Từ thời các học giả Dương Văn An viết “Ô châu cận lục” và Lê Quý Đôn viết “Phủ biên tạp lục”, Thanh Quýt đã nổi danh bởi những nghề đan lát, dệt vải và nhất là nghề trồng thuốc lá với kỹ thuật thâm canh rất cao. Riêng nghề thuốc lá nay vẫn thịnh hành và trong các di tích vẫn còn lưu dấu: một ngôi chùa đầu làng có tên Yên Ba tự và một bàn thờ tổ nghề trồng thuốc ở đình làng...
Thuốc lá đổi đời
Làng có gần vạn dân nhưng ít đất, lại chỉ là đất trồng lúa nước. Mấy xứ đất gò, sa bồi quanh làng cứ trồng đi trồng lại một loại cây không thể có năng suất cao. Từ lâu, dân làng phải đi thuê đất làng khác dọc sông Thu Bồn, ven sân bay Đà Nẵng, phía tây núi Bồ Bồ và tây huyện Hòa Vang để trồng thuốc lá. Nghề dệt sớm bị tiêu vong vì đất trồng dâu không có, thị trường vải trong nước thu hẹp. Nghề trồng lúa không có lãi và chỉ đủ ăn bốn năm tháng trong năm... Một số người dân bỏ làng tìm kiếm cơ hội phất lên nhưng thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngược lại, những người có óc kinh doanh vẫn ở làng, thuê đất trồng thuốc lá, chế biến thuốc xắt Cẩm Lệ cung cấp cho người tiêu dùng các đô thị khắp miền Nam lại đổi đời...
Những năm 60 của thế kỷ XX, những người trồng, chế biến và buôn thuốc lá đã có nhà lầu, cho con đi học bác sĩ, kỹ sư như các ông Lê Tự Cho, Nguyễn Hữu Vũ, bà Biện Thoan, Trương Công Ái, Nguyễn Hữu Hồng... Nhiều gia đình giờ là “đại gia” trong các ngành kinh doanh thực phẩm, vàng bạc, thuốc tây, xi măng, vận tải... trước nay cũng bắt đầu từ cây thuốc lá và tích góp dần lên; trong số đó có thể kể đến gia đình đại công ty Minh Toàn ở Đà Nẵng. Ước tính cả làng bây giờ có đến trên 100 y sĩ, bác sĩ, thầy thuốc bắc, kỹ sư... Có những người thành đạt cao như giáo sư, tiến sĩ Lê Tự Quốc Thắng, anh em bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, Tổng giám đốc Tập đoàn y khoa Hoàn Mỹ và nhiều người có học vị đều “lớn lên từ gốc cây thuốc lá” của làng!
Nhà dân tộc học Nelly (trái) và các phụ nữ làng thuốc lá. |
Canh tác cây thuốc lá bắt đầu từ tháng 10 âm lịch mỗi năm đến tháng 3 âm lịch năm sau, nếu được mùa có thể sống thong thả cả năm... Người trồng thuốc lá có thể tính trước năng suất, sản lượng thành phẩm thu được mỗi mùa nhờ nghệ thuật thâm canh cao được tích lũy qua nhiều thế hệ, nếu thời tiết thuận lợi. Mỗi sào đất 500m2 có thể trồng 700 cây thuốc lá, mỗi cây khi đẻ nhánh chỉ giữ lại 4 chồi, mỗi chồi cho lên cao khoảng 1 mét và giữ lại 12 - 13 lá... Với việc chọn lựa, ủ và chế biến phân súc vật đủ tiêu chuẩn về độ hoai, sạch và bột bánh dầu, cây thuốc được bón thúc 4 - 5 kg trong suốt chu kỳ và tưới đủ nước, sẽ có bộ lá vừa to vừa dày, khi hút cháy đượm, đều và trắng tàn. Khi thu hoạch kỳ lá chính, gọi là thuốc nhất, phơi khô trong nhà và phơi sương để lên màu đẹp, có thể đạt sản lượng 250kg mỗi sào đất. Người trồng 1 vạn cây mỗi mùa có thể tính đúng sản lượng ít nhất 3 tấn thuốc khô chính vụ, chưa kể các sản phẩm phụ sau đó là thuốc nhánh... Thu nhập mỗi năm tùy vào giá thuốc trên thị trường, nhưng không thấp. Người có vốn hoặc các hộ chuyên chế biến thuốc xắt Cẩm Lệ thường mua thuốc vào năm giá thấp để trữ cho năm giá cao...
