Đồng chí sinh ra không được lâu thì ba mất, mẹ thì bệnh tật liên miên, gia đình cực khổ, bản thân phải đi làm thuê kiếm sống. Những ngày sống làm thuê đồng chí đã nhận ra được sự khổ cực của người dân mất nước. Kháng chiến bùng nổ, đồng chí vào du kích xã, rồi được chuyễn lên huyện hoạt động. Cuối năm 1950, được cử lên công tác tại Huyện ủy Trà My, đúng vào lúc xẩy ra sự kiện Sơn Hà, Quảng Ngãi (do cán bộ người Kinh không nắm vững chính sách đối với đồng bào dân tộc, mặt khác ta còn thiếu kinh nghiệm trong công tác ở miền Núi, nên bị kẻ thù lợi dụng chống phá). Ngay sau đó, Thường vụ Liên uỷ Khu 5 mở lớp học về chính sách dân tộc của Đảng cho cán bộ người Kinh lên công tác miền núi. Lần này đồng chí Lê Duẩn trên đường công tác vào ghé thăm lớp học, đồng chí nói với đại ý: Trung ương biết liên khu 5 mở lớp học về chính sách dân tộc của Đảng cho cán bộ hoạt động miền núi, như vậy là rất đúng, rất kịp thời. Chính sách của Đảng phải thể hiện bằng hành động cụ thể của người cán bộ Kinh qua từng lời nói, từng việc làm, phải biết nghe đồng bào nói và nói cho đồng bào nghe bằng tiếng dân tộc. Cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào, mới vận động đồng bào bỏ phong tục xấu, lạc hậu mà theo phong tục mới, tiến bộ, văn minh…. Đồng chí Lê Duẩn còn nói Bác Hồ có biết lớp học này, Bác gửi lời thăm và Bác nhắc: Những người Kinh hoạt động ở vùng đồng bào dân tộc, đoàn kết Kinh - Thượng, Kinh - Thượng là anh em, là con một nước. Đoàn kết để kháng chiến và kiến quốc. Phải đào tạo cho được đội ngũ cán bộ người dân tộc để thay thế dần cán bộ người Kinh… Đó là những bài học mà đồng chí ghi nhớ suốt trong đời hoạt động cách mạng của mình, nhất là ý Bác Hồ nói về xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc. Vì cái đầu mình không thể thay thế cho cái đầu, trái tim của anh em người dân tộc được. Không ai hiểu dân tộc hơn chính họ hiểu họ… Những gì thu hoạch được từ lớp học mãi ghi vào tâm khảm, là tài sản vô giá giúp đồng chí vận dụng, ứng xử trong quá trình thực tiễn công tác với đồng bào dân tộc. Đồng chí vẫn nhớ mãi lời đồng chí Trương Quang Giao, lúc bấy giờ là Bí thư Liên Khu ủy khu 5 rằng: “Phải giữ cho kỳ được miền núi. Muốn giữ được thì phải biết vận động đồng bào đấu tranh với địch. Đấu tranh bằng nhiều hình thức: bất hợp pháp, bán hợp pháp và hợp pháp. Đấu tranh phải có lý, có tình và có lợi. Phải bày cho đồng bào cách đấu tranh, nơi nào có dân phải có cán bộ, muốn trở thành cán bộ vùng đồng bào dân tộc phải trở thành người dân tộc cả hình dáng bên ngoài và cả hiểu biết phong tục tập quán của từng vùng”.  Cải trang: Sau Hiệp định Giơnevơ, khi địch đã ổn định được chính quyền ở đồng bằng, chúng bắt đầu lên miền núi đánh phá phá phong trào cách mạng, nhất là từ sau chiến dịch thượng du vận năm 1957 - 1958. Chính quyền địch được lập hầu như khắp các vùng rừng núi… chúng săn lùng người Kinh như săn thú, chúng chiếm lĩnh các trục giao thông, những khu dân cư, những đầu mối qua sông, những điểm cao lợi hại… chúng đóng đồn, bố ráp tìm cán bộ Kinh, cấy cài gián điệp, chỉ điểm… Để đảm bảo và giữ vững phong trào cách mạng miền núi ta có chủ trương: Chỗ nào có dân, chỗ đó phải có cán bộ. Chỗ nào có địch, chỗ đó phải có cán bộ. Bám dân, bám địch, bám rừng, giữ vững đường dây liên lạc với cấp trên và với đồng bằng... Với chủ trương đó, nhiều cán bộ người Kinh phải cải trang cho thật giống đồng bào dân tộc. Vậy là, đồng chí phải cải trang cho giống đồng bào dân tộc, để dễ dàng đi lại, che mắt địch khi hoạt động. Đầu tiên là để tóc dài và để thật giống người dân tộc phải để tóc so le, cháy