Các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp trở thành nơi thu hút một lượng lớn lao động nông thôn làm cho khu vực này ngày càng thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Cùng với xu thế đó, việc đẩy mạnh áp dụng cơ giới hoá trong nông nghiệp đang trở thành vấn đề bức thiết nhằm đảm bảo sản xuất nông nghiệp diễn ra đúng mùa vụ, đạt năng suất và chất lượng cao.
Huyện Điện Bàn có tổng diện tích gieo trồng hơn 21.013 ha, trong đó diện tích lúa hơn 11.339 ha (chiếm 54%), với tổng sản lượng đạt hơn 65.095 tấn/năm, Điện Bàn là vùng trọng điểm lúa của tỉnh Quảng Nam. So với các địa phương khác trong tỉnh, huyện Điện Bàn luôn đi đầu trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (TBKHKT) vào sản xuất nông nghiệp nói chung và canh tác lúa nói riêng. Các TBKHKT từ giống, phân, kỹ thuật trồng, sử dụng máy móc trong canh tác... đã được nông dân áp dụng mạnh mẽ và mang lại hiệu quả cao. Trong thời gian đến, áp dụng cơ giới hoá trong sản xuất lúa một cách đồng bộ là vấn đề cần được quan tâm để đưa ngành nông nghiệp của huyện đạt đến trình độ sản xuất hiện đại, phục vụ công nghiệp hoá nông nghiệp nông thôn.
Đối với sản xuất lúa, thu hoạch là công đoạn tốn nhiều thời gian và công lao động; phụ thuộc nhiều vào thời tiết và điều kiện đồng ruộng; ảnh hưởng lớn đến chất lượng lúa gạo và năng suất của cả quá trình sản xuất. Ngày nay, máy gặt lúa đã được cải tiến thêm một bước do áp dụng công nghệ liên hợp cắt, thu gom, tuốt chỉ trong cùng một động cơ. Sử dụng máy gặt đập liên hợp (GĐLH) là giải pháp tối ưu trong việc cơ giới hoá khâu thu hoạch lúa hiện nay. Trong toàn huyện, tổng số máy GĐLH hiện có là 22 cái (ở Điện Quang có 13 máy ), chiếm gần 50% tổng số máy toàn tỉnh. Qua thực tế sử dụng máy GĐLH ở xã Điện Quang cũng như các địa phương khác trong cả huyện cho thấy hiệu quả của việc sử dụng công cụ này khá lớn.
Máy GĐLH do Hàn Quốc sản xuất |
+ Về thời gian:
Đối với sản xuất lúa, thời vụ xuống giống luôn được các cấp ngành chỉ đạo sát sao. Nông dân phải tuân thủ theo lịch thời vụ của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn nhằm ngăn chặn sự lây lan mầm bệnh, né tránh sâu rầy. Do yêu cầu xuống giống tập trung nên thời vụ thu hoạch cũng diễn ra đồng loạt, tình trạng khan hiếm lao động thường xuyên xảy ra. Máy GĐLH sẽ giúp khâu thu hoạch diễn ra nhanh gọn, hiệu quả cao. 1 ha lúa trong vòng 2 - 3h chỉ với 2 công lao động đã hoàn tất việc thu hoạch, trong khi đó nếu thu hoạch thủ công phải mất rất nhiều ngày.
Ưu việt về mặt thời gian còn có ý nghĩa trong việc giúp nhà nông nâng cao khả năng ứng phó với tình hình phức tạp của thiên nhiên mà khoa học gọi đó là biến đổi khí hậu. Thực tế ở vụ Đông Xuân 2010 - 2011 vừa qua, do thời tiết rét lạnh kéo dài bất thường đã làm cho thời gian sinh trưởng của lúa cũng như tất cả các loại cây trồng khác đều bị chậm hơn từ 10 - 15 ngày. Nếu gặt thủ công sẽ mất thêm rất nhiều thời gian nữa, làm chậm tiến độ xuống giống cho vụ sau. Việc áp dụng máy GĐLH sẽ rút ngắn tối đa sự chậm trễ này. Mặt khác, đất cũng cần có thời gian nghỉ để phơi ải, đồng thời cắt cầu nối của sâu bệnh cho vụ sau.
+ Về kinh tế:
Chi phí thu hoạch 1 ha lúa vào khoảng 2.8 - 3 triệu đồng (tuỳ đặc điểm thửa ruộng). So với gặt thủ công thì chủ ruộng tiết kiệm được gần 50% chi phí. Điều này rất có ý nghĩa trong tình hình bão giá hiện nay, chi phí công lao động không ngừng tăng lên, đó là chưa kể đến việc dù trả giá cao nhưng đến vụ thu hoạch vẫn không tìm ra nhân công. Bên cạnh đó, nhờ kết hợp 3 công đoạn: cắt, thu gom, tuốt trong cùng một động cơ nên tỉ lệ thất thoát lúa lúc thu hoạch rất thấp. Trên đất khô, máy GĐLH có thể gặt được lúa đỗ ngã rất tốt. Như vậy, sử dụng máy GĐLH vừa giảm giá thành vừa tăng năng suất, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho nông dân.
+ Về xã hội:
Máy móc đã góp phần giải phóng sức lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nông dân đồng thời giải được bài toán khan hiếm nhân công mỗi khi vào vụ. Máy GĐLH là động cơ công nghệ cao, đòi hỏi kỹ thuật điều khiển thành thạo của thợ lái. Vì vậy, cần có một đội ngũ lao động chuyên nghiệp trong việc vận hành máy. Nếu nhà nước đào tạo được đội ngũ này là góp phần tạo nên sự đa dạng ngành nghề cho lao động nông thôn.
Máy GĐLH do Nhật sản xuất |
Một số khó khăn và giải pháp
Hiện nay, nhu cầu trang bị thêm máy GĐLH của nông dân cả nước nói chung và nông dân Điện Bàn nói riêng là rất lớn. Song do chi phí mua máy khá cao (hàng 100 triệu đồng trở lên) nên đa số nông dân chưa có điều kiện tiếp cận.
Việc áp dụng máy GĐLH ở Điện Bàn còn gặp nhiều khó khăn do đồng ruộng có quy mô lô thửa nhỏ, hệ thống giao thông nội đồng không thuận lợi cho việc di chuyển của máy.
Với những khó khăn trên, có thể đưa ra một số giải pháp chủ yếu để thúc đẩy cơ giới hoá khâu thu hoạch lúa:
+ Cần có cơ chế khuyến khích nông dân, HTXNN đầu tư máy GĐLH thông qua chính sách cho vay vốn dài hạn với lãi suất ưu đãi. Khuyến cáo các tổ hợp tác, hợp tác xã đầu tư trang bị máy móc và làm dịch vụ cho bà con.
+ Quy hoạch hệ thống giao thông nội đồng, mỗi lô thửa đất tối thiểu phải có diện tích 1000m2 tạo điều kiện để máy dễ xoay trở lúc vận hành, rút ngắn thời gian thu hoạch.
+ Tăng cường công tác tuyên truyền thông qua trình diễn, tập huấn, hội thảo, báo, đài, internet,... để bà con nông dân có điều kiện tìm hiểu và tiếp cận.
+ Bên cạnh đó, cần kết hợp đồng bộ các yếu tố kỹ thuật canh tác như san phẳng mặt ruộng, canh tác lúa theo 3 giảm 3 tăng.... nhằm tạo điều kiện cho máy phát huy tối đa hiệu quả.
Để làm được những điều này, cần có sự phối hợp tham gia của nhiều cơ quan ban ngành trên địa bàn toàn huyện bao gồm nông nghiệp, công nghiệp, cơ quan báo đài và hệ thống ngân hàng nhà nước.
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại máy GĐLH để nông dân lựa chọn. Chủ đầu tư cần có sự cân nhắc kỹ càng để chọn mua những máy có tính năng phù hợp, đáp ứng yêu cầu thu hoạch và điều kiện thực tế của địa phương. Có mặt tại Bình Định trong thời gian diễn ra hội thi máy GĐLH lúa các tỉnh phía Nam năm 2011, chúng tôi có điều kiện xem tất cả các máy dự thi thao diễn trên đồng ruộng. Đa số các máy sau khi gặt đập đều băm nhỏ rơm ra thành đoạn ngắn, không phù hợp với thị hiếu và tập quán của nông dân huyện ta. Bà con vẫn có thói quen tận dụng rơm rạ sau vụ thu hoạch để làm thức ăn cho bò hay làm nguyên liệu trồng nấm. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có một số máy của Nhật, Hàn Quốc đáp ứng được các yêu cầu này; máy cắt sát gốc, trải rơm thành hàng và rơm vẫn còn nguyên cọng. Các loại máy này đang được nông dân Điện Quang sử dụng rộng rãi.
Ứng dụng máy GĐLH trong thu hoạch lúa là hướng đi mà ngành nông nghiệp cả nước đang triển khai nhằm hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Tại xã Điện Quang, so với các cây trồng khác cây lúa chiếm diện tích rất nhỏ (150 ha) song phong trào ứng dụng máy GĐLH nơi đây đã phát triển rất mạnh. Thiết nghĩ, đây là xu hướng mà các địa phương khác cần nghiên cứu ứng dụng để góp phần đưa Điện Bàn hướng đến hiện đại hoá khâu thu hoạch lúa.