bặt vì đó là thời gian tất cả cho chiến dịch tổng tấn công, nổi dậy giải phóng thành phố Đà Nẵng…

Trong khi làm việc để khai thác tài liệu và tổ chức học sinh giải phóng Tam Kỳ những năm 1963–1965, tôi biết được đường dây nối tổ chức này với lực lượng thanh niên – học sinh – sinh viên Đà Nẵng do Lê Công Cơ phụ trách.

Sau khi vỡ cơ sở trong “chín ngày làm chủ” ở Đà Nẵng ngày 13/9/1964, Lê Công Cơ đưa Sơn Hải vào Tam Kỳ, thông qua Ngọc Liên để tiếp cận và nắm lực lượng ở Tam Kỳ, thống nhất một đầu mối… Để tạo được sự đi lại hợp pháp, Ngọc Liên vừa đóng vai một phật tử sinh hoạt với anh chị em phật tử Tam Kỳ, vừa đóng vai trò một giáo viên dạy ở trường tư thục Sào Nam ở 147 Hoàng Diệu – Đà Nẵng, trú trong nhà bà giáo Thanh, Ngọc Liên gọi bằng mợ.

Khi nhóm “chín bà” – chín cô giáo ở trường Tiểu học Sào Nam bị vỡ thì người bị bắt, người ở tù, người thoát ly ra vùng giải phóng. Rất may hôm đó bọn an ninh quân đội ập đến nhà bà giáo Thanh thì Ngọc Liên đang dạy ở trường. Bà giáo Thanh đã cho người bí mật xuống trường báo cho Ngọc Liên thoát. Cũng trong thời gian này mẹ của Ngọc Liên đau nặng rồi qua đời tại Điện An ngày 19/4/1964.

Biết địch đang theo dõi nhưng hôm làm tuần 100 ngày cho mẹ, Ngọc Liên bí mật về quê, đi chợ Vĩnh Điện mua sắm đồ về cúng mẹ. Trên đường đi ra chợ thì bị một tên an ninh quân đội bám theo bắt Ngọc Liên chở về nhà giam Hội An… đánh đập đủ cách, không cạy được một lời. Ngọc Liên ra tù từ nhà lao Hội An, lại tiếp tục hoạt động, lại bị bắt giam ở nhà lao Thừa Phủ Huế - 1968 giải phóng nhà lao Thừa Phủ, ra tù lại hoạt động ở Hội phụ nữ tỉnh Quảng Đà, lại bị bắt giam ở nhà lao Hội An. Không moi ra một lời, địch lại thả, lại hoạt động, lại rơi vào tay giặc. Lần này địch đày Ngọc Liên ra Côn Đảo. Lần trao trả tù chính trị năm 1974, Ngọc Liên về Ban dân vận khu ủy V  rồi về làm Hội phó Hội phụ nữ Quảng Đà…

Lại đi công tác Điện Bàn. Gần Tết Ất Mão – 1975, chị Thiện là chị em con nhà chú nhà bác với Ngọc Liên, cũng là cơ sở hoạt động hợp pháp của chị Ngọc Liên. Từng ở tù với chị Liên ở nhà lao Hội An, được tin nhắn Ngọc Liên đã về đến La Thọ - Đông Hồ. Loay hoay với công việc bận rộn khi chị Thiện liên lạc được với du kích xã Điện An, lên đến Đông Hồ mới sững sờ hay tin chị Liên đã hy sinh. Mấy chị phụ nữ ở xã kể lại: Khoảng 5-6 ngày sau khi chị Liên ”mất tích” thì anh em du kích xã Điện An nghe mùi xác chết đi tìm thì thấy xác chị Liên nằm trong đám cỏ bói um tùm, ở trong vườn Hoàng, cách đường Dương Hưu nơi du kích ở chừng 50m – nơi đây cách nhà ông Bảy Bàn – người cha thân yêu của chị Liên chừng 2 cây số…

Nguyễn Thị Ngọc Liên tức Phạm Thị Dung hy sinh ngày 9/3/1975,  chỉ còn 20 ngày thì đến ngày giải phóng quê hương 29/3/1975.

Nhận được tin, buồn quá mấy chị em hội ý giấu ông già. Đùng một cái thì giải phóng, mọi người mừng vui khôn tả, song cũng lo làm thế nào giấu ông già mãi và lấy lời nào đây để khuyên, an ủi ông già đã đang mang nổi đau vợ đã qua đời, con trai hy sinh chỉ còn mong đợi ở đứa con  gái duy nhất?

Sáng sáng, chiều chiều hết ra sân ngồi ngóng ra đường đi đi, lại lại mong con gái chạy về ôm chầm lấy cha. Thỉnh thoảng ông Bảy Bàn thốt lên thành lời:

Sao anh em họ về hết mà không thấy con Liên về.

Rồi một hôm ông già ở xóm ngoài vào chơi, ông Bảy Bàn cũng thở ra:

- Sao không thấy con Liên về, bận chi thì bận cũng phải về thăm cha chứ !

Ông bạn già không biết người nhà đang giấu, ông nói:

- Hắn chết rồi, đâu còn ông trông về !

Hơn một tuần sau đó, ông Bảy Bàn như người mất hồn, ăn không ngon, ngủ không yên, hết thở ra thì ra đường, thấy cô gái nào cao cao, gầy gầy ông cũng nhìn xem phải là con gái không …

Qua bà giáo Thanh ở Đà Nẵng, tôi tìm ra nhà ông Bảy Bàn đang ở, gặp được các cựu xã đội và du kích Điện An, biết rõ hơn về cái chết của Ngọc Liên, lúc này ông Bảy Bàn đã ở tuổi 95. Ông vẫn nhớ đứa con gái thân yêu, hiếu thảo, song luôn gập ghềnh trên đường tình, trên cả đường công danh sự nghiệp. Ông có chút vui con gái đã được tặng bằng liệt sĩ với chức danh Hội phó Hội phụ nữ Quảng Đà.

 

[Trở về]
Các tin mới hơn:
NHÀ LAO VĨNH ĐIỆN
NHÀ YÊU NƯỚC LÊ ĐÌNH DƯƠNG
NHÀ YÊU NƯỚC PHAN THÀNH TÀI
BÀI THƠ CA NGỢI ĐỒNG CHÍ ĐINH TÙNG
BÀI THƠ THƯ NHÀ
Các tin cũ hơn:
CÁI CHẾT NGHIỆT NGÃ CỦA PHẠM XANG
BA MẸ CON CÙNG MỘT CHI BỘ
GƯƠNG BẤT KHUẤT CHỐNG TỐ CỘNG
RA ĐI … QUYẾT TỬ !
NGƯỜI ĐẢNG VIÊN TRUNG KIÊN
TRẠM GIAO LIÊN GIỮA LÒNG GIẶC
CHỊ BẢY CẮT CỔ TRONG NHÀ TÙ
NGƯỜI CHIẾN SĨ BIỆT ĐỘNG THÀNH ĐÔ
ĐỐI MẶT VỚI TỬ THẦN
NGƯỜI NỮ TÙ MANG SỐ HC.15312
    
1   2   3   4   5  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm