Theo đánh giá tại Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ (2010-2005), với kết quả đạt được trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội trong những năm qua, Điện Bàn cơ bản đạt được các tiêu chí của huyện công nghiệp trong năm 2010.
Thực hiện nhiệm vụ cung ứng điện trên địa bàn một huyện có điều kiện thuận lợi như Điện Bàn, Điện lực Điện Bàn có điều kiện phát triển kinh doanh điện năng và viễn thông, nhưng đồng thời cũng đứng trước nhiều áp lực đối với một đơn vị mới thành lập vừa tròn một năm. Tính đến cuối năm 2010, sản lượng điện thương phẩm tiêu thụ trong toàn huyện ước đạt 160 triệu kWh, tăng 18,5 % so với cùng kỳ và chiếm 21,5 % sản lượng điện tiêu thụ toàn tỉnh Quảng Nam, dẫn đầu các Điện lực trong tỉnh. Trong đó, sản lượng điện dùng cho các trạm bơm điện để tưới tiêu chủ động chiếm 3,6 %; điện dùng cho công nghiệp-dịch vụ 60,5%.
Bước vào mùa khô năm nay, do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do thiếu nước phát thuỷ điện nên nguồn điện lưới quốc gia thiếu hụt trầm trọng, Điện Bàn cũng như các địa phương khác phải thực hiện tiết giảm phụ tải trên diện rộng. Đây là tình huống bất khả kháng, nằm ngoài khả năng giải quyết của đơn vị. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để giảm thiểu tác động của việc thiếu điện đến sản xuất-sinh hoạt của nhân dân thông qua phong cách phục vụ của CBCNV Điện lực? Mặt khác phải làm gì để nhân dân và khách hàng thông cảm và thực hành tiết kiệm điện?
Qua báo cáo tình hình và phương thức cấp điện mùa khô, đặc biệt là vào những thời điểm cao trào của việc cắt điện, lãnh đạo địa phương rất thông cảm với tình hình thiếu điện chung của cả nước; đồng thời vào cuộc chỉ đạo các ngành, các cấp ở huyện phối hợp cùng Điện lực Điện Bàn làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích và kêu gọi nhân dân, khách hàng thực hành tiết kiệm điện, sử dụng điện an toàn hiệu quả.
Mặt khác, để nhân dân biết và có kế hoạch chủ động bố trí công tác, sinh hoạt khi mất điện, Điện lực thường xuyên thông báo trên Đài Truyền thanh huyện lịch tạm ngưng cấp điện. Đối với khách hàng sản xuất, đặc biệt là khách hàng trong các khu, cụm công nghiệp, lãnh đạo Điện lực đã chủ động làm việc, thoả thuận và ký biên bản với khách hàng hạn chế công suất giờ cao điểm và tiết giảm sản lượng so với cùng kỳ. Một số khách hàng có năng lực tài chính đã mua máy phát điện. Nhờ vậy hầu hết các doanh nghiệp đều chủ động kế hoạch sản xuất, giảm thiểu thiệt hại do việc tiết giảm.
Điện Bàn hiện có 36 trạm bơm điện phục vụ tưới tiêu chủ động, công suất tổng hơn 4500 KVA. Để phục vụ điện cho các trạm bơm, ngay đầu vụ Hè-Thu, Điện lực làm việc với Xí nghiệp Khai thác thuỷ lợi và các Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp nhằm thống nhất lịch bơm nước, từ đó lập lịch tiết giảm hợp lý xen kẻ đối với các trạm bơm. Ở những vùng bị xâm nhập mặn trong mùa khô, các trạm bơm phải hoạt động tuy theo mức độ lên xuống của thuỷ triều, vì vậy Điện lực phải bố trí nhân lực để sa thải lẻ đảm bảo cho việc cấp điện an toàn, không làm ảnh hưởng đến việc phục vụ bơm nước cho vụ Hè-Thu vừa qua.
Kết hợp với việc cắt điện theo lịch tiết giảm của Công ty, Điện lực Điện Bàn lập kế hoạch thực hiện sửa chữa, vệ sinh lưới điện, vừa hạn chế thời gian cắt điện vừa tăng độ tin cậy cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Thực hiện chủ trương tiếp nhận lưới điện hạ áp và tổ chức bán lẻ đến hộ dân, trong năm 2010, Điện lực Điện Bàn đã tiếp nhận lưới điện của 9 chủ tài sản và bán lẻ cho hơn 10 000 khách hàng. Việc tiếp nhận bán lẻ trên lưới điện hiện trạng mới tiếp nhận, mà phần lớn không đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật an toàn đã gây khó khăn cho đơn vị, bởi nó vừa mất an toàn, vừa tăng tỷ lệ tổn thất điện năng. Để khắc phục tình trạng này, Điện lực đã bám sát chỉ đạo của Công ty Điện lực Quảng Nam, tiến hành kiểm tra nắm chắc những nơi xung yếu có khả năng xảy ra sự cố để sửa chữa tối thiểu và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, do nguồn vốn dùng cho sửa chữa tối thiểu không nhiều nên khối lượng sửa chữa được cũng rất hạn chế.
Đối với các hộ dân, việc bàn giao lưới điện, chuyển đổi chủ thể và phong cách phục vụ đã tạo niềm tin và kỳ vọng vào một thái độ phục vụ tốt hơn từ phía Điện lực, bởi vậy, ngay từ khi đặt vấn đề tiếp nhận lưới điện và khách hàng, Điện lực đề nghị được tham dự đại hội xã viên của các HTX nhằm giải thích chủ trương, giải đáp thắc mắc và nêu rõ một số các vấn đề có thể sẽ phát sinh sau tiếp nhận để các hộ dân hiểu và thông cảm. Đối với các HTX không tổ chức đại hội xã viên thì Điện lực đăng ký làm việc với Đảng uỷ, HĐND, UBND các xã và bí thư chi bộ, các ban quân dân chính ở các thôn. Nhờ thế, trong quá trình tiếp nhận bán điện đến hộ, thay thế công tơ, quản lý lưới điện, bán điện, thu tiền, cải tạo lưới, công tác hành lang tuyến … luôn được chính quyền địa phương và nhân dân ủng hộ, giảm thiểu đáng kể đơn thư khiếu nại, phản ảnh của khách hàng .
Công tác giao tiếp khách hàng, giải quyết đơn thư của khách hàng luôn được lãnh đạo Điện lực quan tâm, đáp ứng kịp thời, đúng quy định. Việc triển khai Văn hoá Tổng Công ty Điện lực miền Trung đã mang lại kết quả nhất định, tạo niềm tin và cái nhìn thân thiện từ phía khách hàng và nhân dân khi tiếp xúc với CBCNV ngành Điện.
Ngoài khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, Điện Bàn còn có một số cụm công nghiệp và nhiều làng nghề, Điện lực luôn được lãnh đạo địa phương mời tham gia về việc đầu tư cấp điện khi các doanh nhân đến tìm hiểu cơ hội đầu tư. Điều này đã tạo sự yên tâm cho các doanh nghiệp trước khi đặt vấn đề xúc tiến đầu tư.
Năm 2011 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm 2010-2015 về xây dựng Điện Bàn thành huyện công nghiệp. Với chức năng của mình, Điện lực Điện Bàn phấn đấu đảm bảo cấp điện kịp thời, ổn định cho các ngành các cấp và các thành phần kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội huyện Đảng bộ lần thứ XXI đề ra; đồng thời xây dựng Điện lực Điện Bàn ổn định, phát triển trên nền tảng củng cố và thực hiện Văn hoá Tổng Công ty trong toàn thể CBCNV ./.