nắng và rối. Để tóc dài lúc đầu rất khó chịu nhưng dần cũng quen. Nhưng có lẽ khó nhất là việc cởi trần, đóng khố. Cởi trần vừa lạnh, vừa ngứa. Ban ngày bị muỗi chích, ban đêm bị rệp cắn không ngủ được; còn da thì phải làm sao cho thật giống đồng bào, nghĩa là phải đen, khô, khét nắng... với sự quyết tâm và khổ luyện đồng chí đã có nước da người dân tộc, giọng nói và tấm lòng của người dân tộc. Quá trình sống với đồng bào đồng chi lại cà răng, căng tai, rồi đi đứng, càm giáo, mang gùi... Nhất là học nói được tiếng nói của người dân tộc Cơ doong, Xê Đăng, Cor… Đi đến vùng nào, cũng chịu khó tìm hiểu phong tục tập quán của đồng bào vùng đó và tập giao tiếp cũng như sử dụng công cụ vùng đó để vừa gần gũi với họ vừa không để người lạ phát hiện ra anh là người Kinh. Với cách cải trang công phu như vậy đồng chí đã trở thành y như một người dân tộc thực sự. Cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào: Tháng 7 năm 1953, tại hội nghị củng cố lại Huyện uỷ, đồng chí Thâm được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ huyện Trà My và được phân công làm Chính trị viên Đại đội tập trung của huyện Trà My. Đại đội có gần 100 chiến sĩ, hầu hết là người dân tộc. Khó khăn đầu tiên là một số đồng chí chỉ huy Đại đội chưa am hiểu tâm lý, đời sống tinh thần của người dân tộc, lại nghiêm khắc, dọa nạt kỷ luật, quá cứng nhắc và đặc biệt là có những hành động đối xử không công bằng, mà người dân tộc cái ghét nhất là sự không công bằng, không bình đẳng… Tất cả những chuyện đó làm cho các chiến sĩ không ưng bụng, họ đã bỏ về. Thời điểm đó đồng chí lại đi công tác đồng bằng khá lâu, khi trở về đơn vịảitước tình hình đó đồng chí hết sức bàng hoàng, lo lắng. Là người hiểu tâm lý của các chiến sĩ người dân tộc, đồng chí nói với các anh em chiến sĩ người Kinh: “Thôi mọi chuyện rồi sẽ xuôi như nước suối chảy, đừng bắt nó chảy ngược, không được đâu. Chừ các anh nhớ và ghi lại danh sách những người về, và hỏi cho được tên các làng của từng người. Dù xa mấy chúng ta cũng phải đến”. Vậy là các đồng chí trong Ban chỉ huy Đại đội phân công nhau tìm đến từng gia đình để vận động anh em trở lại đơn vị. Sống chan hoà, gần gũi, thông cảm từng hoàn cảnh các chiến sĩ cùng những việc làm thiết thực, đi đến nhà ai mời ăn cơm là anh ngồi vào ăn ngay. Những con mang, con heo rừng mắc bẫy chết đã lâu có con đã sinh dòi, đồng bào vẫn lấy về ăn. Chưa đưa vào miệng đã thấy nhờn nhợn, nhưng phải ráng nuốt, thật là khó nhưng buộc phải làm nhằm để gây thiện cảm với đồng bào. Đây là một thử thách rất khó vượt qua của các cán bộ người Kinh. Đồng bào lý luận thế này: “Những con thịt ấy là ma cho mình, mình không ăn sau ma không cho ăn nữa, không biết lấy gì mà ăn”. Qua nhiều năm sống với đồng bào các dân tộc anh em, đồng chí mới hiểu tại sao đồng bào miền núi lại ăn cay, ăn đắng, ăn những thứ đã ôi như thế. Vì thiếu muối quá trầm trọng, nhiều năm, nhiều nơi không có lấy một hạt muối làm thuốc, do vậy họ ăn cay, ăn đắng cho quên lạt. Quả thực lúc đầu nghe mùi đã không dám gắp, nhưng ăn quen lại có vị riêng vừa thum thủm vừa beo béo… cay xé tai, đắng quắt lưỡi, lâu không ăn nhớ nhớ. Đặc biệt các loại xương thú dù lớn, dù nhỏ, đồng bào đều không bỏ. Họ lấy xương hầm trong các ché, các hũ có khi hàng năm, cho đến khi mục bủn ra bột sền sệt. Mỗi lần nấu canh, kho thức gì họ lại múc nước xương ấy cho vào, nấu thật sôi rồi đem ăn. Họ cho đó là món ăn bổ gân cốt, trị nhức xương đau lưng mỏi gối. Sau một thời gian vận động, số anh em lên đông hơn, có nhiều người từ đâu xa xôi lạ hoắc cũng đến xin gia nhập vào đơn vị. Những lần phép