Ông Lại Văn Bình, Chủ nhiệm HTX 1 Điện Trung cho biết: Trước đây khi chưa ứng dụng quy trình nói trên bà con nông dân thường sạ dày, giống lại không chuẩn về kỹ thuật, bón nhiều phân đạm urê, sử dụng thuốc trừ sâu bệnh tùy tiện thường dẫn đến chi phí đầu tư cho sản xuất cao, năng suất lúa lại thấp. Bây giờ thực hiện “3 giảm” trên 200 ha lúa, thông qua tập huấn khuyến nông bà con nông dân nắm được kỹ thuật dần dà thấy được mối tương quan hữu cơ giữa dinh dưỡng – sinh trưởng – dịch hại trong sản xuất nông nghiệp, khi bón phân cân đối hợp lý đủ chủng loại trong đó giảm phân đạm, tăng phân NPK, lân, kali, theo nhu cầu thực tế cây trồng bằng cách nhìn và so màu lá lúa từ đó bón phân vừa đủ định lượng làm cho cây lúa đẻ nhánh hữu hiệu, phát triển tốt mà không bị rùm rợp. Trong phòng trừ sâu bệnh bà con áp dụng hạn chế phun thuốc trừ sâu trong thời gian 50 ngày sau sạ, phun thuốc đúng quy trình thời điểm khi sâu bệnh mới chớm phát sinh vừa giảm công phun thuốc, tiết kiệm đầu tư lại bảo vệ được sinh vật có ích hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng sâu bệnh nhờn thuốc, bảo vệ sức khỏe cho người và môi trường. Đối với giống lúa, nếu như trước đây ít nhất một sào phải xử dụng 7 – 8 Kg thóc giống nay chỉ còn 4 - 5 Kg/ sào, ruộng được làm đất kỷ, tháo cạn nước và lên hàng phân luống sạ giống, tiện lợi sử dụng thuốc diệt mầm cỏ vừa giúp cho lúa đẻ nhánh khỏe không sạ dày nên hạn chế bệnh khô vằn lúa ít bị ngã đổ.
Kết quả của “3 giảm” bà con nông dân tiết kiệm được chi phí đầu tư bình quân khoảng 80.000 đồng/ sào, nhưng lúa tốt năng suất tăng và ổn định, hạt thóc và gạo đạt chất lượng. Điều thiết thực nhất là ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) kết hợp với “3 giảm 3 tăng” (ICP) bà con nông dân xã Điện Trung ngày càng nâng cao thêm kiến thức trong đầu tư thâm canh, kết hợp với áp dụng các biện pháp luân canh, xen canh các loại cây trồng lấy hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích gieo trồng làm thước đo tính hiệu qủa sản xuất. Từ đó bên cạnh sản xuất lúa hàng hóa bằng giống kỹ thuật, nhiều năm gần đây hai HTX 1 và 2 Điện Trung hằng năm sản xuất trên 28 ha lúa giống nguyên chủng theo hợp đồng của Công ty Giống cây trồng Quảng Nam đạt chất lượng tốt, đây cũng là nguồn giống được bà con nông dân xử dụng sản xuất tại địa phương.
Theo ông Trần Tình, Chủ tịch UBND xã Điện Trung: Để duy trì phong trào ứng dụng “3 giảm 3 tăng” trong sản xuất nông nghiệp, hai HTX và Ban nông nghiệp xã Điện Trung quan tâm hơn nữa trong triển khai thực hiện các chương trình khuyến nông, nhằm giúp bà con nông dân không ngừng ứng dụng các biện pháp thâm canh kỹ thuật tổng hợp, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, con vật nuôi hợp lý, làm cho đời sống kinh tế hộ gia đình ổn định và ngày càng cải thiện tốt hơn.