Với ý tưởng gìn giữ bản sắc của mỗi vùng đất của quê hương, sau khi hoàn thành “bản nháp” - làng du lịch văn hoá Cẩm Thanh gần Cửa Đại Hội An, KTS Bùi Kiến Quốc - hậu duệ của bác sĩ Bùi Kiến Tín với thương hiệu Dầu Khuynh Diệp nổi tiếng từ những năm 1950- bắt tay vào thực hiện “bản chính” dự án “Khu du lịch Nhà vườn Triêm Tây” tại Thôn Triêm Tây, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
"Cô thôn nữ" Triêm Tây còn nguyên vẻ đẹp tươi tắn hồn nhiên là vậy nhưng việc đầu tư để giữ gìn vẻ đẹp ấy gặp rất nhiều khó khăn. Triêm Tây có diện tích khoảng 45 ha, chủ yếu là đất màu, có 147 hộ với gần 700 dân, hơn phân nửa làm nghề dệt chiếu, số còn lại làm nghề nông. Đây là vùng đất bãi bồi, bốn bề sông nước bao bọc. Mỗi năm vào mùa mưa lũ, dòng nước dữ đã cuồn cuộn mang đi hàng trăm khối đất dọc bờ sông. Bằng tâm huyết của người “sáng tạo” không gian, KTS Bùi Kiến Quốc đã đặt câu hỏi: “Tôi có chuyên môn về tổ chức không gian, tại sao không giữ lại một vẻ đẹp như thế và đưa đến với mọi người?” Vậy là “Khu du lịch Nhà vườn Triêm Tây” của ông ra đời với diện tích 13.447m2 nằm bên bến sông Thu hiền hoà, thơ mộng. Khu du lịch là sự kết hợp hài hòa giữa bến sông, làng quê với nghề dệt chiếu truyền thống và những ngôi nhà của người dân được nâng cấp phù hợp để phục vụ du khách nghỉ ngơi sau những chuyến du hành thưởng ngoạn cảnh sông nước quanh vùng.
Ở giai đoạn đầu của dự án này, ông Quốc đã đầu tư hơn 5 tỉ đồng xây dựng kè chống xói lở dọc bờ sông Thu Bồn để bảo vệ những khu vườn. Xác định nguồn khách của khu du lịch chủ yếu là khách nước ngoài. Du khách từ phương Tây về Việt Nam họ muốn tìm đến một vùng đất chưa bị sự tác động của con người làm cho biến dạng, một không gian nông thôn tự nhiên nhất. Vì thế, “Khu du lịch nhà vườn Triêm Tây” là đặc trưng của cảnh quan làng quê, bởi ông Quốc cho rằng “những giá trị văn hoá, môi sinh của quê hương mình là vô giá. Nó không phải là hàng hóa nên cần phải được bảo vệ, tôn trọng...”. Hệ thống nhà nghỉ của khu là những ngôi nhà dân hiện tại, được chỉnh sửa, nâng cấp từ chổ ăn, ngủ, công trình vệ sinh để đủ điều kiện phục vụ du khách. Ông xây dựng hai hồ bơi dưới lũy tre rợp mát, chỉnh trang những con đường làng quanh co ẩn mình dưới bóng cây và xây dựng thêm một nhà ngắm sông ở đầu xóm. Vật liệu xây dựng đều sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong vùng. Nguồn lao động là các thợ mộc, các công nhân làm vườn, thợ thủ công, những nông dân tại địa phương. Ông Quốc cũng đã tiến hành đào tạo 12 thôn nữ Triêm Tây với các nghiệp vụ lễ tân, hướng dẫn viên hướng dẫn du khách đi thăm làng nghề dệt chiếu, nghề nông của cư dân địa phương...
Khác với các dự án du lịch The Nam Hải, Lebel Hamy... ở Điện Bàn đã được đầu tư xây dựng gần 10 năm nay, nhưng những dự án này là những không gian riêng biệt, du khách đến đây không được giao lưu, gần gũi với cư dân bản địa. “Khu du lịch Nhà vườn Triêm Tây” là một không gian mở mà ở đó du khách có thể hòa mình vào thiên nhiên, sống cùng thiên nhiên và sinh hoạt cùng con người nơi đây. Đến đây, du khách có thể tự do khám phá thiên nhiên, tiếp cận văn hoá và con người địa phương trong lao động sản xuất, sinh hoạt.
Đầu năm 2011, “Khu du lịch Nhà vườn Triêm Tây” của KTS Bùi Kiến Quốc chính thức đưa vào hoạt động, “Dự án du lịch này sẽ giúp Triêm Tây sớm thay đổi hình ảnh một làng quê nghèo khó, con em sẽ được đào tạo làm du lịch, lái thuyền chở du khách từ Hội An lên... thay vì cứ đi làm ruộng, còng lưng dệt chiếu... nhưng quan trọng hơn là ông Quốc đã giúp chúng tôi giữ được đất làng...” như ông Nguyễn Văn Bòng - Trưởng thôn Triêm Tây hy vọng!