Được mùa
Xã Điện Dương (Điện Bàn) có khoảng 1.000 gia đình sống bằng nghề khai thác hải sản tập trung chủ yếu ở 2 thôn Hà My Đông A và Hà My Đông B. Những ngày này, niềm vui được mùa đang đến với nhiều người dân. Ông Ngô Đức Ba, một ngư dân địa phương chia sẻ: “Thời tiết những ngày sau tết rất thuận lợi nên chúng tôi gấp rút bám biển. Gần đây lượng cá ngừ, cá cơm và mực đánh bắt được khá lớn nên tàu nào cũng tranh thủ cập cảng bán hải sản tươi rồi lại ra khơi ngay”.
Hiện nghề lưới vây, lưới cản, mành chụp… ở Điện Dương đang cho hiệu quả kinh tế cao. Trung bình, sau mỗi chuyến đánh bắt khoảng 7 ngày, mỗi ngư dân thu được hơn 5 triệu đồng. Anh Lê Thanh Hùng, một người đi “bạn” trên 1 tàu lưới vây, cho biết: “Nếu như trước đây mỗi tháng chỉ đi được 1 - 2 chuyến biển vì phải nghỉ trăng thì nay nhiều phương tiện đã tăng thêm thời gian đánh bắt bằng cách tận dụng nhiều loại ngư cụ khác nhau để có thể khai thác hải sản tùy theo từng thời điểm. Chính vì thế thu nhập của ngư dân cũng khá dần lên”.
Nhiều ngư dân xã Điện Dương hiện cũng khấm khá với nghề khai thác ốc ruốc. Gia đình anh Ngô Thanh Hùng những năm gần đây đã đầu tư phương tiện, chờ đến mùa (bắt đầu từ tháng giêng) là khai thác ốc ruốc. Anh cho biết, vào những ngày biển lặng, khoảng 3 giờ sáng là anh chạy ghe kéo ốc. Bình quân mỗi ngày anh khai thác được hơn 350kg ốc ruốc, thu được gần 1 triệu đồng. Ông Trần Minh Hoàng - Chủ tịch UBND xã Điện Dương cho biết: “Những năm gần đây, việc khai thác hải sản ở địa phương có nhiều chuyển biến tích cực. Điều cần thiết hiện nay để nghề biển địa phương phát triển là ngư dân trong vùng cần được tập trung để hỗ trợ nhau tốt hơn trong sản xuất, đặc biệt là cần nguồn vốn vay hỗ trợ để người dân đầu tư phương tiện hiện đại vươn khơi”.
Bội thu cá trích
Những ngày này, ngư dân bãi ngang Tam Thanh (TP. Tam Kỳ), Tam Tiến (Núi Thành) đang rộn ràng với mùa cá trích. Từ tờ mờ sáng, từng đoàn thuyền nan lần lượt vượt sóng ra khơi và chỉ sau vài giờ thả lưới, nhiều thuyền vào bờ với ăm ắp cá trích trong khoang. Nhiều ngư dân cho biết, năm nay cá trích xuất hiện sớm tại vùng biển ngang. Ngay từ mùng 2 Tết Nguyên đán đã có phương tiện ra khơi khai thác cá trích. Thời tiết đang rất thuận lợi, trung bình mỗi chuyến biển, 1 phương tiện khai thác được từ 3 - 5 tạ cá. Hiện cá trích có giá từ 35 - 45 nghìn đồng/kg và được tiêu thụ rất mạnh do cá còn tươi ngon, đường sá thuận lợi để vận chuyển đi tiêu thụ ở các vùng lân cận.
Xã Tam Thanh có khoảng 500 hộ dân làm nghề biển, chủ yếu là khai thác gần bờ. Trong những ngày này hầu hết ngư dân đều tập trung khai thác theo mùa cá trích, đến tháng 4 hằng năm là mãn. Kế đó, người dân lại chuyển sang việc đánh bắt các loại hải sản khác, chủ yếu là ghẹ. Ông Nguyễn Phúc Ánh (54 tuổi, thôn Tỉnh Thủy, Tam Thanh) nói: “Cứ vào đầu xuân khi gió nồm thổi nhè nhẹ là thời điểm cá trích kéo vào gần bờ. Nghề này khai thác không kể sáng trăng hay tối trời, miễn cá trích rộ gần bờ là được. Loại cá này trước đây có giá trị rất thấp, có năm cá được rất nhiều, bán rẻ như cho. Chừ thì khác rồi, được bao nhiêu vào bờ bán cũng hết”.
Tại biển Rạn (xã Tam Tiến, Núi Thành) cũng có hàng chục phương tiện bội thu với nghề khai thác cá trích. Đây là vùng biển ngang có nguồn lợi thủy hải sản gần bờ dồi dào do có nhiều rạn đá. Nghề khai thác cá trích được xem là nghề trái vụ bởi được khai thác vào mùa biển động. Lao động làm nghề này hầu hết đi trên các phương tiện giã cào, mành mùng, pha xúc… được nghỉ ngơi trong mùa đông. Từ trước tết đến nay, những ngày biển êm sóng, hàng chục phương tiện khai thác cá trích lại hối hả ra khơi. Trung bình mỗi phương tiện khai thác được hàng tạ cá sau mỗi chuyến biển. “Đi biển trong những ngày tết có tiền lắm. Ai cũng muốn có chút cá tươi cúng cơm ông bà nên giá bán rất cao. Từ đầu tháng giêng đến nay, ước mỗi lao động nghề lưới gần bờ thu nhập hơn 5 triệu đồng, đây là chút lộc biển đầu xuân” - ông Nguyễn Văn Mai, một ngư dân xã Tam Tiến nói.
Q.VIỆT - X.NGHĨA - V.TRƯỜNG (Theo Báo Quảng Nam)