Nội dung chi tiết

“Người thổi tù và” thời nay
Tác giả: UBND Điện Bàn .Ngày đăng: 13/03/2011 .Lượt xem: 4832 lượt. [In bài]

- Lương Mỹ Linh -

“Ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng”, câu nói ví von ghi nhận những đóng góp tích cực của những người tham gia công tác ở thôn xóm, nhưng cũng là lời trách móc của không ít người thân với những người chuyên lo chuyện bao đồng.

Thời đại công nghiệp, phần lớn lớp trẻ nông thôn rời quê đi tìm vận hội ở những nơi phố lớn. Gánh vác trọng trách thôn xóm thường dành cho các bậc cao niên, những cán bộ tuổi hưu mà chẳng thể nghỉ hưu... Vậy mà, có một người ở Điện Bàn quê tôi lại đảm đương việc “thổi tù và hàng tổng” khi tuổi đời còn rất trẻ. Đặc biệt hơn, anh còn là một đại diện tiêu biểu cho những người nông dân biết làm giàu chính đáng ngay trên chân đất quê hương. Không chỉ chăm lo cho “cơm nhà” của mình, anh còn giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhiều người khác cùng quê có được cuộc sống khá hơn. Anh là Nguyễn Văn Kiệt, trưởng thôn Đông Hòa, xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn.

Anh Kiệt, sinh năm 1973 trong một gia đình nông dân có đến 10 anh chị em. Tuổi thơ nhọc nhằn với cuộc sống nghèo khó vùng nông thôn sau chiến tranh. Không đủ điều kiện tiếp tục con đường học vấn, anh tham gia nghĩa vụ quân sự khi tròn 19 tuổi. Hai năm sau, xuất ngũ trở về quê hương, anh tham gia làm Bí thư đoàn thanh niên thôn. Liên tục đến năm 2003, anh Kiệt được nhân dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, trở thành “người thổi tù và hàng tổng” với bao công việc có tên và không tên của một cán bộ cơ sở.

Vừa tham gia công tác xã hội, vừa cần cù, chịu khó và ham học hỏi, nhưng cuộc sống gia đình Kiệt vẫn rất khó khăn, thiếu thốn. Quê anh ruộng đất ít, nhiều vùng lại úng thủy, nhiễm phèn. Trồng trọt, chăn nuôi theo mô hình gia đình nhỏ lẻ, bấp bênh với dịch bệnh. Không ít người đã nản chí. Thêm vào đó, sức hút từ các thành phố lớn luôn mời gọi. Những người cùng trang lứa như anh, đa số đều rời quê. Không phải ai ra đi cũng đều thành đạt nhưng so với cuộc sống vất vả quê nhà, vẫn thấy thảnh thơi hơn. Anh Kiệt tâm sự: Trong thời điểm đó, đã không ít lần anh dự định theo bạn bè làm ăn. Nhưng rồi, suy nghĩ trước sau vẫn như có gì níu chân. Làng xóm, bà con và công việc. Nhiều người ra đi, nhưng cũng có nhiều người đến. Chẳng lẽ họ từ xa đến đây làm ăn được, mà mình gốc quê, hiểu rõ từng con đất, con nước, cây trồng, con vật nuôi... mà đành bó tay sao?

Nghĩ là làm, anh Kiệt khởi nghiệp bằng việc sản xuất nấm rơm và nuôi gà. Thật không may, lứa gà đầu tiên của anh “dính” ngay dịch cúm, không chỉ tiêu tan vốn liếng mà phải trả nợ dần 5 năm sau mới hết. Nhưng anh  không hề nản chí,  năm 2003, chủ trương của huyện về chuyển đổi diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản như luồng sinh mới thổi bùng khao khát làm giàu. Với tổng số vốn vay 60 triệu đồng ban đầu từ nhiều nguồn khác nhau, anh Kiệt mạnh dạn đầu tư chuyển đổi 1,5 ha đất tại khu vực đồng úng thủy của thôn Đông Hòa, xây dựng thành trang trại chăn nuôi tổng hợp. Cá, ếch dưới  nước, còn trại gà công nghiệp, heo, bò lai trên bờ. Để thực hiện thành công mô hình này, ngoài sự động viên, giúp đỡ của hội nông dân, sự hướng dẫn kỹ thuật của Trạm Khuyến nông-Khuyến lâm huyện, bản thân anh Kiệt còn đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi cả phía Bắc lẫn phía Nam. Đồng thời, anh cũng thường xuyên theo dõi, tham khảo nhiều kênh thông tin, tạp chí để tự trang bị kiến thức cho mình. Hai năm trở lại đây, trang trại của anh  đi vào hoạt động ổn định và có lãi. Doanh thu hằng năm gần 1 tỷ đồng, thu nhập bình quân 60-70 triệu đồng/năm. Thu nhập hằng năm, ngoài việc trang trải cuộc sống gia đình, anh tiếp tục mở rộng đầu tư sản xuất. Trang trại có 3 lao động thường xuyên và hơn 10 lao động làm việc theo lịch trình cách 3 – 4 ngày một lần.

