Do đó, bò nái thường chậm lên giống, bò thịt thường tăng trọng âm do thiếu hụt thức ăn nên đa số đều bị bán đổ bán tháo trong giai đoạn này, đến thời điểm giáp tết nguyên đán, giá cao lại không có bò để bán, điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Vì vậy, song song với công tác giống bò, công tác chọn lọc và nhân rộng các giống cỏ cao sản, thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương cũng như bảo quản thức ăn xanh cho bò dự trữ trong mùa mưa lũ đã được Trạm Khuyến nông – Khuyến lâm Điện Bàn triển khai thực hiện nhiều năm qua. Các giống cỏ như: TD58, cỏ voi mới, cỏ VA06, cỏ Ruzi... đang được nhân rộng ở nhiều địa phương.
Điển hình như hộ chị Lương Thị Lan, thôn Kỳ Lam, Điện Quang. Năm 2008, chị nhận nhân giống cỏ VA06 với diện tích ban đầu chưa đến 0,5 sào đất, hiện nay, diện tích cỏ VA06 ước tính lên đến vài ha cho nhiều hộ chăn nuôi ở Gò Nổi và các vùng lân cận.
Để phát huy hiệu quả tiềm năng năng suất của các giống cỏ này, cũng như giúp bà con nông dân áp dụng phương pháp bảo quản thức ăn xanh vào mùa nguồn cỏ dư thừa để dự trữ cho mùa mưa lũ khan hiếm thức ăn, Trạm Khuyến Nông – Khuyến lâm Điện Bàn đã triển khai nhiều mô hình chế biến bảo quản thức ăn xanh dự trữ cho bò trong mùa mưa lũ bằng nhiều phương pháp như: ủ chua các loại cỏ, ngọn bắp, thân cây lạc, làm cỏ khô, ủ rơm bằng ure… Điển hình là hộ anh Trần Văn Họp, thôn Thi Phương, Điện Phong, năm 2007 được Trạm Khuyến nông – Khuyến lâm Điện Bàn chọn làm mô hình ủ cỏ xanh để dự trữ cho bò. Vào mùa mưa lũ năm đó, ngoài đồng ngập nước và bùn non, tìm đâu ra một cọng cỏ, nhiều bà con nông dân phải chạy ngược chạy xuôi để lo thức ăn, lúc này bà con mới thấy được giá trị của hố cỏ chua thơm thơm của nhà anh Họp. Thấy được hiệu quả từ mô hình, từ đó đến nay, anh Họp liên tục dự trữ thức ăn cho bò bằng phương pháp này và điều đó đã góp phần giúp nghề chăn nuôi bò của gia đình anh luôn được ổn định trong nhiều năm qua.
Để nhân rộng mô hình này, những năm qua, cứ vào khoảng tháng bảy, tháng tám hàng năm, hoặc vào vụ thu hoạch bắp, UBND xã Điện Phong lại ra quân triển khai thực hiện chương trình bảo quản thức ăn xanh rộng khắp địa bàn xã, tham gia đông đảo nhất là bà con nông dân thôn Tây An. Nơi đây, phong trào bảo quản thức ăn cho bò dự trữ cho mùa mưa lũ và nuôi bò thâm canh đang được thực hiện rất rầm rộ và đầy khí thế. Bà con nông dân đã thấy được hiệu quả thiết thực từ chương trình này. Hy vọng mô hình ngày càng được nhân rộng trên nhiều địa phương khác để góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, giúp nghề chăn nuôi bò của huyện Điện Bàn phát triển một cách ổn định.