Tham dự buổi hội thảo có các đại diện của Trung tâm Khuyến Nông-Khuyến Ngư tỉnh Quảng Nam, các ban ngành ở huyện, các Ban Nông lâm 20 xã - thị trấn và nhiều hộ nông dân tham gia mô hình.
Bể Biogas composite được làm từ vật liệu composite-là vật liệu siêu bền với thành phần cốt là sợi thủy tinh. Trong 3 năm qua, Trạm Khuyến Nông-Khuyến Lâm Điện Bàn đã sử dụng loại bể này để làm mô hình xử lý chất thải chăn nuôi cho một số gia trại và trang trại heo gà trên địa bàn toàn huyện đạt hiệu quả cao. Khu vực chăn nuôi đảm bảo vệ sinh góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, hạn chế sự lây lan dịch bệnh cho người và gia súc. Bên cạnh đó, người chăn nuôi còn thu được lợi ích kinh tế từ nguồn gas sinh học đảm bảo cho việc đun nấu và thắp sáng. Ước tính, mỗi hộ có thể tiết kiệm được từ 300.000 - 400.000 đồng/tháng cho việc mua gas, củi và điện. Hơn nữa, bà con còn có thể tận dụng nguồn bã sau khi đã qua xử lý bằng bể Biogas composite để bón ruộng rất tốt.
Từ năm 2009 đến nay, Trạm đã xây dựng và nhân rộng được tất cả 53 mô hình trên địa bàn toàn huyện. Ngoài ra, Trạm còn tham gia lắp đặt bể Biogas composite dịch vụ cho hệ thống lò mổ ở xã Điện Quang và khu vực ngoài huyện như Đà Nẵng, Đại Lộc, Hội An, Thăng Bình… Hiện tại, tất cả các bể đang vận hành tốt.
Là hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi ưu việt nên nhu cầu lắp đặt trong nhân dân là rất lớn. Song do chi phí đầu tư khá cao nên nhiều hộ chăn nuôi chưa có điều kiện tiếp cận. Vì vậy, Nhà nước cần xây dựng cơ chế hỗ trợ phù hợp để giảm kinh phí, tạo điều kiện cho nhiều hộ dân được tham gia lắp đặt. Tuy nhiên, để mô hình nhanh chóng được nhân rộng thì sự quan tâm đầu tư của các hộ chăn nuôi vẫn là yếu tố quyết định nhất. Trong thời gian đến, Trạm Khuyến Nông-Khuyến Lâm Điện Bàn sẽ tăng cường công tác thông tin tuyên truyền qua báo, đài, internet và các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức của người dân. Bên cạnh đó, Trạm sẽ tiếp tục nghiên cứu tính hữu dụng của nguồn gas sinh học trong việc chạy động cơ, bình nóng lạnh, nồi cơm điện... để thu hút sự đầu tư của các hộ chăn nuôi. Đồng thời, nguồn nước thải sau khi đã qua hệ thống xử lý bằng bể Biogas composite cũng sẽ được quan tâm xử lý để nâng cao tính hữu ích của nó trong việc tưới tiêu, nuôi trồng thuỷ sản...
Các đại biểu tham quan mô hình “Xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm bể Biogas composite” |
Tất cả đại biểu tham dự hội thảo đều công nhận tính ưu việt của loại bể này và đánh giá cao hiệu quả của mô hình. Hiện nay, Trạm Khuyến Nông-Khuyến Lâm Điện Bàn đang khuyến cáo sử dụng bể Biogas composite như là một giải pháp tối ưu trong xử lý chất thải chăn nuôi, góp phần phát triển ngành chăn nuôi của huyện nhà một cách bền vững. Sau buổi hội thảo, có rất nhiều hộ chăn nuôi trong huyện đã liên hệ tư vấn và ký hợp đồng lắp đặt.