Chị Lê Thị Ánh Tuyết, chuyên viên của Trạm Khuyến nông-Khuyến lâm huyện, người trực tiếp hướng dẫn các quy trình kỹ thuật chăn nuôi cho biết: Anh Kiệt là người đi đầu trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, nhạy bén với các con giống mới. Những năm qua, anh đã liên tục đảm nhận chăn nuôi trình diễn cho huyện như nuôi 2000 con ếch Thái Lan, Mã Lai vào năm 2007, nuôi 8.000 cá điêu hồng vào năm 2008, trình diễn heo ngoại vào năm 2009... Anh Kiệt cho hay, việc nuôi trình diễn chủ yếu là mang tính chất thử nghiệm chứ không phải là bài toán của lãi suất, nhưng anh rất nhiệt tình, bởi qua đó, anh tiếp cận được khoa học kỹ thuật mới, rút ra được những bài học quý giá để nâng cao tay nghề. Không chỉ cho bản thân, anh còn phổ biến các kinh nghiệm ấy cho anh em đồng nghiệp, làm người tư vấn cho nhiều hộ nông dân rất thành công. Đáng quý hơn, anh còn giúp đỡ cho nhiều hộ thiếu vốn làm ăn, cho mượn tiền không lấy lãi. Trong thôn có trường hợp một học sinh nhà nghèo thi đỗ đại học ở TP. Hồ Chí Minh nhưng không đủ điều kiện đi học, anh Kiệt đã đứng ra giúp đỡ tận tâm.

Giải đáp những thắc mắc của chúng tôi về việc làm thế nào để vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ của Truởng thôn, vừa đảm đương công việc bộn bề của một ông chủ trang trại với quy mô tương đối lớn như vậy, anh Kiệt vui vẻ chỉ về tấm bảng lịch trình làm việc chi chít những chữ. Lịch hoạt động của anh cụ thể, tỉ mỉ từng ngày, hàng tuần, hàng tháng. Anh tâm sự: Mình tuy xuề xòa như vậy, nhưng làm việc đều theo quy trình bài bản. Ngoại trừ những việc đột xuất, mọi chuyện riêng chung đều phải có cách phân bố thời gian sao cho hợp lý, vừa đạt được hiệu quả cao nhất. Với  trang trại, mình đảm nhận xử lý trực tiếp các khâu kỹ thuật, phân bổ công việc. Với nhiệm vụ thôn trưởng, ai từng kinh qua mới thấu hiểu hết. Ở một góc độ nào đó, cán bộ thôn là những người gần dân và hiểu dân nhất. Mọi việc mình làm vừa đi theo nguyện vọng nhân dân, vừa có những cách giải quyết hợp tình, hợp lý. Đông Hòa là một thôn có truyền thống lâu đời, xây dựng và phát triển thôn nhà ngày càng phát triển vững mạnh không chỉ là nguyện vọng của bà con trong thôn mà của cả những người xa quê. Chính vì lẽ đó mà những việc chung của thôn đều được tiến triển thuận lợi. Trong công tác xây dựng đời sống văn hóa, Đông Hòa đã vận động xây dựng nhà văn hóa thôn, cổng chào, nhà bia tưởng niệm với trị giá hơn 600 triệu đồng, trong đó nguồn chủ yếu là từ bà con đồng hương các nơi.

Anh Kiệt cũng cho biết thêm, mong muốn của anh là được đến thăm một mô hình thôn văn hóa thật tiêu biểu, học hỏi kinh nghiệm để áp dụng xây dựng thôn Đông Hòa ngày càng phát triển.

Trong phát triển kinh tế, khó khăn lớn nhất của hầu hết các chủ trang trại như anh là không được giao quyền sử dụng đất lâu dài, ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý an tâm đầu tư mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, việc tập huấn kỹ thuật, áp dụng các phương thức sản xuất mới là việc làm cần thiết và nên tổ chức thường xuyên để trang bị kiến thức cho người chăn nuôi.

Ghi nhận những đóng góp của anh Kiệt, trưởng thôn Đông Hòa, xã Điện Thọ, nhiều cấp, nhiều ngành đã khen tặng nhiều giấy khen, bằng khen, nhưng có lẽ, danh hiệu cao quý nhất mà anh có được là sự yêu mến, tín nhiệm của bà con nhân dân thôn nhà. Anh - Nguyễn Văn Kiệt – “Người thổi tù và hàng tổng” đã khẳng định năng lực, trí tuệ, bản lĩnh của người nông dân trong thời đại mới, thổi lên ngọn lửa tin yêu, hy vọng vào ý chí quyết tâm xây dựng quê hương Điện Bàn ngày càng giàu đẹp.

 

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Giao ban đánh giá hoạt động dịch vụ tinh, nitơ năm 2024
Hướng dẫn chăm sóc, quản lý dịch hại cây trồng giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2025
Số liệu thống kê chủ yếu năm 2023 thị xã Điện Bàn
Bổ nhiệm Phó Giám đốc Ngân hành Chính sách xã hội thị xã Điện Bàn
Hướng dẫn chăm sóc các loại cây trồng vụ Đông Xuân 2024-2025 trong điều kiện rét lạnh
Điện lực Điện Bàn tổ chức vệ sinh công nghiệp cách điện
Bế giảng lớp nghề kỹ thuật pha chế đồ uống tại phường Điện Ngọc
Giải pháp nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi trong mùa Đông
Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Điện Bàn tổ chức tập huấn hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã cho cán bộ, hội viên
Hội Nông dân các địa phương đồng loạt ra quân diệt chuột
    
1   2   3   4   5  
    
Các tin cũ hơn:
Hiệu quả từ việc ứng dụng phương pháp bảo quản thức ăn xanh cho trâu bò dự trữ cho mùa mưa lũ
Năm 2010 đạt tổng giá trị sản xuất toàn nền kinh tế của xã Điện Thọ đạt 136,76 tỷ đồng
Một số biện pháp phòng, chống rét cho gia súc
Thanh niên làm kinh tế giỏi
Quỹ tín dụng nhân dân xã Điện Dương tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động năm 2010
Thông xe kỹ thuật cầu Gò Nổi
Vững bước vào năm mới
Đồng hành vươn đến thị xã.
Lãng phí từ một công trình cấp nước sinh hoạt
Bãi bồi Thu Bồn sau lũ
    
1   2   3   4   5  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm