Điện Bàn là một trong số ít địa phương có nhiều làng nghề nổi tiếng đã trở thành thương hiệu sẽ là lợi thế rất lớn để phát triển du lịch nhằm không chỉ bảo tồn, gìn giữ các làng nghề truyền thống qua đó còn giúp người dân tăng thu nhập ổn định cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Theo thống kê, toàn huyện Điện Bàn có 12 làng nghề và nhiều cơ sở tiểu thủ công nghiệp. Trong đó có 06 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống. Thời gian qua việc khôi phục, phát triển làng nghề đã mang lại hiệu quả tích cực thu hút hơn 1100 lao động tham gia với giá trị sản xuất ước đạt 44 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Trong số 06 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận, cũng chỉ còn 04 làng nghề là Đúc đồng Phước Kiều, bánh tráng Phú Triêm; chiếu chẻ Triêm Tây; nước mắm Hà Quảng là còn hoạt động. Trong đó, ngoài đúc đồng Phước Kiều đã phục hồi phát triển, từng bước khẳng định thương hiệu thì hầu như các làng nghề con lại hoạt động chỉ mang tính nhỏ lẻ. Nguyên nhân chủ yếu vẫn do thiếu vốn đầu tư, giá nguyên liệu cao, thị trường đầu ra không ổn định, giá ngày công thấp... Nhiều làng nghề chủ yếu sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống, sản phẩm đơn điệu mang tính dân dụng, chưa có sự đa dạng về mẫu mã sản phẩm, công nghệ lạc hậu dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp, khó cạnh tranh với những sản phẩm công nghiệp trên thị trường.
Bảo tồn làng nghề không chỉ góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống mà còn giúp người dân tăng thu nhập, phát triển kinh tế. Để làm được điều đó ngoài sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ các cấp ngành đòi hỏi mỗi làng nghề cần nỗ lực cải tiến mẫu mã, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường để tồn tại, phát triển. Những năm gần đây thông qua việc thành lập các tổ chức, hiệp hội, nhiều làng nghề truyền thống Điện Bàn đã được phục hồi và tạo được chỗ đứng trên thị trường như đúc đồng Phước Kiều; cơ sở gốm Lê Đức Hạ; Chạm khắc Âu Lạc; Chạm khắc gỗ Nguyễn Văn Tiếp … Trong đó, đúc đồng Phước Kiều đã có sự chuyển biến theo hướng chuyên nghiệp hóa với việc thành lập Công ty TNHH; đầu tư xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng như Nhà trưng bày, Nhà thờ tổ với tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng là dấu hiện minh chứng cho sự hồi sinh mạnh mẽ của làng nghề này. Những năm gần đây, sản phẩm Phước Kiều không chỉ giới hạn trong một địa phương mà thương hiệu đã vượt ra ngoài huyện. Năm 2010 chuông đồng Phước Kiều là phẩm làng nghề duy nhất của Quảng Nam được UBND tỉnh chọn làm quà tặng cho 2 tỉnh Thanh Hóa và thành phố Hà Nội nhân kỷ niệm 45 năm Thanh Hóa - Quảng Nam kết nghĩa và kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Hoa hậu Mai Phương Thúy đến thăm làng đúc đồng Phước Kiều |
Tuy nhiên, không phải tất cả các làng nghề Điện Bàn đều có tiềm lực cũng như điều kiện để phát triển theo hướng quy mô sản xuất hàng hóa. Để các làng nghề tồn tại và phát triển bền vững, ngoài yếu tố nội tại của mỗi làng nghề trong việc tự thay đổi thì một yếu tố đóng vai trò hết sức quan trọng giúp làng nghề tồn tại và phát triển là phải gắn kết với du lịch, điều tuy không mới nhưng không phải nơi đâu cũng áp dụng thành công như Hội An lâu nay đã làm tại các làng mộc Kim Bồng, làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà. Phát triển du lịch gắn với làng nghề không đơn thuần chỉ là trình diễn và bán sản phẩm. Du lịch làng nghề phải gắn với không gian văn hóa của mỗi làng nghề; đó là các phong tục, tín ngưỡng, lễ hội của cộng đồng dân cư sống trong làng nghề đó. Du khách đến tham quan ngoài việc chiêm ngưỡng các quy trình để làm ra sản phẩm hoặc đích thân tham gia vào quy trình sản xuất sẽ được hòa mình vào với không gian văn hóa, kiến trúc của làng nghề để cảm nhận tận cùng những nét văn hóa ẩn chứa trong từng sản phẩm. Lịch sử các làng nghề Điện Bàn đều có quá trình hình thành, phát triển hàng trăm năm với nhiều giá trị văn hóa đặc trưng sẽ là một lợi thế lớn để phát triển du lịch, nhưng khai thác những tiềm năng đó như thế nào đòi hỏi cần có sự đầu tư quy hoạch và chiến lược hợp lý.
Dự án quy hoạch, xây dựng Cụm làng nghề Tiểu thủ công nghiệp - Thủ công mỹ nghệ Đông Khương (Điện Phương) trên diện tích hơn 7,2 ha, kinh phí gần 26 tỷ đồng mục đích tập trung bố trí các làng nghề truyền thống, cơ sở tiểu thủ công nghiệp, ẩm thực … vừa được UBND tỉnh phê duyệt nhằm biến nơi đây thành một điểm dừng chân nghỉ ngơi tham quan, ăn uống, mua sắm hàng hoá làng nghề của du khách trên con đường di sản kết nối Hội An và Mỹ Sơn là bước đi đầu tiên nhằm hiện thực hóa việc bảo tồn làng nghề gắn kết với du lịch trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, xây dựng không gian văn hóa và sản phẩm gì tại Cụm làng nghề sẽ là vấn đề cần bàn để tạo ra sự độc đáo không trùng lặp, khi đó mới có thể hấp dẫn du khách đến tham quan.
Làng nghề truyền thống Điện Bàn có lịch sử hình thành hàng trăm năm không chỉ phản ánh nhu cầu cuộc sống trong một giai đoạn nhất định mà còn chuyển tải trong mình những giá trị văn hóa tinh thần, các phong tục tín ngưỡng được kết tinh qua nhiều thế hệ. Bảo tồn làng nghề gắn với du lịch sẽ là hướng đi đúng nếu có chiến lược đầu tư hợp lý nhằm góp phần lưu giữ những tinh hoa văn hóa của tiền nhân, giúp người dân tăng thu nhập cải thiện cuộc sống, đóng góp vào việc phát triển kinh tế xã hội địa phương.