Hạ tầng đồng bộ
Ông Thân Đức Sửu, Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn cho biết, để xây dựng, phát triển Điện Bàn thành thị xã, địa phương đang tiến hành đồng bộ, toàn diện tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị. Trong đó, khâu đột phá là phát triển nhanh kết cấu hạ tầng đô thị một cách đồng bộ và chú trọng đào tạo, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị. Để khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đưa Điện Bàn trở thành thị xã vào năm 2015, công tác quy hoạch xây dựng phát triển không gian đô thị từ đông sang tây là hết sức cấp thiết. Cụ thể, trong thời gian đến, huyện sẽ quy hoạch phát triển hình thành chuỗi đô thị mới dọc theo quốc lộ 1A từ xã Điện Phương đến Điện Thắng Bắc (khu đô thị Phương Thắng) trên cơ sở các đồ án đã và đang lập như thị trấn Vĩnh Điện (quy hoạch chung 1/2000, phê duyệt năm 2007), thị tứ Thanh Chiêm (quy hoạch chi tiết 1/500, phê duyệt năm 2007), khu dân cư đô thị Điện Minh, khu dân cư đô thị Điện An (đang lập quy hoạch)…
Đồng bộ hạ tầng là một trong những khâu đột phá để xây dựng Điện Bàn thành thị xã. |
Trong khi chờ đợi sự khớp nối quy hoạch chung của khu vực, các đồ án sẽ tuân thủ nguyên tắc quy hoạch sau phải khớp nối với quy hoạch trước và lấy tiêu chuẩn đô thị loại IV làm cơ sở chung. Đối với không gian nội thị 5 xã vùng cát mà trung tâm là khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, huyện sẽ phối hợp với Ban Quản lý khu đô thị mới hoàn thành quy hoạch chi tiết 1/500 theo từng phân khu chức năng để đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, qua đó xác lập đạt tiêu chuẩn đô thị loại III trong giai đoạn 2011 - 2015 và coi đó là tiền đề để được công nhận là thị xã. Ngoài ra, mạng lưới các thị tứ và các điểm dân cư tập trung: Phú Bông (Điện Phong), Bình Long (Điện Phước), Phong Thử (Điện Thọ)… cũng phải được quy hoạch khớp nối với quy hoạch chung.
Tiếp nối công tác quy hoạch, Điện Bàn chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị trọng điểm mà trước mắt là tiếp tục phân kỳ đầu tư nâng cấp, chỉnh trang thị trấn Vĩnh Điện làm hạt nhân kết nối trục dọc từ xã Điện Phương đến Điện Thắng Bắc. Ngoài việc đầu tư xây dựng các trục đường nội thị, khu phố chợ Vĩnh Điện và các khu dân cư khối 3, 5, 6, 7, khu bảo tàng… đường ĐT608, ĐT609 nhằm xây dựng Vĩnh Điện thành trung tâm đô thị, huyện cũng sẽ thu hút mọi nguồn lực đầu tư mở rộng, phát triển kết cấu hạ tầng các xã Điện Minh, Điện An, Điện Phương, Điện Thắng Trung, Điện Thắng Nam và Điện Thắng Bắc để kết nối thành chuỗi đô thị dọc quốc lộ 1A. Đối với khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, với định hướng là lấy đô thị mới làm trung tâm sẽ mở rộng không gian đô thị đến 5 xã vùng cát. Theo hướng đó, Điện Bàn sẽ từng bước hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng đô thị, phát triển kinh tế - xã hội trong mối quan hệ với TP. Đà Nẵng và TP. Hội An, tạo thành chuỗi đô thị du lịch ven biển miền Trung.
Coi trọng nhân lực
Bên cạnh việc nhanh chóng hoàn thiện kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ, Điện Bàn ưu tiên phát triển nguồn nhân lực có chất lượng và đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào quá trình phát triển. Theo ông Trần Úc - Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn, trong thời gian đến, bên cạnh việc tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, huyện sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực. Cụ thể, sẽ phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, phấn đấu có 65% lao động đến tuổi được đào tạo nghề. Đồng thời, sẽ có chính sách hỗ trợ trong đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, nhất là đối với những người lao động trong các vùng dự án phải di dời. “Chúng tôi đã có kế hoạch quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý chủ chốt và chuyên môn phù hợp. Việc đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở có trình độ chuyên môn, kỹ thuật về quản lý hành chính, quản lý nhà nước về đô thị nhằm đủ khả năng điều hành nền kinh tế, xã hội theo yêu cầu của bộ máy chính quyền thị xã đang được địa phương hết sức quan tâm” - ông Trần Úc cho biết thêm.
Cũng theo lãnh đạo huyện Điện Bàn, bên cạnh chính sách tuyển dụng sinh viên chính quy có trình độ khá và giỏi, nhất là trong các ngành xây dựng, kiến trúc, quản lý đô thị, môi trường cũng như chú trọng công tác đào tạo sau đại học, đào tạo chuyên sâu quản lý hành chính nhà nước, huyện sẽ đẩy nhanh việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. “Xây dựng các cơ sở thông tin dữ liệu kinh tế làm cơ sở khoa học phục vụ cho công tác hoạch định chiến lược, xây dựng kế hoạch, quản lý điều hành phát triển kinh tế - xã hội là những ưu tiên khác của Điện Bàn” - ông Thân Đức Sửu khẳng định.
Để xây dựng huyện thành thị xã vào năm 2015, Điện Bàn phấn đấu hình thành 1 khu đô thị loại III là 5 xã vùng cát, 1 khu đô thị loại IV là khu đô thị Phương Thắng và 2 - 3 thị tứ đạt tiêu chuẩn đô thị loại V. Không gian nội thị thị xã Điện Bàn sẽ gồm 5 xã vùng cát là các xã Điện Ngọc, Điện Dương, Điện Nam Đông, Điện Nam Trung, Điện Nam Bắc với khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (quy mô 2.700ha, dân số 4,65 vạn người). |
NGUYỄN QUANG VIỆT (Theo Báo Quảng Nam)