Chúng tôi gặp ông Võ Như Nở-Hội trưởng Hội người mù của huyện và được biết: “Huyện Điện Bàn là huyện có số người khiếm thị đông nhất tỉnh. Hiện nay, số người khiếm thị trong hội là 286 người trong đó đa số hội viên đều lớn tuổi, già yếu, đời sống gặp rất nhiều khó khăn.” Khi được hỏi về phương hướng hoạt động của hội, ông Nở cho biết thêm: “Xác định chỉ có lao động sản xuất thì người khiếm thị mới có điều kiện vươn lên để cải thiện cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng vì vậy mà trong năm qua, hội người khiếm thị của huyện đã mạnh dạn vay vốn ngoài để mua nguyên vật liệu duy trì phát triển mạnh cơ sở sản xuất ngay cả trong mùa mưa. Cơ sở sản xuất của huyện hội với sản phẩm chính là chổi đốt và tăm tre”. Ông Nở còn vui vẻ tiết lộ doanh thu trong năm nay đạt 320 triệu đồng, so với năm trước tăng 20 triệu. Thu nhập bình quân mỗi tháng của người khiếm thị là 600 nghìn đồng, tăng hơn 100 nghìn đồng so với năm trước. Phải nói rằng có được kết quả khả quan này phần lớn là nhờ sự chăm chỉ, cẩn thận trong việc làm ra sản phẩm của hội viên, từ đó nâng cao được chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, hội đã chủ động được nguồn nguyên liệu kể cả trong mùa mưa, vì vậy việc sản xuất luôn được duy trì đều đặn. Ngoài ra, còn phải kể đến sự quan tâm, giúp đỡ của những cơ quan, trường học đã giúp mua sản phẩm của hội vì vậy sản phẩm làm ra tiêu thụ nhanh, doanh thu cao. Nhờ vào chính sự lao động sản xuất của mình mà nhiều hội viên trong hội ngoài nuôi sống bản thân còn phụ với gia đình nuôi con ăn học và mua sắm nhiều dụng cụ sinh hoạt trong gia đình như anh Mười, anh Cư, chị Hoa, chị Thu... Những kết quả đó không chỉ có giá trị vật chất mà còn có ý nghĩa tinh thần hết sức to lớn. Nó giúp cho những người khiếm thị tìm thấy được niềm vui, niềm an ủi trong cuộc sống, giúp họ cảm thấy mình sống có ích và thấy được sự cảm thông, sẻ chia mà xã hội dành cho.
Để từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người khiếm thị, ngoài việc tổ chức cơ sở sản xuất chổi đốt và tăm tre, huyện hội còn lập thủ tục xin cho 17 hội viên được vay vốn với số tiền 160 triệu đồng để chăn nuôi, sản xuất tại gia đình và vay 100 triệu để phát triển cơ sở sản xuất chổi đốt và tăm tre hiện tại. Tất cả số vốn này đã được các hội viên của hội sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, trả lãi đúng thời hạn và không có nợ quá hạn, nợ tồn đọng. Nhờ có vốn và siêng năng nên nhiều hội viên trong hội đã vươn lên làm ăn có hiệu quả như Anh Trần Bốn, Trần Quốc Chanh, Nguyễn Thị Từ....
Không chỉ hướng nghiệp giúp cho người khiếm thị tự lao động sản xuất để nâng cao chất lượng cuộc sống, Ban chấp hành huyện hội cùng với các chi hội trưởng tại các xã đã tranh thủ các nguồn tài trợ của các nhà từ thiện để giúp đỡ cho người khiếm thị. Những nguồn đóng góp quí giá của những tấm lòng hảo tâm được chuyển đến đúng địa chỉ, đúng thời điểm giúp cho những hội viên vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống. Trong năm 2010, hội đã quyên góp được số tiền và hàng qui ra tiền mặt là hơn 290 triệu đồng, trợ cấp trực tiếp cho 1969 lượt hội viên, UBMTTQVN huyện hỗ trợ xây dựng 2 nhà đại đoàn kết là 20 triệu đồng từ nguồn kinh phí quỹ người nghèo, tặng 1 sổ tiết kiệm cho 1 hội viên khó khăn 300.000 đồng. Những số tiền hỗ trợ này có ý nghĩa rất lớn đối với những hội viên. Như bà Đỗ Thị Tân, hội viên đang tham gia làm việc tại cơ sở sản xuất tăm tre chổi bày tỏ: “mong muốn lớn nhất của bất kỳ người khiếm thị là có được cuộc sống ấm no. Vì vậy chúng tôi tha thiết mong được các ngành, các cấp, các hội từ thiện, các nhà hảo tâm, quan tâm ủng hộ để người khiếm thị có được cuộc sống ngày càng tốt hơn.”