Cũng từ nghề làm thuốc lá, trai gái trong làng đã nên duyên chồng vợ qua những câu hát nhân ngãi, hò đối đáp trong những đêm giã bánh dầu hoặc xâu thuốc mới thu hoạch về . Vui nhất là trường hợp trai làng khác đã chọc ghẹo con gái làng Thanh Quýt hay hút thuốc lá bằng câu: “Tiếng đồn con gái quê ta/ mất mùa thuốc lá chết ba ngàn người!”.
Thương hiệu Cẩm Lệ
Vì sao làng Thanh Quýt mà sản phẩm là thuốc xắt Cẩm Lệ, một địa danh sát sân bay Đà Nẵng, cách đó đến 15 cây số? Theo các cụ già trong làng, xưa đất Gò Mô, Cẩm Lệ nổi tiếng trồng thuốc lá ngon (nay nằm trong sân bay Đà Nẵng) đều thuộc tổng Thanh Quýt, quê Ông Ích Khiêm ở Phong Lệ cạnh đó cũng thuộc tổng Thanh Quýt, nên thuốc lá chế biến thành thuốc xắt lấy tên đó làm thương hiệu! Có thể điều đó đúng, vì nhiều người trồng thuốc nay ở chung quanh khu vực Cẩm Lệ đa số có gốc gác quê quán ở Thanh Quýt và hầu như tất cả các tiệm bán thuốc xắt Cẩm Lệ trên toàn miền Nam đều có chủ là người quê Thanh Quýt. Nhiều làng khác ven sông Vu Gia hoặc ở Trường Xuân, Tam Kỳ (Quảng Nam) cũng trồng thuốc lá, nhưng cách chế biến hoàn toàn khác...
Máy xắt thuốc Cẩm Lệ. |
Chỉ có một ngoại lệ là thầy giáo Cơ (nay đã qua đời) ở Ngã năm Đà Nẵng, người có công sáng chế ra chiếc máy xắt thuốc chạy bằng mô tơ điện không phải gốc gác Điện Bàn. Nhưng con cháu ông cho biết, ông được một người bạn tù gốc Thanh Quýt truyền nghề từ nhà lao Hội An thời Pháp thuộc. Trước năm 1960, thuốc lá được cuốn tròn có đường kính khoảng 3cm được xắt bằng dao tay và bàn gỗ. Thầy giáo Cơ có người bạn từng dạy ở trường Bá Nghệ (Huế) giúp chế ra chiếc máy xắt chạy điện, sợi thuốc mịn màng hơn, thích hợp để quấn thành điếu bằng giấy quyến mỏng nhập từ Trung Quốc. Từ hàng chục thập niên trước, các tiệm bán thuốc xắt có mặt hầu như ở khắp các đô thị miền Nam từ Đông Hà (Quảng Trị) trở vào đến Tây Nguyên, Sài Gòn. Nhắm mắt lại, cũng biết người chủ là dân làng Thanh Quý đến đó lập nghiệp...
Nghề trồng thuốc và chế biến thuốc Cẩm Lệ ở Thanh Quýt bây giờ không còn thời cao điểm nữa do thị trường tiêu thụ bị thu hẹp một phần. Nhưng với các nhà nghiên cứu và du khách, nghề này cũng gây cho họ nhiều thích thú. Anh Nguyễn Bá Phong, một hướng dẫn viên du lịch từ Hội An, tuần nào cũng đưa một số du khách về làng. Ngoài các di tích văn hóa lịch sử, đa số họ đều đề nghị đi thăm các gia đình làm thuốc lá và ghi lại hình ảnh làm tư liệu. Albert Freeman và Alex Valavanis là hai du khách chụp nhiều ảnh về thuốc lá và gửi tặng cho Phong hoặc đưa lên mạng internet. Tôi có hai người bạn là vợ chồng nhà dân tộc học Nelly Borrowski và Nguyễn Tùng đang làm việc ở Trung tâm Quốc gia nghiên cứu khoa học Pháp từng mấy lần đến tìm hiểu, ghi chép. Anh Tùng thậm chí cũng tự quấn và phì phò được mấy hơi thuốc lá tại chỗ.
Một hôm, khi chờ xem hát bội ở sân miếu xóm, họ lại tranh thủ ghé vào thăm nhóm phụ nữ đang phơi thuốc lá và hỏi chuyện. Anh Tùng và chị Nelly hỏi: “ Nếu thị trường thuốc Cẩm Lệ bị thu hẹp, thì có thể nghiên cứu đầu tư một xưởng chế biến thuốc xì gà nhãn hiệu Thanh Quýt - Việt Nam, được không? Xì gà Cu Ba nổi tiếng thế giới cũng xuất phát từ một làng nhỏ của nước ấy đó thôi!”. Ý kiến bất ngờ từ các nhà nghiên cứu nước ngoài khiến nhiều người làng tôi suy nghĩ...
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG (theo Báo Quảng Nam)