Những ai mới lần đầu tiên đặt chân đến đây hẳn không khỏi ngỡ ngàng khi bắt gặp chung quanh trên sân vườn của các hộ dân những giàn ươm với quy mô lớn phục vụ cho việc ươm cây con giống như ớt, thuốc lá, và nhiều cây trồng khác để cung cấp cho bà con nông dân.
Trong câu chuyện với chúng tôi, bác Ngô Văn Rìu, ở thôn Bến Đền Tây năm nay đã ngoài 70 tuổi, người đã từng gắn bó lâu năm với nghề cho biết: nghề ươm cây con giống của làng có từ thời ông cha truyền lại và hầu hết các gia đình trong thôn đều làm được. Ban đầu họ tự sản xuất cây con giống theo hình thức tự cung, tự cấp để phục vụ cho gia đình mỗi khi đến mùa vụ, dần dần bà con ở nơi khác đến tìm mua. Bà con trong thôn tập trung mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hàng hoá để cung ứng cho thị trường. Thời vụ để thực hiện nghề ươm cây con giống của làng chỉ vỏn vẹn trong vòng 2 tháng từ 23 tháng 10 đến cuối tháng 11 âm lịch là kết thúc. Vào thời điểm này bà con nông dân và các HTX nông nghiệp từ các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Đại Lộc và thành phố Tam Kỳ tấp nập đến đặt tiền cọc, ký kết hợp đồng, vận chuyển cây con giống về trồng cho kịp thời vụ. Cả thôn đều nhộn nhịp hẳn lên. Vào thời điểm ấy các gia đình đều phân chia công việc rõ ràng, đàn ông thì đảm nhận công việc làm giàn che, phụ nữ và trẻ em quấn bầu ươm, cho nguyên liệu (tức là phân hoai mục) vào bầu, gieo hạt và tưới nước. Để đảm bảo cho cây con sinh trưởng không bị bệnh thối nhủn và các loại bệnh khác trước khi mang cây ra trồng ở ngoài đồng ruộng thì việc chuẩn bị nguồn nguyên liệu cho vào bầu ươm hạt là khâu rất quan trọng. Bởi vậy hằng năm vào đầu tháng 4 hoặc tháng 5 bà con trong làng lại chuẩn bị sẵn nguồn phân bò, tro bếp và thân các loại họ đậu... tất cả trộn lẫn chất thành từng đống ủ cho đến khi hoai mục, sau đó thêm một lượng đất phù sa mịn xốp ven sông Thu Bồn cùng lượng phân NPK hoặc DAP thích hợp trộn đều sau đó cho vào bầu ươm. Đây là một quy trình khá nghiêm ngoặc, đòi hỏi sự tỉ mĩ, công phu và giàu kinh nghiệm của những người lâu năm trong nghề mới có thể thực hiện được. Cũng chính từ bí quyết này mà suốt thời gian qua hầu hết các loại cây con giống của làng đều đảm bảo tỷ lệ sống cao, phát triển rất tốt và được bà con nông dân khắp nơi tin tưởng.
Nghề ươm cây con giống ở đây không phải đầu tư nhiều vốn liếng nhưng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Theo các hộ dân ở đây cho biết: hầu hết các công đoạn từ việc làm giàn, bầu, nguyên liệu... đều có sẵn trong các gia đình. Vật liệu làm giàn chủ yếu bằng tre, nứa; bầu ươm làm từ lá chuối sứ có chung quanh vườn. Họ tận dụng khoảng sân vườn quanh nhà để làm giàn ươm vừa dễ dàng quản lí, vừa tiện chăm sóc. Mỗi giàn ươm có diện tích rộng từ 200-300m2 và có thể sản xuất từ 150-200 ngàn cây con giống, sau khi trừ các khoản chi phí cho thu lãi từ 15-20 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị An, người có diện tích giàn ươm lớn nhất nhì trong thôn tâm sự: so với các nghề khác thì nghề ươm cây giống được xem là nghề “một vốn mà đến bốn mươi lời” do chi phí đầu tư ban đầu thấp, thêm vào đó bà con tận dụng được công nhàn rỗi trong gia đình nên hiệu quả mà nghề này mang lại rất lớn.
Anh Đặng Kim Hùng-Trưởng thôn cho biết, ngoài các hộ sản xuất nhỏ lẻ, đến nay thôn Bến Đền Tây có trên 10 hộ tổ chức ươm cây con giống với quy mô lớn, mỗi vụ bà con sản xuất từ 2,5-3 triệu cây con giống các loại như ớt, thuốc lá, bầu bí, khổ qua... để cung cấp cho thị trường cho doanh thu trên 300 triệu đồng. Nhờ đó đến nay kinh tế của người dân trong thôn từng bước ổn định, tỷ lệ hộ khá giàu chiếm 80% dân số và trong thôn không còn hộ đói, thôn Bến Đền Tây xã Điện Quang liên tục nhiều năm liền được cấp trên công nhận là thôn văn hóa.