Ngoài ra, hội còn có nhiều hoạt động quan tâm chăm sóc đời sống của anh chị em hội viên. Duy trì sinh hoạt “Câu lạc bộ (CLB) vượt khó vươn lên” 3 tháng một lần, CLB đã thống nhất tạo nguồn quỹ để thăm hỏi, động viên nhau lúc ốm đau, cho mượn sản xuất, chăn nuôi quay vòng không tính lãi để cải thiện đời sống bằng cách mỗi hội viên đóng góp 30.000 đồng. Trong năm, đã kết nạp 6 thành viên, hiện nay CLB có trên 30 thành viên, không có thành viên nào vi phạm sinh con thứ 3 trở lên. Ban công tác phụ nữ khiếm thị của huyện cũng đã đi vận động các nhà hảo tâm để tổ chức họp mặt 40 chị em phụ nữ nhân ngày quốc tế phụ nữ 8-3, 20-10 với tổng kinh phí đã chi hơn 10 triệu đồng với nhiều nội dung phong phú như hái hoa dân chủ tìm hiểu về lịch sử phụ nữ Việt Nam qua các giai đoạn, tổ chức cho chị em giải trí với các trò chơi, đạp om, thổi bong bóng... Hội cũng đã vận động gây quỹ để giúp đỡ chị em phụ nữ lúc ốm đau, bệnh tật, động viên chị em vươn lên trong cuộc sống.
Không chỉ chú trọng nâng cao đời sống vật chất cho người khiếm thị, Hội người khiếm thị huyện Điện Bàn còn chú trọng công tác tuyên truyền văn hóa giáo dục. Thời gian qua, 45 hội viên của hội được sử dụng chữ Brail thường xuyên nhận sách, báo, tạp chí từ TW gửi về để nghe, đọc nhằm ôn luyện và nắm băt thêm hoạt động của hội từ trung ương đến địa phương. Trong năm nay, Ban chấp hành hội đã tích cực vận động được nguồn kinh phí 10 triệu đồng và chi quỹ hội 2,5 triệu tổ chức được lớp học chữ Brail cho 13 học viên. Thời gian học 2 tháng, chương trình nâng cao, xóa khiếm thị, điều lệ của hội... Sau khóa học nhiều học viên đã có thành tích học tập tốt: 8 học viên đạt loại giỏi, 4 học viên đạt loại khá, 1 học viên đạt loại trung bình, không có học viên yếu. Những thành tích đó đã nêu cao tinh thần vượt khó của những người khiếm thị, chứng tỏ họ là những người tàn nhưng không phế .
Khi chúng tôi chào các chị ra về trời đã nhập nhoạng tối nhưng các chị vẫn đang miệt mài làm việc. Sinh ra đã gặp phải số phận không may mắn nhưng họ đã cố gắng vươn lên, không muốn mình trở thành những gánh nặng của xã hội. Nhờ sự cố gắng đó mà năm 2010 huyện hội đạt được thành tích dẫn đầu phong trào thi đua toàn tỉnh. Niềm vui ấy sẽ làm cho cái Tết năm nay của những hội viên trong hội người mù của huyện Điện Bàn thêm tươi vui và có ý nghĩa hơn. Tuy vậy, cuộc sống của những hội viên cũng còn nhiều khó khăn và họ vẫn cần những tấm lòng, những sự quan tâm sẻ chia nhiều hơn nữa để tìm được hướng đi đến một ngày mai tươi sáng hơn./.