sau, đồng chí cho đi mấy ngày là anh em đi đúng và thường về sớm hơn một buổi, một ngày. Hỏi thì họ trả lời: “Nhớ anh Do, nhớ đơn vị mình lên. Lên không đúng mình sợ Chính trị viên buồn”. Trước lúc rời nhà nào, đồng chí cũng nói cho cả nhà cùng nghe: “Anh ở nhà làm chưa hết chuyện, chưa thấy nhớ đơn vị, thì chưa về. Khi nào nhớ đơn vị, nhớ anh em thì về, về chơi với anh em, để anh em đỡ nhớ. Anh em muốn về nhà giúp gia đình, xin mình, mình cho đi ngay. Nhưng đừng có rủ về hết, để doanh trại không ai nằm, cán bộ nằm một mình không hết chỗ, nhớ thương anh em lắm. Với lại không có anh em, không có hơi người, con mọt phá, con rắn, con rết vào ngủ nhờ... nó làm cán bộ buồn, cán bộ mau già, mau chết, không được ở với anh em lâu...”. Mọi người nghe anh nói thường nhìn nhau, thường nói với nhau líu ríu qua vai, qua ót người này người nọ và gương mặt họ thường vui hoặc buồn khá rõ rệt. Từng lời nói việc làm của đồng chí, anh em đều chú ý lắng nghe, coi thử, rồi bảo nhau không sót: “Nó hiền, nó thương mình thiệt rồi. Mình bằng nhau với người kinh. Mình theo cách mạng được…”. Sau 21 tháng 7 năm 1954, bộ đội địa phương tiến hành chuyển quân đi tập kết ra miền Bắc, riêng đồng chí được phân công ở lại để xây dựng phong trào và cũng vào lúc này đồng chí đang học chỉnh đảng ở Liên khu 5, sau khi học xong đồng chí trở lại huyện Trà My tiếp tục công tác. Đến cuối năm 1954, Huyện ủy Trà My đứt liên lạc với Tỉnh ủy, số cán bộ người Kinh tuy còn ít nhưng biết bám vào quần chúng giữ được phong trào và sau đó tiếp tục cử người tìm bắt liên lạc với Tỉnh ủy, Liên Khu ủy để nhận chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo phong trào. Chủ trương của ta trong thời gian này là: Chống âm mưu dụ dỗ mua chuộc của địch, chống bao vây kinh tế của địch, chống khủng bố và không để cho địch khủng bố, dùng phong tục, tập quán của người dân tộc để uy hiếp địch. Từ tháng 3 năm 1963, trước yêu cầu ngày càng cao của công tác chỉ đạo miền núi, Tỉnh uỷ Quảng Nam chủ trương giải thể huyện Trà Sơn và chia làm 3 khu: Khu I là huyện Phước Sơn, Khu II là huyện Bắc Trà My, Khu III là huyện Nam Trà My. Đảng uỷ Khu III (tức huyện Nam Trà My) do đồng chí Phạm Xuân Thâm làm Bí thư, đồng thời được phân công làm Trưởng ban miền núi Quảng Nam, trực tiếp chỉ đạo 3 huyện miền núi. Sau đó đồng chí làm Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ Quảng Nam, rồi điều sang làm Phó Chính uỷ Trung đoàn 2 mở đường Trường Sơn. Năm 1970, theo chủ trương của Khu uỷ 5, tách một số huyện miền Tây của các tỉnh: Quảng Đà, Quảng Nam, Quảng Ngãi và huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum để thành lập một khu đặc biệt, mật danh là Khu A và thành lập các Ban cán sự xây dựng A, trực tiếp dưới sự chỉ đạo của Khu uỷ Khu 5, gồm có 4 Khu: Lam Sơn, Nam Trà, Yên Thế và Sơn Trà. Mỗi Khu lập một Ban cán sự. Đồng chí Phạm Xuân Thâm – Tỉnh ủy viên làm Bí thư Ban cán sự Khu Nam Trà (gồm Phước Sơn, Nam Trà My và Bắc Trà My).Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đồng chí về công tác ở tỉnh làm Trưởng ban kinh tế mới, định canh định cư của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Với những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, đồng chí được Đảng và Nhà nước trao tặng: Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất; Huân chương giải phóng hạng Nhất... Đặc biệt là những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của đồng bào các dân tộc miền núi Quảng Nam, đồng chí đã được tặng Huy chương vì sự nghiệp phát triển dân tộc và miền núi xứng đáng là “con chim Đại Bàng của miền Tây Quảng Nam”.
|