Ảnh hưởng của giá rét đối với gia súc biểu hiện điển hình như sau:
- Gia súc non là đối tượng mẫn cảm với giá rét nhất, đặc biệt là giai đoạn sơ sinh. Vật nuôi dễ bị cảm lạnh dẫn đến bị viêm phổi, tiêu chảy, còi cọc, ảnh hưởng rất lớn đến sức sống cũng như sức sản xuất sau này. Thậm chí nếu người chăn nuôi không quan tâm đến việc ủ ấm cho gia súc non, chúng có thể bị chết vì rét với số lượng rất lớn.
- Đối với gia súc trưởng thành, chúng phải đốt cháy nhiều năng lượng dự trữ của cơ thể để tạo nhiệt giữ ấm cho cơ thể, vì vậy gia súc rất gầy sút, còi cọc, đa số bị tăng trọng âm và thường xảy ra dịch bệnh nếu không được cung cấp đủ khẩu phần dinh dưỡng và có chế độ giữ ấm thích hợp.
- Đối với nái sinh sản, hầu hết đều chậm lên giống, hoặc phối giống có tỷ lệ đậu thai khá thấp nếu không được chăm sóc nuôi dưỡng tốt trong vụ đông.
Các biện pháp có thể thực hiện để phòng và chống rét cho gia súc như sau:
1. Về chuồng trại:
Nền chuồng phải đảm bảo khô ráo, không bị ẩm ướt, có thể sử dụng rơm rạ làm chất độn chuồng để giữ ấm cho gia súc. Đối với gia súc non và sơ sinh, không nên để gia súc nằm trên nền xi măng mà cần lót sạp ván hoặc tre để gia súc nằm, chong đèn điện che chắn tạo thành ổ úm để đảm bảo nhiệt độ trong ổ úm luôn đạt khoảng 300C. Ngoài ra còn dùng bạt hoặc phên, tôn che chắn xung quanh chuồng, đặc biệt che kín những hướng gió lùa, mưa tạt, nhằm đảm bảo giữ chuồng nuôi luôn được khô và ấm.
Trong những ngày rét đậm, không nên chăn thả trâu bò. Những ngày ấm hơn cũng không nên chăn thả sớm và về muộn. Thực tế lượng thức ăn trâu bò gặm được ngoài bãi trong mùa đông thường thấp hơn lượng thức ăn chúng phải tiêu tốn để chống chọi với cái rét ngoài đồng trống. Nếu tính toán kỹ, nuôi nhốt gia súc trong những ngày này có lợi hơn chăn thả rất nhiều.
2. Về thức ăn:
Đa số đàn trâu bò của bà con nông dân thường bị đói trong mùa mưa lũ và mùa đông giá rét. Để khắc phục tình trạng này, đảm bảo nguồn thức ăn cho trâu bò cân đối quanh năm, nghĩa là không có tình trạng thức ăn bị dư thừa lãng phí ở vụ hè thu và thiếu hụt thức ăn trầm trọng ở vụ đông xuân, bà con nông dân nên có kế hoạch dự trữ bảo quản các loại cỏ và phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, ngọn bắp, thân cây đậu…bằng cách ủ chua, phơi khô…ngay từ đầu năm. Mỗi hộ chăn nuôi tối thiểu phải có một cây rơm, một hố ủ chua kết hợp với cây đậu khô, cỏ khô, bao bắp khô được bảo quản thật tốt trong bao nilon sau khi được phun nước muối loãng và phơi thật khô để chống nấm mốc.
Chăm sóc tốt các ruộng cỏ, sử dụng những giống cỏ cho năng suất cao như cỏ ruzi, cỏ VA06…để chủ động nguồn thức ăn xanh cho trâu bò.
Trong mùa mưa lạnh, những ngày nắng ấm, sau khi chăn thả về, ban đêm cho trâu bò ăn thêm: 7-10kg cỏ xanh hoặc cỏ ủ chua, 2-3kg rơm khô hoặc rơm ủ ure, 1-2kg cám, cho uống nước ấm pha muối loãng (20-30g muối/con/ngày).
Những ngày mưa rét đậm, phải nuôi nhốt trâu bò trong chuồng, khẩu phần cho 1 bò trưởng thành có thể sử dụng như sau: 25-35kg cỏ xanh hoặc cỏ ủ chua, 3-4kg rơm khô (bao bắp, thân cây đậu khô), 1-2kg cám, cho uống nước ấm pha muối loãng.
3. Về chăm sóc, nuôi dưỡng:
Tăng cường chế độ chăm sóc nuôi dưỡng, đảm bảo khẩu phần ăn đủ dinh đưỡng và đảm bảo sức khỏe cho gia súc để chống chọi với cái rét và nguy cơ dịch bệnh. Có chế độ chăm sóc hợp lý đối với gia súc non. Có thể bổ sung thêm những thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao như rỉ mật đường, bánh đa dinh dưỡng… và sử dụng một số thuốc bổ cho gia súc để nâng cao khả năng chống lạnh và dịch bệnh của cơ thể gia súc.
Thực hiện tiêm phòng các loại vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm cho gia súc theo đúng qui trình. Định kỳ vệ sinh tiêu độc chuồng trại, xử lý chất thải chăn nuôi để hạn chế dịch bệnh lây lan.
Nếu bà con nông dân làm tốt công tác chăm sóc nuôi dưỡng như đã hướng dẫn, chắc chắn đàn gia súc sẽ có một mùa đông thật ấm áp và no đủ, đảm bảo sự an toàn để vượt qua những mùa đông khắc nghiệt và đem đến cho người chăn nuôi nguồn thu nhập ổn định, đảm bảo cho cái nghề khó nhọc này phát triển bền vững hơn.